Nếu chỉ dùng hai từ để nói về cảm nhận của mình sau khi nghe câu chuyện chị Hoàng Thị Yên, người đã bất chấp tính mạng của mình để mang lại sự sống cho con, thì đó là: Tình mẹ.
Hạnh phúc và khổ đau
Từ cổ chí kim, đã có biết bao câu chuyện về sự hy sinh của người mẹ dành cho các con của mình, và mỗi câu chuyện là một hoàn cảnh, một số phận, một kết cục khác nhau. Nhưng, có một điểm chung trong tất cả các câu chuyện ấy là tình mẫu tử thiêng liêng luôn chiến thắng mọi hoàn cảnh.
Và câu chuyện của bà mẹ trẻ Hoàng Thị Yên (SN 1981 trú thôn Đông Lao, xã Đông La, Hoài Đức, Hà Nội), cũng là một câu chuyện như thế, ở đó tình yêu, hạnh phúc, nước mắt, khổ đau cứ thay nhau xoay vần.
Yên vốn là một cô gái có vóc người thanh mảnh, sớm thoát ly khỏi đồng ruộng bằng nghề may tại một công ty trên Hà Nội. Ở tuổi đôi mươi, Yên lọt vào tầm ngắm của nhiều chàng trai làm cùng công ty cũng như trai tráng trong làng, thế nhưng, những cuộc săn đón cũng chẳng khiến Yên này sinh tình cảm, mà ngược lại còn khiến cô sống thu mình hơn sau một vài lần từ chối những lời tỏ tình không mấy dễ thương.
Thời gian trôi đi, Yên vẫn chưa tìm cho mình được một người con trai tâm đầu hợp ý, trong khi đó, ở nhà “mẹ giục con gái yêu lấy chồng đi”. Éo le ở chỗ, nhà Yên có hai chị gái quyết định không lập gia đình, nên áp lực càng đè nặng lên đôi vai cô, những lời thúc giục làm thưa dần những chuyến về quê thăm bố mẹ của Yên.
Chị Yên đẹp rạng ngời trong ngày cưới
Chính những ngày ở lỳ ngoài căn phòng trọ chật hẹp đã làm nảy sinh mối tình nở muộn giữa Yên và anh Lê Văn Hợp, người con trai hơn cô một tuổi, làm nghề lái taxi quê ở Phú Xuyên, Hà Nội. Vậy là ở tuổi 33, cô đã tìm được tình yêu đích thực của đời mình trong sự vui mừng khôn xiết của hai bên họ hàng.
Tấm ảnh cưới lộng lẫy, lung linh được treo ngay ngắn trong nhà, như dấu son hồng tô lên làn môi cô gái những ngày cuối đông. Sau ngày tổ chức đám cưới, vợ chồng Yên lên Hà Nội tiếp tục công việc. Ở tuổi quá “băm” cái tin cô có bầu khiến ai cũng vui mừng, nhưng cũng không kém phần lo lắng. Chị em trong nhà cũng như ở công ty có kinh nghiệm mang bầu đều truyền đạt lại cho Yên, để Yên có thể chăm lo thật tốt cho sức khỏe của mẹ và con.
Vì nghén nên trông cô xanh xao, vàng vọt, những lần chảy máu mũi nhìn mặt Yên tái nhợt như người ốm lâu ngày. Rồi những lần chảy máu mũi cứ nhiều dần, lượng máu chảy lần sau nhiều hơn lần trước, không những thế cô còn bị nổi hạch ở cổ. Thấy những biểu hiện bất thường trên, những người làm cùng công ty khuyên cô vào Viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội) thăm khám.
Tại đây, các bác sĩ yêu cầu người nhà phải có mặt để họ bàn bạc chuyện gì đó mà chị Yên không hề được biết. Đầu tiên là chồng, sau đó là bố mẹ và các anh chị em đều có mặt tại bệnh viện, chị mơ hồ nghĩ về những điều không may và rồi cứ thế nước mắt chảy tràn.
Nằm trên giường bệnh, hai tay chị ôm bụng xuýt xoa, lo lắng cho đứa con chưa lọt lòng của mình. Thế rồi, bác sĩ, người nhà tất thảy đều khuyên chị bỏ đứa con trong bụng để chữa bệnh. Chị ngơ ngác nhìn mọi người, gặng hỏi bệnh gì mà phải bỏ con, nhưng không ai nói cho chị nghe dù chỉ một lời. Chị quyết định, dù có thế nào cũng không bỏ đứa con trong bụng, bởi nó là kết quả tình yêu của anh chị bấy lâu nay. Khi ấy cái thai được 5 tháng tuổi.
Nhật ký của mẹ
Khi chị nhất quyết không chịu bỏ cái thai trong bụng đi để chữa bệnh, mọi người mới quyết định nói cho chị biết, chị bị ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối, nếu không bỏ cái thai để can thiệp kịp thời thì hai con mắt của chị sẽ bị mù trong nay mai và có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Dù có như vậy thì quyết định của chị vẫn không hề thay đổi.
Đất không chịu trời thì trời chịu đất, tất cả đều phải chịu thua trước tình mẫu tử của chị. Mầm xanh đang lớn dần từng ngày trong cơ thể chị và đồng hành với nó cũng là căn bệnh quái ác hành hạ chị suốt ngày đêm. Chị đau đầu đến tím tái mặt mày, nôn ói đến mức phải ăn cháo loãng như trẻ 3 tháng tuổi tập ăn.
