Ngày 19/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (THAHS) sửa đổi.
Theo dự kiến, dự án Luật này sẽ được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp nhưng các Đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng, nên thông qua theo quy trình 2 kỳ họp để đồng nhất với các Luật về tố tụng mới ban hành và đảm bảo tính khả thi.
Còn nhiều khoảng trống cần phải xem xét
Thu hút nhiều ý kiến phát biểu là nội dung về THA đối với pháp nhân thương mại. Trước đó, khi thảo luận tổ về nội dung này, nhiều ĐB cho rằng không nên quy định giao cơ quan Công an mà nên quy định giao cho Cơ quan thi hành án dân sự vì trong thực tế, việc thi hành loại án này chủ yếu gồm các biện pháp: Thu tiền, rút giấy phép và một số biện pháp khác áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
Với những biện pháp đó mà lại giao cho Công an thi hành án như dự thảo quy định thì không hợp lý. Cơ quan THADS được tổ chức bao phủ rộng, khả năng phối hợp tốt hơn, thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế.
Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng): BLHS 2015 đã điều chỉnh với pháp nhân thương mại, song dự thảo Luật THAHS sửa đổi lại chưa tương ứng, trong khi có rất nhiều vấn đề đặt ra khi xử lý một pháp nhân thương mại phạm tội. Ngoài liên quan đến đời sống cán bộ, việc làm của người lao động thì với một pháp nhân hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực còn liên quan sự phối hợp của các cơ quan cấp phép, cơ quan chức năng trong THA hình sự với pháp nhân.
“Pháp nhân hoạt động đa ngành đa lĩnh vực thì ngăn cái này họ vẫn hoạt động cái khác. Dự thảo Luật thiết kế còn vênh nên khó khăn khi thi hành. Đối với con người vi phạm thì có giảm, có tha, vậy pháp nhân thì sao. Nói cấm 1 năm mà trong 3 tháng người ta khắc phục xong như về môi trường, san lấp, chấp hành xong hình phạt tiền… thì mình phải giảm tương ứng. Với pháp nhân, nên khuyến khích “lấy công chuộc tội”, ĐB Tạo nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)
ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, các quy định về trình tự, thủ tục thi hành và các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại còn có một số điểm trùng lặp như: Hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hiện đang có thủ tục thi hành cơ bản tương tự nhau. Mặt khác, cần quy định cụ thể hơn về cưỡng chế THA hình sự đối với pháp nhân thương mại. Trong dự thảo Luật, mặc dù có các quy định về cưỡng chế thi hành, các hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại trong trường hợp họ cố tình không thực hiện nghĩa vụ chấp hành án. Tuy nhiên, các quy định còn chung chung và giao lại cho Chính phủ quy định chi tiết về thủ tục cưỡng chế, thi hành. Như vậy, nếu dự thảo Luật được thông qua lại phải chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ mới thực hiện được.
Theo ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng): Hầu hết các quy định còn chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, trong đó nhiều vấn đề bỏ trống. Chẳng hạn, đối với pháp nhân bị định chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động của pháp nhân đó thì hậu quả pháp lý của pháp nhân đó có tồn tại hay không? Việc thi hành hình phạt đối với pháp nhân thương mại sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với các bên có liên quan như quyền lợi người lao động, thanh toán các khoản nợ cho các bên liên quan…sẽ được giải quyết như thế nào cũng cần làm rõ.
Một số ĐB cũng đề nghị cần phải quy định cụ thể trong Luật về thủ tục cưỡng chế THA đối với pháp nhân thương mại vì đây là vấn đề mới, cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này trong khi dự thảo chỉ dừng lại ở việc phân công nhiệm vụ của các cơ quan.
