Côn trùng “lên ngôi” trên bàn nhậu

Nguyễn Việt Hưng| 11/10/2014 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những năm trước đây, nhiều nhà hàng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xuất hiện những món ăn mới lạ mà nhiều người nghe tên còn thấy lạ hoắc như bọ cạp, dế cơm, thằn lằn núi, mối chúa...

Nhưng vài năm gần đây, những món ăn đó đã trở thành quen thuộc của nhiều người dân thành phố, nhờ vậy, nhiều đại lý bán côn trùng cũng đang ăn nên làm ra nhờ kinh doanh mặt hàng này.

Càng độc càng có giá

Thực ra, con người đã biết ăn côn trùng từ xa xưa. Người Hy Lạp và La Mã rất ưa chuộng những món ăn chế biến từ côn trùng. Trứng kiến được xếp vào một trong những nguyên liệu quan trọng để chế biến các món ăn cao lương mỹ vị cho các bậc vua chúa Trung Hoa xưa. Gần đây, côn trùng trở thành món ăn được nhiều người tìm kiếm. 

Giới sành ăn trên khắp thế giới rủ nhau đi săn lùng và thưởng thức những món ăn lạ miệng được chế biến từ bọ cạp, ve sầu, châu chấu, chuồn chuồn. Ở Đài Loan, món dế xào hay sâu áp chảo là những món ăn rất hút khách, cũng giống như món chuồn chuồn nướng ở Bali hay món châu chấu nướng ở Trung Đông. Tại nhà hàng Hoàng Đế ở Singapore, thực khách phải trả đến vài trăm USD để thưởng thức một bữa ăn toàn đặc sản côn trùng.

Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) thì có tới 1.400 loại côn trùng đang trở thành thức ăn hàng ngày, thậm chí có tên trong danh sách đặc sản của 113 quốc gia trên thế giới, trong đó, phổ biến nhất là gián, kiến, ong, dế và sâu bướm. Tại Thái Lan, người dân thường ăn khoảng 200 loại côn trùng và trên đường phố Bangkok, người ta thường xuyên thấy những người bán đồ ăn rong làm từ côn trùng.

Không đứng ngoài xu thế đó, tại Việt Nam, từ lâu, nhiều người đã "vinh danh” một số loại côn trùng thành "đặc sản”. Nói những món ăn chế biến từ côn trùng đang lên ngôi cũng chẳng ngoa. Giờ đây, dân nhậu vẫn lùng sục những nơi có bán các món "độc và lạ” như sâu, bọ cạp, bọ xít, dế, nhộng, bướm, trứng kiến… để thưởng thức.

Côn trùng “lên ngôi” trên bàn nhậu

Côn trùng được bày bán ở một số chợ tại Hà Nội

Anh Hùng, chủ một quán nhậu côn trùng ở phường Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội khẳng định: Các món côn trùng được khá nhiều người ưa thích. “Chúng không ghê sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Quán của tôi nằm trong ngõ nhỏ, không bảng hiệu, rất khó tìm nhưng vẫn thu hút được nhiều thực khách đam mê món "độc và lạ” đến ăn. Côn trùng càng “độc” càng có giá, có những món lên đến vài trăm ngàn một kilogam”, anh Hùng cho biết.

Sâu dừa, loại côn trùng mà không ít người chỉ nhìn thấy ngoe nguẩy trên đĩa thôi đã thấy khiếp sợ, vậy mà theo anh Hùng, nhiều thực khách rất khoái ăn theo kiểu để sống chấm nước mắm. "Món này hiếm lắm, quán tôi hết hàng mấy hôm nay rồi. Khách hỏi rồi trách móc quá mà chẳng biết làm thế nào”, anh Hùng chia sẻ.

Theo chị Hải, vợ anh Hùng, món trứng kiến cũng được nhiều người ưa thích. Để đáp ứng yêu cầu của “thượng đế”, anh chị đã cất công tìm tòi và chế biến trứng kiến thành nhiều món. Chị Huyền kể: "Tôi từng lên vùng đồng bào Mường, Tày ở miền núi để học cách chế biến. Hiện quán có 3-4 món từ trứng kiến”. Bên cạnh đó, anh Hùng còn cho biết thêm, thời gian gần đây, lượng khách tìm đến quán của anh rất đông. Ngoài lượng khách ruột là dân Thủ đô, còn có rất nhiều người ở nơi khác, nghe bạn bè mách cũng tìm đến quán. Mỗi ngày, quán của anh bán đến mấy ký châu chấu, bọ xít và dế.

Lý giải về chuyện những món ăn từ côn trùng hút khách, chị Hải cho rằng: “Thói quen ẩm thực này đã có từ thời xa xưa, nhiều bậc vua chúa cũng hay dùng chứ không phải mới mẻ gì. Giờ nó cũng trở nên thông dụng rồi, từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng đều có cả”. Cũng theo chị Hải thì chẳng những cánh mày râu, món ăn côn trùng cũng hấp dẫn nhiều chị em. “Ở chỗ tôi có rất nhiều thực khách là nữ, chiếm đến 30% chứ chả ít. Thậm chí có những gia đình, tuần nào cũng cả vợ chồng, con cái kéo đến ăn”, chị Hải kể.

Nghề “săn” côn trùng

Có “cầu” thì ắt có “cung”. Mấy năm gần đây, số lượng người tham gia vào việc săn lùng, buôn bán côn trùng ngày càng lớn. Tuy côn trùng là loài sinh vật có số lượng lớn nhất trên hành tinh nhưng do bị săn lùng ráo riết, cộng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên cũng khiến nguồn hàng ngày càng khan hiếm. Một số chủ hàng giờ đây phải đặt mua côn trùng từ các nước láng giềng như Lào và Campuchia.

