Sau khi Bộ Giao thông - Vận tải có đề xuất áp dụng các loại phí lưu hành ôtô, mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) có văn bản gửi UBTVQH, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan kiến nghị hoãn, ngừng áp dụng các loại phí này.
VAMA đánh giá, nếu áp dụng ngay các biện pháp về phí như kế hoạch và đề xuất thì khó có thể đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra trong Quy hoạch là đến năm 2020, ngành công nghiệp ôtô trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. Các loại phí này cũng làm ảnh hưởng đối với công nghiệp phụ trợ. Giai đoạn sau 2020, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 12 tỷ USD để nhập khẩu ôtô, trực tiếp ảnh hưởng đến thâm hụt cán cân thương mại; đồng thời thị trường ôtô rộng lớn của Việt Nam sẽ bị bỏ ngỏ cho các doanh nghiệp đơn thuần làm chủ từ sau 2018. Ngoài ra, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách nhà nước (hiện vào khoảng 2 tỷ USD/năm).
Ảnh minh hoạ
Hạn chế phương tiện cá nhân sẽ tạo áp lực nặng lên đời sống người dân do phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển hoặc không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ùn tắc giao thông trong các thành phố lớn có thể giảm trong thời gian đầu nhưng về lâu dài, số lượng phương tiện giao thông cá nhân sẽ vẫn tăng mạnh.
Cũng theo VAMA, nếu áp dụng các loại phí này, hoạt động tại các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe sẽ bị đình đốn, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.
VAMA cho rằng, trước khi áp dụng các biện pháp điều tiết bằng phí, Nhà nước cần có chính sách phát triển và đa dạng hóa hệ thống giao thông công cộng nhằm đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Các quốc gia trên thế giới thường chỉ áp dụng các chính sách hạn chế lưu thông ôtô đối với những thành phố lớn, khu đông dân cư, chứ không hạn chế lưu thông và tiêu dùng ôtô một cách đại trà. Mức phí thu phải đảm bảo tính công bằng, không đánh đại trà tất cả các xe như nhau dù sử dụng nhiều hay ít, dù ở thành phố hay nông thôn. Đặc biệt, mức phí phải tính tới khả năng chi trả, thu nhập của người dân trong từng giai đoạn phát triển.
Về đề xuất nói trên của Bộ Giao thông - Vận tải, có ý kiến cho rằng, nó không khác gì đánh phí “hạn chế ốm đau” với người dân để giảm tải cho bệnh viện, bởi nhu cầu đi lại của người dân là thiết yếu và không thể hạn chế được.
Trung Nguyễn