Chiều ngày 29/10/2015, tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức họp báo Công bố Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC; Lê Văn Minh, Thẩm phán TANDTC; Chu Thành Quang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC .
Các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về án lệ
Thay mặt lãnh đạo TANDTC, đồng chí Nguyễn Sơn giới thiệu những quy định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về việc ban hành áp lệ cũng như Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Đảng ta đã đưa ra quan điểm phải phát triển án lệ và giao cho TANDTC nhiệm vụ phát triển án lệ. Trên cơ sở quán triệt đầy đủ các quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, Ban cán sự Đảng TANDTC đã chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu và xây dựng Đề án phát triển án lệ của TAND. Các kết quả nghiên cứu về án lệ đã được TANDTC tổng hợp, thể hiện trong dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Ngày 24/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của TAND - một thiết chế thực hiện quyền tư pháp quốc gia thuộc bộ máy nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Theo quy định, TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. TANDTC thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn giới thiệu khái quát Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức TAND thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Khoản 5 Điều 27 Luật Tổ chức TAND quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDTC là “Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”. Đây là một trong những nhiệm vụ mới, quan trọng mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Chánh án TANDTC là những chủ thể phải thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử; khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, hoặc nhiều quy định của pháp luật còn chưa rõ, có những vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn khẳng định, áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội. Để bảo đảm chất lượng và giá trị pháp lý của án lệ thì việc ban hành án lệ đã được tiến hành thông qua một quy trình hết sức chặt chẽ từ khâu rà soát, phát hiện, đề xuất phát triển thành án lệ đến lấy ý kiến, tư vấn, thông qua, công bố án lệ; đồng thời đưa ra được các tiêu chí lựa chọn bản án, quyết định để phát triển thành án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm việc áp dụng thống nhất trong thực tiễn.
Trong quá trình xây dựng các dự án luật tố tụng và trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, đa số các ý kiến đề nghị không quy định về án lệ trong các luật tố tụng mà vấn đề này dành cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn. Vì vậy, TANDTC đã triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Tại phiên họp ngày 19/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo VKSNDTC và đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Hội đồng Thẩm phán đã thông qua Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Ngày 28/10/2015, thay mặt Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Các nội dung cơ bản của án lệ
Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ gồm 10 Điều:
Điều 1: Hướng dẫn về khái niệm án lệ và giá trị pháp lý của án lệ, Nghị quyết nêu rõ “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
Điều 2: Quy định về các tiêu chí lựa chọn án lệ, Nghị quyết nêu rõ, án lệ phải “Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiếu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiên pháp lỷ và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể”. Án lệ phải “Có tính chuẩn mực”; “Án lệ phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau”.
Điều 3: Quy định về việc rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ: Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh án TAQS quân khu và tương đương; Chánh án TAND cấp cao; Chánh án TAQS Trung ương tổ chức tổng kết thực tiễn xét xử để đề xuất những vấn đề cần hướng dẫn. Căn cứ vào các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quỵết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình, các Tòa án thuộc phạm vi thẩm quyền để đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Thẩm phán TAQS quân khu và tương đương; Uỷ ban Thẩm phán TANDT cấp cao; Uỷ ban Thẩm phán TAQS Trung ương xem xét, đánh giá. Trường hợp bản án, quyết định đã đưa ra xem xét, đánh giá có nội dung đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này thì Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chánh án TAQS quân khu và tương đương; Chánh án TAND cấp cao; Chánh án TAQS Trung ương gửi báo cáo về TANDTC (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học), trong đó đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật liên quan đến đề xuất lựa chọn án lệ… Vụ trưởng các Vụ Giám đốc kiểm tra TANDTC căn cứ vào các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này tổ chức rà soát, phát hiện các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của các Toà án khác, gửi báo cáo về Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC, trong đó đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật liên quan đến đề xuất lựa chọn án lệ; nêu rõ bản án, quyết định có chứa đựng nội dung đề xuất lựa chọn phát triển thành án lệ; nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ (kèm theo bản án, quyết định được đề xuất).
Bên cạnh đó, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này cho TANDTC (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để phát triển thành án lệ. Việc tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ của các Tòa án được tiến hành theo định kỳ 6 tháng.
Điều 4: Quy định về việc tổ chức lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ: Ngay sau khi nhận được đề xuất lựa chọn để phát triển thành án lệ theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC phải tiến hành đăng các bản án, quyết định được đề xuất, nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ trên Tạp chí TAND, cổng thông tin điện tử TANDTC để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến trong thời hạn 2 tháng. Trường họp cần thiết có thể tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày hết thời hạn lấy ý kiến theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của TANDTC tập hợp các ý kiến góp ý; tổ chức nghiên cứu, đánh giá những nội dung trong bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ, các ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và báo cáo Chánh án TANDTC xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ.