 Anh Sơn, một thương lái ở Ứng Hòa, Hà Nội, người có thâm niên gần chục năm đi thu mua bọ cạp từ Campuchia về Việt Nam kể: "Mối đưa hàng giờ hiếm lắm. Muốn mua được phải gọi điện đặt hàng trước cả tuần và phải là chỗ quen biết. Riêng ở xã tôi đã có gần chục người chuyên làm nghề thương lái mặt hàng này. Cả làng 100 hộ, đã có hơn 200 người chuyên đi săn, đào mối chúa bán cho các thương lái. Nhiều gia đình nông thôn đã sống nhờ nghề săn bắt côn trùng. Giờ côn trùng cũng vãn, tôi toàn phải đặt hàng từ Campuchia chuyển về”.

Mỗi ngày Sơn thu mua được 400 - 500 con bọ cạp, mối chúa, thằn lằn núi. Tôi hỏi đi gom hàng thu nhập khá không? Anh cười chân chất: Cứ 10 ngày gom hàng đưa xuống một lần, mỗi chuyến cũng được 2-3 triệu đồng. Anh Sơn kể: “Tôi “bập” vào nghề này cũng là ngẫu nhiên thôi. Lúc đó có một anh bạn mở một cái quán bia ở ngoài Tây Hồ, mồi là những con côn trùng loại hàng "độc", hiếm của núi rừng. Tưởng mở quán chẳng ai thèm vào, không ngờ, vài tháng sau dân quanh đấy cứ thấy khách ùn ùn kéo nhau đến. Thế là anh ta nhờ tôi làm đầu mối cung cấp hàng, nguồn hàng lúc bấy giờ chủ yếu thu mua từ quê mang ra...”.

Côn trùng “lên ngôi” trên bàn nhậu

 Anh Hùng, chủ quán nhậu côn trùng

Những lúc mùa màng rỗi rãi, bà con ở quê đi bắt được nhiều, quán của bạn anh Sơn không tiêu thụ hết, anh liền đi chào hàng ở một số nhà hàng khác, nào ngờ, không những nhiều nơi nhận mua mà còn muốn anh cung ứng thêm. Từ những lô hàng đầu tiên bán được thành công, anh quyết định làm đại lý phân phối bọ cạp, dế, mối chúa cho các nhà hàng. Từ đó, anh Sơn phải liên hệ đặt hàng với nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau, nhờ họ đứng ra làm đầu mối thu mua rồi bán lại cho anh. Sau một thời gian chào hàng, lượng khách ăn món đặc sản này ngày càng đông. Mối cung ứng không đủ bán, anh lại liên hệ tiếp tục mở thêm nhiều điểm thu mua mới ở các địa phương khác nhau. Vào những tháng cao điểm, anh Sơn còn huy động thêm mấy anh chị em trong gia đình đi giao hàng nhưng vẫn không xuể. Cả gia đình anh trở thành những người giao hàng “bất đắc dĩ”.

Anh Sơn còn cho biết, muốn trở thành đại lý cung ứng hàng, trước tiên phải tìm được nguồn hàng cung ứng. Vốn liếng đầu tư ít nhất phải có chừng 100 triệu đồng để đầu tư máy lạnh, chi phí kinh doanh. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại từ công việc này khá cao nên ngày càng có nhiều người tham gia. Cũng theo anh Sơn thì hiện giờ đang là thời điểm mà người dân săn bắt được nhiều côn trùng nhất. Và, đa phần người dân làm nghề săn bắt đến từ các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Họ bắt và giao bán cho các điểm thu mua. Các điểm này lại cung ứng về cho các đại lý ở thành phố để bán cho các nhà hàng. Nhiều đại lý không đủ nguồn vốn đầu tư ở khâu làm lạnh buộc phải gửi hàng ở các kho lạnh, chờ lúc khan hàng mới lấy ra cung ứng cho thị trường.

Vào những thời gian cao điểm, nguồn hàng cung ứng không đủ cho các nhà hàng, người dân nơi đây còn nghĩ ra cách nuôi dưỡng chúng. Những người làm đại lý, thương lái lại trở thành đầu mối cung ứng cho những trại chăn nuôi côn trùng. Những con côn trùng nhỏ hiện nay không còn phải bán ngay ra thị trường mà được giữ lại nuôi dưỡng, chăm sóc sau đó mới cung ứng cho nhà hàng. "Lúc đầu chỉ làm cho vui trong lúc nhàn rỗi, mới đó mà tôi trở thành đại lý gần chục năm rồi. Chúng tôi từ cảnh nghèo khó nhờ nghề này mà đã đổi đời. Không những thế, nhiều người dân còn bảo, nhờ có đại lý thu mua côn trùng mà giờ đây, nhiều cánh đồng, nhiều ruộng hoa màu đã không còn bị cắn phá”, anh Sơn hồ hởi.

Cũng theo anh Sơn thì mấy năm gần đây, nhiều nhà hàng ở Hà Nội chế biến món ăn từ côn trùng đã trở nên quen thuộc với khách hàng. Do vậy, số người đánh bắt, buôn bán mặt hàng này cũng tăng theo. Mỗi ngày một đại lý cần tới 5-10 công nhân đưa hàng đi tiêu thụ ở các nhà hàng. Hơn nữa, hiện nay dế cơm, bọ cạp, mối chúa không những tiêu thụ trong nước mà nhiều mối lái, người nuôi đã bắt đầu xuất những lô hàng đầu tiên đi Mỹ và các nước châu Âu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Côn trùng “lên ngôi” trên bàn nhậu