Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát đi cảnh báo, trực tiếp xuống tận nhà dân, nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng các thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo qua mạng. Hầu hết các máy chủ đều đặt ở nước ngoài nên quá trình đấu tranh, thu hồi tài sản rất khó khăn.
Kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo qua mạng
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gia tăng nhanh về số vụ, số tiền thiệt hại, gây bức xúc trong nhân dân.
Điển hình như vào sáng 4/4/2024, ông Hà Huy Chương, sinh năm 1959, ở thôn Rầm Tám, xã Điền Trung (Bá Thước) nhận được điện thoại từ số lạ gọi đến tự xưng là cán bộ Công an TP. Hà Nội thông báo ông Chương có liên quan đến đường dây lừa đảo rồi đe dọa và yêu cầu ông kê khai lý lịch và cung cấp thông tin cá nhân, đồng thời yêu cầu giữ bí mật nếu không sẽ bị bắt giữ.
Sau đó, đối tượng yêu cầu ông Chương mở tài khoản mới ở Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bá Thước, cung cấp thông tin tài khoản và chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm 620 triệu đồng đang gửi tại Ngân hàng Agribank sang tài khoản mới mở để chứng minh sự trong sạch.
Sáng 5/4/2024, sau khi nắm bắt được thông tin từ người thân của ông Chương, Công an huyện Bá Thước đã chỉ đạo Công an xã Điền Trung khẩn trương tìm gặp ông Chương khi ông đang trên đường đi đến ngân hàng để làm thủ tục mở tài khoản và chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. Sau khi nghe lực lượng công an giải thích, ông Chương đã nhận thức được mình bị lừa đảo nên đã dừng việc chuyển tiền và cảm ơn lực lượng công an.
Tương tự, ông Hoàng Trọng Quang, ở thôn Tiên Hòa 2, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) nhận được cuộc điện thoại lạ tự xưng là công an, đe dọa ông có liên quan đến đường dây ma túy và rửa tiền xuyên quốc gia; yêu cầu ông rút toàn bộ tiền trong sổ tiết kiệm để chuyển sang tài khoản ngân hàng khác theo hướng dẫn.
Do liên tục bị đe dọa, ông Quang lo sợ và định chuyển tiền cho các đối tượng. Tuy nhiên, sau khi xem lại các thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trên nhóm zalo “Công an xã với Nhân dân Tiên Hòa 2”, ông Quang quyết định đến công an xã trình báo vụ việc. Nhờ đó, công an xã đã kịp thời ngăn chặn được việc ông Quang chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo...
Xuống tận nhà dân để tuyên truyền
Với mục tiêu chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn kịp thời không để tội phạm lừa đảo lợi dụng sự sơ hở, nhẹ dạ cả tin của người dân để chiếm đoạt tài sản, Công an huyện Hà Trung đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng xã hội zalo, facebook...
Thượng tá Nguyễn Thế Sâm, Phó Trưởng Công an huyện Hà Trung cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh về mở cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, Công an huyện đã tập trung vào công tác quản lý địa bàn, phát hiện, triệt xóa các đường dây, ổ nhóm, đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, Công an huyện Hà Trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương để tổ chức tuyên truyền, cảnh báo; trong đó, tuyên truyền bằng cách phát tờ rơi ở những nơi công cộng, tuyên truyền trên nền tảng số, ở các hội nghị.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, từ đầu năm 2024 đến nay, Công an huyện Hà Trung đã ngăn chặn gần 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, bắt giữ 1 đối tượng giả danh công an lừa đảo.
Thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, chỉ đạo công an các phòng nghiệp vụ, địa phương chủ động nắm tình hình, phòng ngừa và đấu tranh triệt phá các tổ chức, đường dây, cá nhân lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội.
Củng cố chắc chắn hồ sơ, khởi tố các vụ việc có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
Ngoài ra, lực lượng công an trong tỉnh còn chú trọng sử dụng các trang mạng xã hội trên các ứng dụng facebook, zalo để tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tín dụng đen.
Lực lượng công an cũng có nhiều thông tin tăng cường hướng dẫn người dân cách phòng, chống, nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng. Nhờ đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về chấp hành pháp luật và phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm đã được nâng lên rõ rệt.
Quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị, giúp điều tra, khám phá nhiều vụ án, bắt giữ nhiều đối tượng phạm pháp hình sự. Tính riêng với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng công an trong tỉnh đã ngăn chặn kịp thời trên 50 vụ lừa đảo.
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Lực lượng công an trong tỉnh đang tiếp tục quan tâm tuyên truyền, cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm.