Còn nhiều lúng túng trong quản lý, sử dụng thẻ ATM

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay cả nước đã có trên 23 triệu thẻ thanh toán ngân hàng được phát hành và hơn 11.000 máy rút tiền tự động (ATM). Theo đó, số người dùng thẻ thanh toán chiếm khoảng gần 1/4 dân số. Vấn đề an toàn cho người sử dụng thẻ ATM đang được các ngân hàng quan tâm, nhưng áp dụng biện pháp nào xem ra còn lúng túng...

Đội mũ bảo hiểm có thể bị từ chối giao dịch tại ATM

“Mảnh đất màu mỡ” của tội phạm công nghệ cao


Mới đây, sự việc một chủ thẻ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong bị tạm khóa thẻ khi giao dịch trên máy ATM trên phố Đại La, quận Hoàng Mai, Hà Nội mà nguyên nhân được cảnh báo là thẻ có thể đã bị lấy cắp thông tin, đã khiến nhiều người sử dụng ATM lo ngại về tính an toàn của dịch vụ này. Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, có thể do máy ATM này đã bị gắn thiết bị ăn cắp thông tin của chủ thẻ.


Theo ông Hoàng Ngọc Thuyết, Trưởng phòng Thẻ - Ngân hàng TMCP Tiên Phong: Bọn tội phạm thường gắn chíp điện tử tại đầu đọc thẻ hoặc gắn camera ở cây ATM để ăn cắp mật khẩu. Khi có thông tin, tội phạm sẽ tạo ra thẻ ATM giả để ăn cắp tiền.

Thạc sỹ Luật học Phạm Thanh Bình, nguyên chuyên viên Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Quy định không được đeo khẩu trang, đeo kính hay đội mũ bảo hiểm khi giao dịch ATM là một biện pháp để đảm bảo an toàn, nhưng dưới góc độ pháp lý nó làm hạn chế quyền tự do cá nhân. Nếu là quy tắc xử sự chung nơi công cộng (ví như cấm hút thuốc lá, khạc nhổ bừa bãi) thì lại là chuyện khác, nhưng đây chỉ là phạm vi hẹp của một ngành thì không thể bắt tất cả mọi người tuân theo. Vì vậy, quy định này là không phù hợp và khó khả thi.


Theo các chuyên gia ngân hàng, tình trạng kẻ gian gắn thiết bị điện tử vào máy rút tiền tự động để từ đó lấy những dữ liệu của chủ thẻ như tên, mật khẩu truy cập đã có từ lâu. Tuy nhiên, đến nay những quy định để đảm bảo an toàn cho chủ thẻ cũng như ngân hàng trong giao dịch ATM thì “vẫn mạnh ai nấy làm” mà chưa có quy định thống nhất. Các ngân hàng đều tự đưa ra các quy định, cảnh báo riêng của mình, trong khi chưa có một khung pháp lý cụ thể về vấn đề này.


Phát biểu tại một cuộc hội thảo gần đây, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết: Tại Hà Nội hiện có tới 38 hệ thống ngân hàng đã triển khai lắp đặt 2.085 máy ATM, trong đó có không ít vị trí không đảm bảo an toàn.


Đeo khẩu trang sẽ không được rút tiền?


Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo quy định và hướng dẫn về việc trang bị, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (ATM).


Dự thảo đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ATM như: phải đáp ứng được các yêu cầu về trang bị thiết bị an ninh, bảo mật để chống thâm nhập trái phép và bảo vệ dữ liệu; phải lưu trữ đầy đủ nhật ký giao dịch và các thông tin liên quan; cho phép khách hàng giao dịch tối thiểu bằng hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh; ATM trả tiền trước khi trả thẻ, hoặc trường hợp ATM trả tiền sau khi trả thẻ thì thời gian tối đa cho việc trả tiền là 60 giây kể từ khi trả thẻ; phải có hình thức nhắc nhở khách hàng không để quên thẻ hoặc quên tiền; phải có khả năng cung cấp tối thiểu 4 loại mệnh giá đồng tiền Việt Nam…


Về vị trí lắp đặt ATM, một yêu cầu mà các tổ chức cung ứng dịch vụ phải đảm bảo là trang bị gương để khách hàng có thể quan sát được phía sau khi thực hiện giao dịch.

