Xét xử vì công lý, làm việc trên tinh thần phục vụ nhân dân hết mình, không thiên vị thành tích”. Đó là nguyên tắc nghề nghiệp mà ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế vận dụng trong suốt 35 năm công tác.
Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Bường
Khát vọng trở thành Thẩm phán
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), bố là liệt sĩ, bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng, nên ngay từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Bường đã ý thức được bản thân phải nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với gia đình, quê hương.
Cha hy sinh khi ông chưa kịp chào đời, cuộc sống của đứa trẻ mồ côi cha với người mẹ nghèo trong những tháng năm chiến tranh ác liệt vô cùng khó khăn, vất vả. Khi ông mới hai tháng tuổi, mẹ đi xa làm ăn và mất liên lạc đến năm 1994 gia đình mới đoàn tụ.
Từ sau giải phóng, Hội liên hiệp phụ nữ Tam Kỳ đã đỡ đầu cho ông ăn học, lo lắng, dìu dắt, là điểm tựa để ông có được như ngày hôm nay. Ông nhắc đến những người chị, người cô của Hội liên hiệp phụ nữ đã nuôi lớn mình với một tình cảm chân thành trìu mến lạ thường. Ông nói rằng, nếu không có Hội liên hiệp phụ nữ Tam Kỳ thì không có được Nguyễn Văn Bường bây giờ.
Từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã ước mơ được trở thành Thẩm phán. Những lúc rảnh rỗi ông thường xuyên lên hội trường Tòa án chăm chú quan sát các bác, các cô chú Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử tại các phiên tòa. Xem các bộ phim Bao công xử án, bảo vệ công lý, ông thầm ao ước rằng, lớn lên sẽ được theo nghề. Cứ như vậy, ước mơ sẽ làm chủ tọa trong phiên tòa lớn dần lên trong chàng trai làng biển Nguyễn Văn Bường.
Có lẽ thừa hưởng truyền thống của gia đình cách mạng nên ông luôn vượt lên hoàn cảnh, khắc phục khó khăn, kiên định với mục tiêu đã xác định. Với ý chí, quyết tâm và bản lĩnh, năm 1985 ông được vào ngành Tòa án và đến năm 1999, được vinh danh Thẩm phán.
“Trong 35 năm công tác, tôi luôn làm việc trên tinh thần phục vụ nhân dân hết mình, không quá thiên về thành tích, nhất là khi làm lãnh đạo càng phải hạn chế việc đạt các danh hiệu thi đua cao như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua TAND. Từ những ngày đầu mới bước chân vào nghề làm thư ký, tôi đã học cách làm Thẩm phán. Tôi đã hai lần được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua thi đua TAND và nhiều bằng khen, đó là thành tích cao nhất”- ông Bường chia sẻ.
Với ông, Thẩm phán là nghề nghiệp vinh quang nhưng phải chịu nhiều áp lực, khó khăn, vất vả. Nhân dân đòi hỏi ở Thẩm phán những phẩm chất cao quý với những đánh giá khắt khe. Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật, phải trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm.
Chính vì vậy, ông luôn lấy phương châm “Hết lòng vì dân, vì nước, vì công lý; xét xử phải công minh, chính trực, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng bản chất của tranh chấp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, thực hiện một cách tốt nhất quyền tư pháp do Hiến pháp quy định” làm kim chỉ nam trong suốt quá trình công tác.
Từ khi được vinh danh Thẩm phán cho đến nay, ông đã làm chủ tọa gần 2000 vụ án các loại sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong cuộc đời làm Thẩm phán, đã có những lần, nhờ sự cẩn trọng trong khâu thẩm tra chứng cứ và tổ chức tranh tụng tại phiên tòa mà ông Bường đã cùng Hội đồng xét xử phúc thẩm tìm ra sự thật khách quan của vụ án, hoàn toàn ngược lại với kết quả điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm.
Đơn cử, vụ án “Vô ý làm chết người” ở Đăk Lăk năm 2010, một bị cáo nữ bị TAND tỉnh Đăk Lăk xử phạt 3 năm tù. Hành vi phạm tội của bị cáo bị xét xử sơ thẩm là dùng điện chống trộm gây chết người. Tuy nhiên khi xét xử phúc thẩm, qua xét hỏi trắc nghiệm vài câu về kỹ thuật điện, thấy bị cáo lúng túng (do trình độ học vấn không biết chữ) và thấy việc lắp đặt hệ thống điện chống trộm là rất khó. HĐXX nghi ngờ người khai nhận tội thay người khác mà cụ thể là chồng bị cáo nên HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Kết quả điều tra lại, chính chồng bị cáo phạm tội chứ không phải là bị cáo, bị cáo nhận tội thay cho chồng.
“Những người làm công tác xét xử phải làm cho người phạm tội thấy rõ cái sai của họ và tâm phục khẩu phục trước kết quả phán xét. Đồng thời, người thực hiện xét xử cũng phải cho người phạm tội thấy “cánh cửa hy vọng” để làm lại cuộc đời”- ông Bường tâm sự.
Vững vàng trong cương vị mới
Kinh qua nhiều cương vị khác nhau cùng với kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác và được sự tín nhiệm của cấp trên, đồng nghiệp, tháng 7/2019, Thẩm phán Nguyễn Văn Bường được Chánh án TANDTC bổ nhiệm Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Trước khi về làm Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi đã nắm rất kỹ tình hình nội bộ của Tòa án và nhận thấy TAND 2 cấp tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều khiếm khuyết trong hoạt động quản lý điều hành. Trong công tác đoàn kết nội bộ, công tác tổ chức cán bộ, từ đó tác động tiêu cực trực tiếp đến hoạt động xét xử, hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, từ đó tôi đã có giải pháp phù hợp để TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế có những bước đột phá và thành công đáng kể”- Chánh án Bường cho hay.
Ông luôn tâm niệm rằng, muốn trở thành lãnh đạo có năng lực được mọi người quý mến, yêu thương thì phải luôn luôn trong tâm thế không được tự mãn, không được hài lòng với chính mình, không ngừng nỗ lực học hỏi, không ngừng vươn lên và phải luôn cố gắng hoàn thành tốt vai trò của mình.
Trên cương vị mới, việc đầu tiên của Chánh án Nguyễn Văn Bường là tập trung sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động. Đặc biệt, thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, bởi đó là yếu tố tiên quyết để lãnh đạo hiệu quả.
Ưu tiên xây dựng, củng cố, tăng cường khối đoàn kết nội bộ, gặp mặt tất cả hơn 150 cán bộ công chức, người lao động hai cấp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, động viên tháo gỡ khó khăn và đây là giải pháp có tính chất bước ngoặt.
Việc phân công trong tập thể Ban cán sự Đảng, trong Ban lãnh đạo thật sự khoa học, nâng cao vị thế của các đồng chí lãnh đạo. Nhờ vậy các đồng chí trong tập thể Ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo tuyệt đối đoàn kết, thể hiện trách nhiệm rất cao, tác động tích cực đến hệ thống các phần việc do mỗi đồng chí phụ trách cũng như hoạt động chung của TAND hai cấp.
Tập trung xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng nhiều năm, án quá hạn luật định, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án. Do làm tốt công tác đoàn kết nội bộ, công tác tổ chức cán bộ nên cán bộ, người lao động phấn khởi, yên tâm công tác, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đã tăng tốc, bức phá trong những tháng cuối cùng của năm công tác, hoàn thành tất cả các nhiệm vụ, đạt chỉ tiêu xét xử chung cả hai cấp là 91%, riêng TAND tỉnh đạt 92,3%.
Bên cạnh đó, ưu tiên kiện toàn, củng cố công tác tổ chức cán bộ thật sự công khai, dân chủ, minh bạch, đạt được sự đồng thuận cao, đến nay các đồng chí nằm trong diện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đều đồng thuận với chủ trương của Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh Thừa Thiên Huế.