Một ngày chị nằm 9 tiếng để truyền nước, chân đứng không vững. Tình trạng sức khỏe của chị khiến các bác sĩ tính đến phương án sinh mổ ở tháng thứ 7, để có những biện pháp can thiệp kịp thời, cứu cả mẹ lẫn con. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp giống như chị nhưng chỉ cứu được con và chị Yên chấp nhận tất cả những rủi ro có thể xảy đến với mình, miễn sao con chào đời khỏe mạnh.
Chị cố ăn, cố ngủ, cố chịu đau để không ảnh hưởng đến con, nhưng mọi thứ giường như đã quá sức chịu đựng, chị phải dùng thuốc giảm đau. Cơn đau dứt được 2 tiếng đồng hồ rồi lại tiếp tục hành hạ thân xác chị. Chị mong mỏi từng phút, từng giờ để đến ngày sinh con, quãng thời gian đó với chị thật khó khăn, khổ sở và những lần đi khám thai chị nhớ như in.
Con được 26 tuần tuổi mà nặng có 1,2kg khiến chị lo lắng vì con quá nhỏ, vậy là chị lại cố ăn, cố uống để mẹ và con cùng khỏe. Khi con được 28 tuần tuổi, chính là thời điểm các bác sĩ dự tính sẽ sinh mổ, nhưng con chỉ được 1,5kg. Điều này khiến các bác sĩ một lần nữa phải đắn đo quyết định khi mẹ thì quá yếu còn con thì quá nhỏ.
Người nhà và bác sĩ động viên chị cố chịu đựng thêm 4 tuần nữa để con cứng cáp hơn. Trong quãng thời gian đó, đã có lúc chị Yên tưởng mình không vượt qua được, nhưng rồi mỗi lần nghĩ đến con chị lại cố và rồi chị đã được đền đáp. Con 32 tuần tuổi nặng 2kg, một ca sinh mổ đầy rủi ro được tiến hành.
Khi các bác sĩ gây mê, thì cũng là lúc đôi mắt chị vĩnh viễn không còn thấy ánh sáng của cuộc đời này. Có lẽ, khi đó thứ ánh sáng duy nhất phát ra mà chị cảm nhận được đó chính là tiếng khóc của con thơ.
Con là ánh sáng cuộc đời mẹ
Chi Yên và con gái Hoàng Lê Cẩm Tú
Từ khi sinh con ra, ngày nào với chị cũng là một trang nhật ký chứa đựng nhiều cảm xúc hạnh phúc lẫn khổ đau. Việc chăm sóc con chị chẳng thể tự làm, nhưng chị mừng vì dưới bàn tay chăm sóc của người nhà, con chị ngoan ăn, ngoan chơi, lớn lên từng ngày.
Giờ đây, sau 9 lần xạ trị và điều trị hóa chất, bệnh tình của chị đã dần thuyên giảm, chị chuyển hẳn về nương tựa nhà đẻ. Con chị, bé gái Hoàng Lê Cẩm Tú nay đã được 16 tháng tuổi, miệng bập bẹ gọi mẹ, gọi cha, chập chững những bước đi đầu đời. Nhiều hôm người nhà đi vắng hết, con khóc, chị bế con lần ra hiên sang nhà hàng xóm chơi, đầu con va vào cánh cửa, chị khóc, con khóc, sau dần rồi cũng quen.
Chị Yên bảo từ ngày sinh con ra chị chưa một lần được thấy mặt con, chị chỉ có thể cảm nhận con bằng bàn tay của người mẹ. Mỗi khi ai khen con xinh, đáng yêu là chị mừng lắm, vui cả ngày. Có lẽ, thấu hiểu được nỗi khổ của mẹ nên bé Cẩm Tú ngoan, lanh lợi, bé như củ khoai mà đã biết cầm tay mẹ đưa vào các đồ vật để mẹ lấy cho chơi.
Ngồi trong căn nhà ngói 3 gian trò chuyện, thi thoảng đôi mắt thâm quầng của chị lại ném vào khoảng không gian vô định những giọt nước mắt. Ngoài trời mưa xuân cứ tiếp tục rơi.
Tôi phần nào cảm nhận được sự hạnh phúc của chị khi chị ôm bé Cẩm Tú vào lòng hít hà lên môi, lên mắt. Bàn tay chị lướt trên những sợi tóc lơ thơ của con và nói về hiện tại. Chị bảo, vì điều kiện gia đình khó khăn nên chị không tiếp tục uống thuốc chỉ khi nào đau quá thì mới dùng thuốc giảm đau.
Bố bé Cẩm Tú với nghề lái taxi cũng chỉ kiếm đủ tiền để nuôi thân và tiền sữa cho con hàng tháng cũng đã là tốt lắm rồi. Trong khi đó mẹ chồng chị mới bị tai biến, nằm liệt giường một chỗ, gánh nặng cơm áo gạo tiền đang đè nặng lên đôi vai anh.
Chị thở dài và nhọc nhằn như những lần bước đi vào khoảng tối trước mặt. Nhưng, dẫu trước mắt chị có là bóng đêm bao phủ, có là khó khăn chồng chất khó khăn thì bé Cẩm Tú mãi là nguồn năng lượng vô tận soi sáng cuộc đời chị.
Tình mẫu tử dù bất cứ ở thời đại nào vẫn luôn tỏa sáng.