Công tác Tòa án năm 2015: Những dấu ấn tích cực của một năm khởi đầu bộ máy tổ chức mới

Nguyễn Phan Khiêm| 29/12/2015 10:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2015 đã đi hết 365 ngày, hệ thống Tòa án cả nước đã có thể nhìn lại một năm qua, năm triển khai Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), với mô hình Tòa án 4 cấp, bộn bề những xáo trộn, đổi thay.

Dẫu mọi sự khởi đầu đều khó, nhưng vượt qua những khó khăn, thách thức đó, thành tựu mà hệ thống Tòa án cả nước đạt được trong năm qua là những dấu ấn quí báu, đáng tự hào.

Thay đổi lớn về tổ chức bộ máy

Ngay sau khi Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông, căn cứ Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 04/2014/CT-CA ngày 31/12/2014 về việc triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 để đến ngày Luật có hiệu lực thi hành (ngày 01/6/2015) Tòa án các cấp ổn định về tổ chức bộ máy, nhân sự và các điều kiện cần thiết khác đảm bảo cho hoạt động bình thường của TAND và TAQS các cấp theo quy định.

Với việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, TANDTC đã trình và được UBTVQH thông qua, ban hành Nghị quyết phê chuẩn về cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc của TANDTC; thành lập các TAND cấp cao; thành lập Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia và Quy chế làm việc của Hội đồng này; đã trình và được Quốc hội toàn thể tại kỳ họp thứ 9, ngày 26/6/2015 phê chuẩn 15 vị Thẩm phán TANDTC; căn cứ theo Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, Chủ tịch nước đã ban hành quyết định bổ nhiệm. Có thể nói đó là lượng công việc khổng lồ, liên quan đến cả hệ thống Tòa án, từ nhân sự đến tố tụng, từ kinh phí đến cơ sở vật chất phải thay đổi.

Công tác Tòa án năm 2015: Những dấu ấn tích cực của một năm khởi đầu bộ máy tổ chức mới

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC theo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Một dấu ấn đáng trân trọng nữa là TANDTC đã phối hợp chặt chẽ với các Ban đảng và các cơ quan thuộc Chính phủ nghiên cứu, đề xuất trình và được Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, ngày 29/5/2015, quy định về nghỉ hưu đối với chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được kéo dài thời gian làm việc đến 60 tuổi (đối với nữ), 65 tuổi (đối với nam). Đây cũng là một quy định phù hợp với tinh thần cải cách pháp của Đảng, tạo điều kiện để các vị Thẩm phán tối cao, những người đã có nhiều kinh nghiệm, kiến thức pháp luật tiếp tục được cống  hiến, để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ công bằng và lẽ phải được Đảng, Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao phó. 

Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền, Chánh án TANDTC, đã ban hành các quyết định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TANDTC và các TANDCC; xây dựng Quy chế thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán cao cấp; Quy trình tuyển chọn nhân sự, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán; ban hành các Quyết định bổ nhiệm Chánh án, các Phó Chánh án và cử thành viên Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định cử thành viên Ủy ban Thẩm phán của TAQSTƯ. Trên cơ sở đó đã tổ chức các Lễ ra mắt các TANDCC tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh.

Như vậy, năm 2015, công tác tổ chức cán bộ TAND các cấp được triển khai thực hiện theo hướng kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo TAND theo mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 4 cấp...

Công tác Tòa án năm 2015: Những dấu ấn tích cực của một năm khởi đầu bộ máy tổ chức mới

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp vụ thuộc TANDTC (Ảnh: Minh Giang)

Từ ngày 01/10/2014 đến ngày 30/9/2015 đã bổ nhiệm và bổ nhiệm lại 298 Thẩm phán trung cấp (bổ nhiệm mới 140, bổ nhiệm lại 158) và 887 Thẩm phán sơ cấp (bổ nhiệm mới 436, bổ nhiệm lại 451); thực hiện quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, TANDTC đã trình Quốc hội phê chuẩn và được Chủ tịch nước đã bổ nhiệm 15 Thẩm phán TANDTC, 57 Thẩm phán cao cấp công tác tại các TANDCC và 11 Thẩm phán cao cấp công tác tại TAQSTƯ. Về biên chế, tính cho đến nay, tổng số biên chế TAND các cấp có 15.053 người, gồm có 5.105 Thẩm phán, 8.259 Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên, còn lại là các chức danh khác, về cơ bản thì các TAND đã tuyển dụng đủ biên chế được giao.

Việc bổ sung số lượng Thẩm phán cho các Tòa án trong thời gian qua cũng gặp khó khăn khách quan, đó là theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, việc bổ nhiệm Thẩm phán phải thông qua kỳ thi tuyển. Tuy nhiên với số lượng cán bộ đã đào tạo nguồn Thẩm phán hiện nay (khoảng 1.500 người), đồng thời TANDTC cũng đã khẩn trương hoàn tất các quy trình, thủ tục và tổng hợp các trường hợp đăng ký thi tuyển chọn Thẩm phán để tổ chức thi tuyển Thẩm phán thì trong thời gian tới sẽ đảm bảo sớm bổ sung đủ đội ngũ Thẩm phán Tòa án các cấp theo biên chế được phân bổ.

Một dấu ấn khác trong công tác cán bộ, đó là giới thiệu Chánh án TAND địa phương tham gia cấp ủy, theo đúng định hướng của Nghị quyết 49 cũng như văn bản hướng dẫn của Thường trực Ban Bí thư. Theo kết quả Đại hội đảng bộ cấp tỉnh và cấp huyện, hiện có 59/63 TAND cấp tỉnh có lãnh đạo Tòa án tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 và có 573/710 TAND cấp huyện có lãnh đạo Tòa án tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Ở góc độ khác, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức tiếp tục được tăng cường. Qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã xử lý kỷ luật 36 cán bộ, công chức TAND địa phương và chuyển cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm hình sự đối với 04 trường hợp. So với năm 2014, số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật giảm 08 trường hợp, chuyển xử lý hình sự giảm 02 trường hợp.

Số lượng án tăng, số vụ hủy sửa do lỗi chủ quan giảm

Trong bối cảnh xáo trộn, thay đổi lớn về cơ cấu trong hệ thống Tòa án như vậy, nhưng năm 2015, số lượng các loại vụ án mà Tòa án các cấp phải thụ lý, giải quyết còn tăng hơn gần 12.000 vụ việc so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù rất khó khăn, nhưng các Tòa án đã giải quyết đạt 93,5% các vụ án thuộc thẩm quyền, tăng hơn cùng kỳ năm trước 0,7% và tỷ lệ giải quyết từng loại vụ án đều vượt chỉ tiêu xét xử đề ra từ đầu năm. Đã hạn chế dến mức thấp nhất các vụ việc để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án. Các Toà án đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà (bao gồm các phiên tòa xét xử hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính), đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của họ.

Phân tích một cách cụ thể qua các vụ án hình sự, dân sự và hành chính thì có thể thấy những con số nói lên nhiều điều. Từ ngày 01/10/2014 đến 30/9/2015, các Tòa án đã giải quyết 399.058 vụ án các loại trong tổng số 426.728 vụ án đã thụ lý; số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 11.690 vụ; đã giải quyết tăng 13.702 vụ; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,35% (giảm 0,26%).

Trong đó về công tác xét xử các vụ án hình sự, các Tòa án đã thụ lý 80.418 vụ với 141.370 bị cáo, giảm 5.929 vụ với 12.057  bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 78.164 vụ án với 136.409 bị cáo (đạt tỷ lệ 97,2%).  Công tác xét xử các vụ án hình sự trong năm qua về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Một số Tòa án đã giải quyết đạt gần 100% các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền, như: TAND hai cấp của Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An... Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước, như: vụ án Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác phạm các tội “Kinh doanh trái phép”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các bị cáo khác phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”…; vụ án Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho thuê tài chính ALCII cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…; vụ án Trần Thị Hoài Thanh cùng các đồng phạm phạm tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý” ở Nghệ An; vụ án Vũ Ngọc Sơn cùng các đồng phạm phạm tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý”, “Cố ý gây thương tích”, “Giết người”...

