Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND có chuyển biến tích cực

Mai Thoa| 11/09/2019 18:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết thông tin trên tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra chiều ngày 11/9.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND có chuyển biến tích cực

Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang báo cáo tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án tại phiên họp UBTVQH chiều ngày 11/9

Quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết đơn thư

Trình bày Báo cáo công tác giải quyết KNTC của TAND năm 2019 tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết: Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của TAND năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các trường hợp đều chấp hành đúng quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết. Chất lượng giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng lên. Số lượng đơn chưa được giải quyết chủ yếu là đơn mới thụ lý, còn trong thời hạn giải quyết hoặc những đơn đã hết thời hạn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng chưa phát hiện tình tiết mới để có thể xem xét theo thủ tục tái thẩm.

Cụ thể, trong 10 tháng qua, các Tòa án đã nhận được 20.888 đơn thư các loại. Qua xem xét, rà soát, phân loại có 6.668 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 4.193 đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán; 48 đơn tố cáo đối với cán bộ Tòa án.

So với cùng kỳ năm trước, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý mới tăng 571 đơn. Riêng đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán giảm 488 đơn, giảm hơn so với cùng kỳ.

Theo Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang, kết quả này là do trong thời gian qua, TANDTC đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, hội nghị giải đáp trực tuyến nhằm giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ cho các Tòa án nên kỹ năng, chất lượng giải quyết các loại vụ việc của đội ngũ công chức có chức danh tư pháp đã được nâng lên, góp phần làm giảm số lượng đơn khiếu nại của các đương sự trong quá trình tố tụng.

Chánh án TANDTC cũng đã chỉ đạo các Tòa án cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/2016/CT-CA về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện các giải pháp để tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, Thẩm phán để tăng cường nguồn nhân lực cho các Tòa án; Sửa đổi quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát và đôn đốc lĩnh vực công tác này.

Về kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Phó Chánh án Lê Hồng Quang cho hay: Năm 2019, các Tòa án này đã giải quyết được 7.875 đơn/vụ (tăng 13,34 % so với cùng kỳ năm 2018). Trong tổng số 7.875 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 7.467 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 408 đơn/vụ.

Quá trình giải quyết, các Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Số đơn còn lại là 8.492 đơn/vụ đều còn trong thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đang được tiếp tục xem xét giải quyết theo quy định.

TANDTC cũng đã rất quyết liệt trong việc thực hiện Nghị quyết số 69/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, TANDTC đã tập trung chỉ đạo giải quyết đối với các đơn kêu oan và chỉ còn 02 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình hiện đang được xem xét, giải quyết.

Quá trình giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, các Tòa án chú trọng công tác tiếp dân, tạo điều kiện để công dân được trình bày ý kiến hoặc bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ có liên quan, gắn việc tiếp dân với việc xem xét, giải quyết các vụ việc của công dân theo đúng quy định của pháp luật; Tăng cường phối hợp với VKS để giải quyết các đơn khiếu nại có nội dung bức xúc, kéo dài; ưu tiên giải quyết đối với các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…, nên nhiều vụ việc bức xúc, kéo dài đã được tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm.

3.609 đơn khiếu nại không có căn cứ

Về kết quả giải quyết đơn khiếu nại đối với quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán TAND các cấp, trong 10 tháng qua, các Tòa án đã giải quyết 4.280/4.468 đơn khiếu nại các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng, đạt tỷ lệ 95,8%. Trong tổng số 4.280 đơn khiếu nại đã giải quyết có 376 đơn khiếu nại đúng; 295 đơn khiếu nại đúng một phần; 3.609 đơn khiếu nại không có căn cứ. Số đơn còn lại (188 đơn) đang trong thời hạn giải quyết và được các Tòa án tiếp tục xem xét, xử lý trong quá trình giải quyết vụ án.

Việc giải quyết đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán trong thời gian qua đều bảo đảm tuân thủ đúng thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của liên ngành tư pháp Trung ương. Quá trình giải quyết, các Tòa án luôn bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại; chú trọng việc đối thoại và yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại cung cấp tài liệu, chứng cứ để xem xét, xác minh những vấn đề cần làm rõ.

Cùng với việc giải quyết các đơn tố cáo và qua công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, các Tòa án đã xử lý kỷ luật 34 công chức, người lao động đang công tác tại các TAND địa phương do vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm trong công tác và vi phạm quy định về quy chế công vụ của Tòa án (trong đó có 01 Thẩm phán và 01 Thư ký bị xử lý về hình sự).

Tuy nhiên, Phó Chánh án Lê Hồng Quang bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế như tỷ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao. Nguyên nhân là do số lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên để bố trí cho các Tòa án cấp cao còn thiếu nhiều so với nhu cầu công việc.

Bên cạnh đó, số lượng các loại vụ án mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết trong 10 tháng qua tăng đột biến (tăng 63.949 vụ) gây áp lực rất lớn cho các Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền. Mặt khác, do số lượng vụ việc Tòa án phải xem xét, giải quyết tăng đột biến nên số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi tới các TAND cũng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, pháp luật hiện hành không hạn chế quyền khiếu nại của công dân nhưng không có quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với việc khiếu nại.

Theo Phó Chánh án Lê Hồng Quang, để làm tốt công tác này, thời gian tới TANDTC sẽ tiếp tục chỉ đạo các Toà án triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/2016/CT-CA của Chánh án TANDTC.

Tập trung thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử đã được lãnh đạo TANDTC đề ra. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác hoà giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính, nhằm hạn chế việc phát sinh khiếu nại trong hoạt động tố tụng cũng như các đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trước mắt, khẩn trương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tháo gỡ khó khăn cho hệ thống TAND, góp phần làm giảm số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết; hạn chế ngay từ đầu việc phát sinh các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Khắc phục một phần tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại Tòa án.

Bố trí đủ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và kinh nghiệm thực tiễn cho các đơn vị chuyên trách giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để nâng cao hiệu quả công tác này. Làm tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án nhân dân các cấp. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện nghiêm Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.

Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử và phát triển án lệ; Thông qua các án lệ và công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử sẽ là một kênh để giúp cho người dân hiểu rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của mình trước một sự kiện pháp lý xảy ra, từ đó có thể tránh phát sinh việc tiếp tục khiếu nại sau khi đã có kết quả giải quyết.

TANDTC sẽ làm tốt công tác tiếp dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, các phản ánh của cử tri, ĐBQH, Đoàn ĐBQH; gắn công tác tiếp dân với việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND có chuyển biến tích cực