Điều 5: Quy định về Hội đồng tư vấn án lệ quy định rõ, Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án TANDTC thành lập để thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ theo đề nghị của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học. Hội đồng tư vấn án lệ gồm có ít nhất 9 thành viên; trong đó, Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng khoa học TANDTC, 1 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học TANDTC, 1 Thư ký Hội đồng là đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC và các thành viên là đại diện Bộ Tư pháp, VKSNDTC, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật và đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan. Trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Bộ Công an. Sau khi Hội đồng tư vấn án lệ được thành lập, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học gửi hồ sơ đề nghị tư vấn án lệ tới các thành viên của Hội đồng tư vấn án lệ. Hồ sơ đề nghị tư vấn án lệ gồm có: Văn bản đề nghị tư vấn của TANDTC; Báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá về các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC; Bản tổng họp ý kiến góp ý đối với các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ; các bản án, quyết định được đề xuất phát triển thành án lệ. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tư vấn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ tổ chức phiên họp để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ và báo cáo Chánh án TANDTC kết quả phiên họp tư vấn (kèm theo hồ sơ đề nghị tư vấn án lệ).
Điều 6: Hướng dẫn về việc thông qua án lệ: Trên cơ sở Báo cáo của Hội đồng tư vấn án lệ, Chánh án TANDTC tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC để thảo luận và biểu quyết thông qua án lệ theo nguyên tắc phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành. Kết quả biểu quỵết thông qua án lệ phải được ghi vào biên bản phiên họp của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án TANDTC công bố án lệ.
Điều 7: Hướng dẫn về việc công bố án lệ nêu rõ: Việc công bố án lệ do Chánh án TANDTC thực hiện và án lệ được công bố phải bao gồm những nội dung: Tên của vụ việc được Toà án giải quyết; số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ; từ khoá về những vấn đề pháp lý được giải quyết trong án lệ; các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Toà án có liên quan đến án lệ; vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ. Án lệ được đăng trên Tạp chí TAND, Cổng thông tin điện tử TANDTC; được gửi cho các Toà án và được đưa vào Tuyển tập án lệ xuất bản theo định kỳ 12 tháng.
Điều 8: Hướng dẫn về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử, theo đó thời điểm án lệ có hiệu lực áp dụng là sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án TANDTC. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường họp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án. Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ. Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán TANDTC (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để xem xét hủy bỏ theo hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 9 Nghị quyết này.
Điều 9: Hướng dẫn về việc huỷ bỏ, thay thế án lệ: Trường hợp do sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì án lệ đương nhiên bị hủy bỏ. Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng chưa có quy định mới của pháp luật thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC có trách nhiệm xem xét huỷ bỏ án lệ. Những người có thẩm quyền rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này có quyền kiến nghị với Hội đồng Thẩm phán TANDTC (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) xem xét huỷ bỏ, thay thế án lệ. Trường họp Hội đồng xét xử không áp dụng án lệ và có phân tích, lập luận nêu rõ lý do trong bản án, quyết định thì ngay sau khi tuyên án phải gửi kiến nghị thay thế án lệ về TANDTC (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) kèm theo bản án, quyết định đó. Ngay sau khi nhận được kiến nghị xem xét huỷ bỏ, thay thế án lệ theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu, báo cáo Chánh án TANDTC để tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét việc huỷ bỏ, thay thế án lệ. Hội đồng Thẩm phán TANDTC họp biểu quyết thông qua việc huỷ bỏ, thay thế án lệ đối với trường hợp nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều này theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết này. Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC công bố việc huỷ bỏ, thay thế án lệ, trong đó xác định rõ thời điểm án lệ bị hủy bỏ, thay thế. Quyết định huỷ bỏ hoặc thay thế án lệ được đăng trên Tạp chí TAND, Cổng thông tin điện tử TANDTC và gửi đến các Toà án.
Điều 10: Quy định về hiệu lực thi hành của Nghị quyết ghi rõ: Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16-12-2015.
Toàn cảnh buổi họp báo
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết này, TANDTC sẽ triển khai việc lựa chọn và ban hành tập án lệ đầu tiên trong thời gian tới. Đây là nhiệm vụ vừa vinh dự nhưng cũng hết sức nặng nề đặt ra đối với TANDTC, đối với các TAND và tập thể Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, TANDTC mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp của các cơ quan, ban ngành, tổ chức hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật; sự hợp tác, đồng hành của các các quan thông tin báo chí.