Về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, TAND các cấp thụ lý 333.159 vụ việc, đã giải quyết, xét xử  308.585 vụ việc, đạt 92,6% (so với cùng kỳ năm trước số thụ lý tăng 12.172 vụ, giải quyết tăng 14.123 vụ). Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 294.555 vụ việc; theo thủ tục phúc thẩm 13.203 vụ việc và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 827 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,83% (do nguyên nhân chủ quan 0,71% và do nguyên nhân khách quan 0,12%); bị sửa là 1,4% (do nguyên nhân chủ quan 0,9% và do nguyên nhân khách quan 0,5%). Tỷ lệ các bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là 4,68% (giảm 0,32% ); tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm là 0,28% (giảm 0,12%); tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan giảm 0,19% và bị sửa do lỗi chủ quan giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều Tòa án đã giải quyết đạt gần 100% các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền, như: Tòa án nhân dân hai cấp của thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng và các tỉnh Hải Dương, Tiền Giang, Hậu Giang, Đắk Lắk...

Công tác Tòa án năm 2015: Những dấu ấn tích cực của một năm khởi đầu bộ máy tổ chức mới

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa trao giải Nhất toàn đoàn cho VĐV TAND TP Hồ Chí Minh tại Đại hội thể thao TAND lần thứ III

Công tác hòa giải tiếp tục chú trọng và thực hiện có hiệu quả, qua đó đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tỷ lệ hoà giải thành đạt 50%, tăng 6.850 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Về công tác xét xử các vụ án hành chính, TAND các cấp đã thụ lý 6.259 vụ, giảm 1.058 vụ so với cùng kỳ năm 2014; đã giải quyết, xét xử được 5.553 vụ, đạt 88,7%; trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 4.174/4.847 vụ; theo thủ tục phúc thẩm 1.336/1.369 vụ và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 43/43 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 3,9% (do nguyên nhân chủ quan 3,03% và do nguyên nhân khách quan 0,87%); bị sửa là 3,8% (do nguyên nhân chủ quan 3,34% và do nguyên nhân khách quan 0,46%). Tỷ lệ các bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là 33,2% (giảm 8,8%); tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm là 1,08% (giảm 0,42%); tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan giảm 0,74% và bị sửa do lỗi chủ quan giảm 0,16% so với cùng kỳ năm trước..

Qua những con số khô khan trên đây, chúng ta có thể thấy mặc dù các vụ án hành chính là loại án rất phức tạp, nhưng nhìn chung công tác giải quyết, xét xử loại án này trong thời gian qua tiếp tục được đảm bảo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Một số Tòa án đã làm tốt công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính trong năm qua là: Tòa án nhân dân hai cấp Tp Hà Nội và các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Đồng Nai.

Khắc phục án oan sai

Bên cạnh mục tiêu nâng cao chất lượng xét xử bảo đảm công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm thì hoạt động giám đốc kiểm tra, kịp thời khắc phục những bản án oan chính là thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, đề cao quyền con người, quyền công dân. Trong năm 2015, dấu ấn đặc biệt qua mấy vụ án nổi tiếng được minh oan đó là ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị tù oan 10 năm  đã nhận được 7,2 tỉ đồng bồi thường. Đây là số tiền bồi thường lớn nhất từ trước đến thời điểm đó. Ngay sau ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) đã có quyết định được bồi thường 22,9 tỉ đồng, mức bồi thường kỷ lục hiện nay. Và mới đây, TAND tỉnh Bình Thuận đã thay mặt cả ba cơ quan tiến hành tố tụng chính thức xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén, người chịu hai bản án oan đều về tội danh giết người. Công tác bồi thường cũng đang được xúc tiến tích cực. Đây là những bản án oan từ 10 đến 18 năm trước được minh oan. Mặc dù một bản án oan sai được ban hành là kết quả của cả hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng thái độ cầu thị, thiện chí của Tòa án đối với những người bị oan đã nâng cao uy tín của hệ thống Tòa án, cũng như tăng thêm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Nhìn lại năm qua, các Tòa án đã thụ lý mới 4.970 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (giảm 2.638 đơn/vụ so với cùng kỳ năm trước), cùng với 4.765 đơn/vụ còn lại của năm 2014 chuyển sang, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các Tòa án phải giải quyết là 9.735 đơn/vụ. Các Tòa án đã giải quyết được 4.952 đơn/vụ, bằng 50,9% (Tòa án nhân dân tối cao giải quyết được 3.108 đơn/ vụ, các Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết 663 đơn/vụ, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết 1.181 đơn/vụ); trong đó, trả lời đơn cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 4.210 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 742 đơn/vụ.

Tuy nhiên, việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời gian qua đạt tỷ lệ chưa cao là do trong năm công tác việc thiếu hụt Thẩm phán TANDTC do nghỉ hưu hoặc hết nhiệm kỳ nhưng không thể bổ sung mới hoặc tái bổ nhiệm vì liên quan tới quy định mới của Hiến pháp, trong khi đó số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của TANDTC chiếm 86% trong tổng số đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải giải quyết.

Trong năm qua, TANDTC cũng đã xem xét một số vụ án xét xử từ nhiệm kỳ trước, mà bị cáo có đơn kêu oan, như:  vụ án Lê Bá Mai tại Bình Phước, bị xét xử về các tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”; vụ án Hồ Duy Hải tại Long An, bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”; vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại Hải Phòng, bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”…

Bên cạnh đó, để bảo đảm công bằng và sự nghiêm minh của pháp luật, TANDTC đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra chuyên đề đối với 2.656 bản án hình sự có hiệu lực pháp luật có kết quả xử bị cáo dưới khung hình phạt, xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, cảnh cáo và phạt tiền... Các TAND cấp tỉnh cũng thường xuyên duy trì công tác giám đốc việc xét xử đối với các TAND cấp huyện thuộc quyền quản lý, tập trung vào những vấn đề như: việc để vụ án quá hạn luật định, vấn đề xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo..., qua đó chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán trong công tác xét xử.

Những nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới

Năm 2016 đã lật những tờ lịch đầu tiên, hệ thống Tòa án cả nước đặt ra cho mình những nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhiệm vụ chính trị được giao, trên tiền đề tốt đẹp mà năm 2015 đã đạt được.

Trước hết là quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Hiến pháp năm 2013 và các Nghị quyết về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo; gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án với việc thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp.

Chủ động tổ chức triển khai thực hiện các Luật, Pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua có liên quan tới tổ chức và hoạt động của Tòa án. Đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng việc triển khai áp dụng án lệ.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa.

Khẩn trương xây dựng Đề án biên chế cán bộ, Thẩm phán của các Tòa án, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục làm tốt công tác tuyển dụng cán bộ, bổ nhiệm Thẩm phán và điều động, biệt phái cán bộ, Thẩm phán. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức xã hội, khả năng sử dụng các kỹ thuật tiên tiến, kỹ năng thực hiện công tác dân vận cho cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các Tòa án.

Tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, trước hết là với Tòa án các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực; tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế liên quan tới công tác Tòa án; xây dựng đề án về đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tham gia vào các định chế tài phán quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng, cải tạo trụ sở Tòa án nhân dân các cấp theo các đề án xây dụng trụ sở của TAND  đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; củng cố và hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đặc thù của Tòa án các cấp. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ tốt mọi mặt hoạt động của Tòa án.

Đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua. Tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm sau khi kiểm điểm tự phê bình của cán bộ, đảng viên Tòa án các cấp theo tinh thần Nghị quyết TW4.

***

Năm mới, nhiệm vụ mới. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2016, lãnh đạo TANDTC yêu cầu cán bộ, công chức TAND các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm; tích cực rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; không ngừng học tập và nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở mỗi cương vị công tác của mình. Với tinh thần ấy, chúng ta có quyền tin tưởng một năm mới có những dấu ấn mới, trên chặng đường cải cách tư pháp đã gặt hái những thành công.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác Tòa án năm 2015: Những dấu ấn tích cực của một năm khởi đầu bộ máy tổ chức mới