Giao thông

Công năng dành cho người khuyết tật tại các nhà ga ĐSĐT đoạn Nhổn - ga Hà Nội

Dương Dũng 03/10/2024 - 14:58

Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội - một công trình giao thông hiện đại, chú trọng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng sử dụng, đặc biệt là người khuyết tật.

Tại các nhà ga của tuyến, nhiều giải pháp thiết kế đã được áp dụng để đáp ứng nhu cầu di chuyển an toàn và thuận tiện cho người khuyết tật, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Hệ thống đường dốc để tiếp cận (ramp): Tất cả các nhà ga trên tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội đều được thiết kế lối đi riêng cho người khuyết tật. Tại các vị trí mặt bằng không cho phép làm ramp thẳng, do vướng mắc các cột thì phải thiết kế ramp có góc vuông.

z5891925784014_612bdb573b16b0335e8eb390c5cddbff.jpg
Tất cả các nhà ga trên tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội đều được thiết kế lối đi riêng cho người khuyết tật.

Tuy nhiên, tại vị trí chuyển hướng đều thiết kế chiếu nghỉ để người khuyết tật có thể dễ dàng di chuyển. Việc thiết kế góc vuông được cho phép theo Tiêu chuẩn TCXDVN 265-2002, với độ dốc tối đa 1:12 theo TCVN, đảm bảo an toàn và tiện lợi cho người dùng xe lăn.

Thang máy và lối vào nhà ga: Mỗi nhà ga trên tuyến Nhổn - ga Hà Nội đều được trang bị thang máy hiện đại với bảng điều khiển ở vị trí thấp. Thang máy này kết nối trực tiếp từ vỉa hè, đến tầng bán vé, cho đến khu vực ke ga.

z5891924725273_155d48b603adde92ec4ee69762101ce4.jpg
Thang máy hiện đại với bảng điều khiển ở vị trí thấp.

Nhà vệ sinh và không gian sử dụng chung: Nhà ga tuyến Nhổn - ga Hà Nội được trang bị các nhà vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, các khu vực đợi, khu vực bán vé cũng được thiết kế đủ rộng để xe lăn có thể di chuyển thoải mái mà không gặp chướng ngại.

Hệ thống chỉ dẫn và thông tin: Hệ thống thông báo âm thanh, ánh sáng giúp người khiếm thị và khiếm thính dễ dàng tiếp cận và nắm bắt thông tin khi di chuyển trong nhà ga.

z5891924680728_dc3955f3d8a6f271632129af185326d6.jpg
Hệ thống chỉ dẫn và thông tin rõ ràng.

Vạch kẻ màu vàng dành cho người khuyết tật là một phần quan trọng trong thiết kế nhà ga đường sắt đô thị, nhằm hỗ trợ người khiếm thị và người có thị lực yếu có thể tự định hướng và di chuyển an toàn trong không gian nhà ga.

Với việc áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc gia như TCXDVN 265-2002 và các tiêu chuẩn quốc tế tương đương, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội không chỉ đánh dấu một bước phát triển đột phá trong hạ tầng giao thông đô thị mà còn đảm bảo quyền lợi và nhu cầu của mọi hành khách, đặc biệt là người khuyết tật. Mỗi chi tiết đều được cân nhắc kỹ lưỡng để mang lại sự thuận tiện tối đa và đảm bảo tính an toàn.

z5891924675785_7e8bc5aec2a60c89a838b287e7555c47.jpg
Khu vực dành riêng cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ có thai.

Điều này không chỉ đơn thuần là đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, mà còn phản ánh tinh thần nhân văn và mục tiêu xây dựng một hệ thống giao thông công cộng toàn diện, công bằng, thân thiện và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.

z5891924685909_0499d47e01481fb24880834c7ed1b734.jpg
z5891924710765_210ad30150ddac27a160b11d123b6133.jpg
Các tấm lát nổi màu vàng đã được bố trí tại tất cả các ga, từ lối vào, khu vực bán vé đến các khu vực chờ tàu.

Xuất hiện vào năm 1965, những tấm gạch lát nổi hữu ích mang tên "Khối xúc giác" (hay "Gạch tenji", "Gạch xúc giác") là “tác phẩm” của Seiichi Miyake đến từ Okayama, phía Tây Nhật Bản. Seiichi Miyake có một người bạn gần như bị mù bởi một chứng bệnh.

Thông cảm với nỗi đau của bạn, Miyak thường dẫn bạn đi chơi vòng quanh thành phố và một ý tưởng làm một dấu hiệu gì đó dành cho người mù khi đi bộ trên đường đã đến với Miyake. Màu vàng được chọn vì độ tương phản cao, giúp người có thị lực yếu dễ dàng nhìn thấy, và bề mặt nổi giúp người khiếm thị nhận diện bằng xúc giác.

Tại Việt Nam, tấm lát nổi cho người khuyết tật được quy định là một phần của bộ tiêu chuẩn xây dựng, nhằm đảm bảo các công trình công cộng, bao gồm nhà ga, bến xe, sân bay, và vỉa hè, đều có những thiết kế hỗ trợ cho người khuyết tật.

Khi xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, việc đảm bảo công năng dành cho người khuyết tật là một yếu tố được chú trọng. Các tấm lát nổi màu vàng đã được bố trí tại tất cả các ga, từ lối vào, khu vực bán vé đến các khu vực chờ tàu.

z5891924694943_8598a239cfb69d3f016dceeab3c3751a.jpg
Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội đi vào vận hành đoạn trên cao đã góp phần giảm bớt áp lực đối với hệ thống giao thông thành phố Hà Nội.

Quy định về tấm lát nổi không chỉ đảm bảo an toàn cho người khuyết tật mà còn thể hiện trách nhiệm của xã hội trong việc tạo ra một môi trường giao thông công cộng thân thiện, bình đẳng và hòa nhập cho tất cả mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công năng dành cho người khuyết tật tại các nhà ga ĐSĐT đoạn Nhổn - ga Hà Nội