Trong một đoạn chia sẻ của cô giáo dạy tiểu học về một bài văn của học sinh lớp 3, nơi cô phụ trách, có một mơ ước khiến bản thân cô và không ít phụ huynh thấy “giật mình”.
Bài văn có đoạn viết: “Ước mơ của con là trở thành một chiếc điện thoại di động. Bố mẹ con yêu điện thoại di động lắm. Đến mức con cảm thấy bố mẹ quan tâm đến điện thoại còn hơn quan tâm đến con. Khi bố đi làm về, dù rất mệt mỏi nhưng bố vẫn chỉ ngồi bấm điện thoại di động chứ chẳng nhớ gì đến con. Khi bận bịu việc gì quan trọng, nếu bất chợt có chuông điện thoại reo, bố mẹ sẽ ngay lập tức nhấc máy nghe. Thế nhưng lúc con khóc thì bố mẹ lại chẳng sốt sắng đến thế. Bố mẹ thích chơi trò chơi trên điện thoại di động chứ chẳng muốn chơi cùng con. Khi nói chuyện với ai đó trên điện thoại, bố mẹ cũng chẳng bao giờ thèm nghe con nói gì, cho dù con có chuyện rất quan trọng muốn chia sẻ. Vì thế, con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động”.
Con ước mình là chiếc điện thoại vì bố mẹ con yêu điện thoại lắm
Ước mơ của cậu bé thực sự làm người lớn chúng ta phải thức tỉnh. Chúng ta đã thực sự quan tâm đến con em mình nhiều chưa? Thời đại công nghệ, sau 8h vàng ngọc ở cơ quan vẫn là những cuộc điện thoại làm ăn, hoặc bù khú với bạn bè. Đôi khi người lớn chọn hình thức lướt facebook, đọc báo trên điện thoại để giảm bớt căng thẳng mà quên mất rằng, con của chúng ta sau thời gian học tập mệt mỏi ở trường cũng cần có người để chia sẻ.
Chính thói quen vô tình của người lớn đã đẩy trẻ em vào tình trạng trầm cảm, nổi loạn. Có nhiều bậc phụ huynh để tránh cho các con “quấy nhiễu” đến mình cũng sẵn sàng móc hầu bao sắm cho các con chiếc điện thoại, iPad với lý do “để con vừa học vừa chơi”.
Chính việc làm này đã tạo điều kiện cho các con tiếp xúc với các thiết bị công nghệ quá sớm, lâu dần thành lệ thuộc vào công nghệ và không còn hứng thú với những hoạt động ngoại khóa ngoài trời.
Bài văn của cậu bé, đã làm cho người lớn chúng ta phải thực sự suy ngẫm. Tự lương tâm mình chúng ta hãy tự vấn đã dành thời gian cho con chưa, đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con chưa, hay chúng ta chỉ biết đòi hỏi và đặt áp lực lên con trẻ.
Các bậc phụ huynh, hãy dừng lại một phút để ngẫm và hãy cố gắng “rời xa” chiếc điện thoại, hãy giúp con hoàn thiện về nhân cách và phát triển tự nhiên thông qua giao tiếp và hoạt động, thay vì “ôm” chiếc điện thoại như hiện nay.