Ông Matthew Keating, Giám đốc các Kênh phân phối phi vật lý của Ngân hàng Quốc tế VIB tại Việt Nam:

Có rất nhiều cách giúp bạn thực hiện giao dịch an toàn với ngân hàng, nhưng cách đơn giản nhất là khi nhập mã mật khẩu, chủ thẻ nên lấy tay hoặc dùng giấy che bàn phím nhằm tránh tình trạng bị lấy cắp mật khẩu. Trong trường hợp chủ thẻ phát hiện tài khoản của mình bị trộm hoặc có biến động, cần báo ngay với ngân hàng để họ khoá tài khoản. Khi đó, ngân hàng sẽ phối hợp với Hội thẻ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức chuyển mạch trong nước, các ngân hàng liên minh và chính chủ thẻ để xác minh các khiếu nại của khách hàng.


Theo quy định tại dự thảo, nếu người thực hiện giao dịch tại ATM che mặt hoặc ngăn cản camera ghi lại nhân diện bị coi là giao dịch có dấu hiệu gian lận. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền từ chối thực hiện giao dịch hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ để xác minh khi phát hiện khách hàng che mặt hoặc ngăn cản camera nhận diện trong quá trình thực hiện giao dịch tại ATM.

Một số ý kiến cho rằng, quy định này khó khả thi trong thực tế dù điều đó có thuận lợi cho việc xử lý khiếu nại của ngân hàng. Giả sử khách hàng có đeo khẩu trang hay đội mũ bảo hiểm thì khi ATM đặt ngoài đường, các ngân hàng cũng không thể có người đứng để kiểm soát và ngăn chặn.

Một số ý kiến khác lo ngại, quy định này có thể ảnh hưởng đến lượng giao dịch của các ngân hàng và gây bất tiện với chủ thẻ do thói quen đội mũ bảo hiểm của người dân khi vào cây ATM vẫn còn phổ biến. Hơn nữa, để thực hiện quy định này, phải có thiết bị nhận dạng hiện đại trong khi không phải ngân hàng nào cũng có điều kiện để trang bị. Nếu không có phương tiện thì phải mất thời gian để xác minh thông tin giao dịch, rất phiền toái.


Áp dụng công nghệ cao - tại sao không?


Ông Nguyễn Chính Hùng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Tp. Hà Nội cho rằng, về lâu dài, cách bảo mật tốt nhất, chuẩn xác nhất là nên bảo mật bằng vân tay. Công nghệ này đã được Ngân hàng Á Châu (ACB) áp dụng kể từ ngày 14-2-2011. Theo đó, khách hàng có đăng ký xác thực vân tay đến giao dịch rút tiền tại quầy sẽ thực hiện đưa ngón tay vào đầu đọc vân tay để hệ thống nhận dạng chủ tài khoản/người được ủy quyền.


Tuy nhiên, ý tưởng này không được Vietinbank ủng hộ khi lãnh đạo ngân hàng này đưa ra lý do: áp dụng công nghệ này sẽ ảnh hưởng đến lượng giao dịch bởi ở Việt Nam, việc nhờ người thân rút tiền vẫn phổ biến.


Ông Nguyễn Văn Thắng, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank cho biết: Trên thế giới, Bank of New Zealand là một trong những ngân hàng đi tiên phong triển khai các thiết bị chống đọc trộm thẻ trên khắp mạng lưới ATM của họ tại New Zealand. Thiết bị chống đọc trộm này có chức năng chủ yếu ngăn chặn kẻ gian lắp đặt các thiết bị đọc trộm thẻ ở trên, hoặc xung quanh khe đút thẻ của máy ATM.


Gần đây, Mỹ cũng đang phát triển một công nghệ cho phép các khách hàng có thể nhập mật mã tại máy ATM chỉ thông qua việc nhìn các phím số theo một trật tự đúng.


Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội khuyến nghị các ngân hàng thương mại có máy ATM nên lắp đặt hệ thống thiết bị cảm biến cảnh báo các tác động về lực, nhiệt độ, tự động báo động và kích hoạt tới các số điện thoại của lực lượng an ninh (được cấu hình sẵn) về các sự cố mất an toàn xảy ra đối với ATM.


Tuy nhiên, máy móc cũng không thay thế được con người. Theo một số chuyên gia, ở nước ta phần lớn máy ATM được đặt ở nơi có bảo vệ hoặc được quản lý khá chặt, kẻ xấu khó lấy trộm dữ liệu nếu không có sự tiếp tay của những nhân viên ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng cần ràng buộc chặt trách nhiệm của nhân viên, người quản lý điểm chấp nhận thẻ, tăng cường việc kiểm tra, giám sát trên thực địa để kịp thời phát hiện những yếu tố mất an toàn.

Trung Kiên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều lúng túng trong quản lý, sử dụng thẻ ATM