Một số quy định khác thiếu khả thi
Cũng theo ĐB Nguyễn Văn Hiển, về nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế…dự thảo Luật quy định khá giống nhau, bao gồm: Trình diện chính quyền cơ sở; chịu sự quản lý và có mặt khi chính quyền yêu cầu; hàng tháng, quý phải báo cáo bằng văn bản với người được giao trực tiếp quản lý về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. ĐB cho rằng quy định như vậy là không hợp lý vì tha tù trước thời hạn, quản chế, án treo, cải tạo không giam giữ,…là những chế tài khác nhau, nhưng lại quy định nghĩa vụ giống nhau và thiên về các hoạt động kiểm soát hành chính.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa quy định rõ ràng thế nào là cố ý vi phạm nghĩa vụ lần hai trở lên để buộc người được hưởng án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện phải chấp hành án phạt tù, phần hình phạt còn lại. Việc đánh giá thế nào là vi phạm nghĩa vụ trên thực tế sẽ tùy tiện, phụ thuộc vào nhiều vào người đánh giá và không có các tiêu chí cụ thể.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng người chấp hành án phải biết họ có những quyền gì và bị tước, hạn chế quyền gì. Đây là vấn đề hết sức phức tạp nên cần phải kỹ lưỡng để vừa đảm mục tiêu thi hành án, quyền lợi phạm nhân và tránh sơ hở, lạm dụng, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Theo ĐB Cường, hiện nay việc hạn chế quyền của phạm nhân, của người chấp hành án khác trong từng lĩnh vực cụ thể đã được nhiều luật quy định và những quy định này cũng trong quá trình hoàn thiện. ĐB nêu ví dụ: Luật BHXH 2006 quy định người đang chấp hành hình phạt tù thì không được hưởng chế độ BHXH nhưng Luật 2014 thì được…Ngoài ra còn một số luật khác nữa nên cần xem xét để quy định linh hoạt, đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, còn nhiều quy định phải nghiên cứu, đánh giá về tính khả thi như: Quy định con dưới 36 tháng được theo bố vào trại tạm giam, tạm giữ. Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc. Luật hiện hành cho phép con dưới 36 tháng được theo mẹ vào trại giam và khi đủ 36 tháng trở lên phải đưa về cho thân nhân hoặc Trung tâm BTXH nuôi dưỡng…Đây là một quy định nhân đạo, mang lại lợi ích cho trẻ nhưng cũng chỉ là hãn hữu. BLHS cũng chỉ quy định cho phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn thi hành án. Vì vậy, quy định này không phải là tốt nhất cho trẻ em bởi môi trường giam giữ không bao giờ là thân thiện và phù hợp với trẻ em, ĐB nhấn mạnh.
Về quy định: “Trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng bố mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và được hưởng một số chế độ ăn như bố mẹ và các nhu yếu phẩm khác…”, ĐB Nguyễn Văn Hiển cho rằng cách tiếp cận này là chưa phù hợp với nguyên tắc lợi ích tốt nhất cho nhóm trẻ này. Đây là những bé còn rất nhỏ và hoàn cảnh đáng thương. Do vậy, phải đảm bảo quan tâm đặc biệt, ít nhất là theo quy định của Luật Trẻ em.
Ngoài ra, các ĐB cho rằng trong dự thảo Luật còn nhiều vấn đề chưa rõ, chưa đảm bảo tính minh bạch như vấn đề sử dụng kết quả lao động của phạm nhân và giám sát việc thu, chi từ hoạt động này. Đặc biệt, còn có những vấn đề chưa có sự thống nhất của các thành viên Chính phủ nhưng vẫn đưa vào dự thảo Luật như: Vấn đề phối hợp với các DN, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động. Chỉ có 9/27 thành viên đồng ý với phương án này, 1 thành viên không chọn phương án nào.
Giải trình thêm một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mô hình tổ chức cơ quan THA đối với pháp nhân thương mại, dự thảo Luật quy định theo hướng: Cơ quan THA hình sự Công an cấp tỉnh là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm theo dõi chung. Cơ quan được giao một số nhiệm vụ THA hình sự đối với pháp nhân thương mại trong chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm trực tiếp thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với các pháp nhân thương mại và giám sát việc thi hành các hình phạt đó, báo cáo kết quả với Cơ quan THA hình sự Công an cấp tỉnh. Về thời gian thông qua dự án Luật này, để đảm bảo thi hành phù hơp với Hiến pháp và các Luật về tố tụng mới ban hành, Bộ Công an đề nghị Quốc hội sớm thông qua trong hai kỳ họp tới.