Liên quan việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sóc Trăng, Bến Tre, Thái Bình và các cơ quan có liên quan công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp trước ngày 10/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu.
Văn phòng Chính phủ mới ban hành Thông báo 136/TB-VPCP ngày 3/4/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về bảo đảm nguồn vật liệu cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và các dự án đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và công trình đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rất cấp thiết nhằm cụ thể hóa các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh phía Nam và cả nước; đây là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố có dự án đi qua.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, trong đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, đắp nền đường.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương sự chủ động, tích cực của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh có nguồn vật liệu san lấp (cát sông), nhất là các tỉnh: An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre… đã phối hợp điều phối, hỗ trợ nguồn vật liệu cho các dự án; đến nay, về cơ bản đã bố trí được nguồn vật liệu san lấp để các dự án không bị gián đoạn.
Hoan nghênh tinh thần trách nhiệm cao của tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã chủ động đề xuất hỗ trợ cơ bản đủ nguồn cát san lấp cho Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến tiếp tục hỗ trợ cho các dự án đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, việc triển khai ở một số dự án chưa tốt, chưa xây dựng kế hoạch về nhu cầu vật liệu cho từng tháng, quý, năm; còn có sự lúng túng trong việc phối hợp tìm kiếm, điều phối nguồn vật liệu (mỏ vật liệu); một số địa phương có nguồn vật liệu nhưng chậm trễ trong việc triển khai các thủ tục cấp phép và khai thác mỏ vật liệu…, có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Để bảo đảm cung cấp đủ vật liệu san lấp cho Dự án đường Vành Đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và các dự án đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập ngay Tổ công tác liên ngành do đồng chí Thứ trưởng làm Tổ trưởng, với sự tham gia của các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu san lấp; trực tiếp làm việc với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ (đặc biệt là Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng…), vận dụng các cơ chế, chính sách được Quốc hội cho phép trong thăm dò, cấp phép và khai thác vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.
Lưu ý ưu tiên tiêu chí an toàn môi trường và chất lượng tài nguyên trong quá trình thực hiện việc cấp phép, khai thác vật liệu (đối với từng địa phương: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh... phải nêu rõ khu vực dự kiến khai thác, nạo vét), báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15/4/2024.
Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các Ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn huy động các chuyên gia kỹ thuật giỏi, máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ thi công và giám sát thi công, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển vật liệu, giám sát sự tác động của hoạt động khai thác khoáng sản đến môi trường…
Về sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, Bộ Giao thông vận tải cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sóc Trăng, Bến Tre, Thái Bình và các cơ quan có liên quan công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, hoàn thành trước ngày 10/4/2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các địa phương làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và cấp phép khai thác cát biển làm vật liệu san lấp.
Trong tháng 4 năm 2024, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan hoàn thành phương án khai thác cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc, trong đó phải thể hiện rõ địa điểm khai thác, địa chỉ sử dụng…
Bộ Xây dựng sớm công bố giá vật liệu khai thác tại mỏ, làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện.
Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, rà soát, đánh giá lại nhu cầu và khả năng cung ứng, công suất khai thác các mỏ vật liệu san lấp theo tiến độ đối với từng dự án đường cao tốc tại các tỉnh phía Nam (bao gồm cả dự án do Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các địa phương là cơ quan chủ quản), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/4/2024.
Về ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến nhập khẩu cát từ Campuchia, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì (có thể thành lập đoàn công tác liên bộ) làm việc với Campuchia về phương án nhập khẩu cát làm vật liệu xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/4/2024.