Mặc dù là một loài vật nuôi khá gần gũi và thân thuộc trong cuộc sống của người dân Việt Nam từ xưa đến nay nhưng ít ai biết rằng, loài dê cũng mang khá nhiều ý nghĩa tâm linh trong đời sống văn hóa tinh thần.
Cụ thể, với phiên âm tiếng Hán thì dê là dương, tượng trưng của mặt trời, sự thịnh vượng và ánh sáng khiến loài vật này có mặt ở nhiều nơi trong cuộc sống thường nhật. Chính vì vậy, rất nhiều người thường tìm những bức tượng bằng đá, đồng hay mạ vàng có tạc hình con dê để thờ cúng trong nhà, phòng khách hay tiệm bán hàng, nhất là dịp đầu xuân năm mới như hiện nay để mong cầu sự thịnh vượng, phát đạt của một năm dài sắp tới sẽ đến với mình.
Linh vật thân thiện
Không chỉ là việc nằm ở cung địa chi Mùi trong vòng xoay bất tận của mười hai con giáp nên dê được nhiều người biết tới mà thực chất, từ lâu con dễ đã được nuôi nấng và là một trong sáu loài vật thân quen nhất với con người. Chính vì thế, nhiều nét đặc sắc, giá trị của loài dê với con người cũng được khai thác và đưa cả vào đời sống tinh thần cũng như nghệ thuật bằng khá nhiều tác phẩm thơ họa nổi tiếng khác nhau. Và những điều đó cũng làm tăng thêm sự gắn bó của con người với loài vật rất đặc trưng với cặp sừng nhọn và bộ râu dài độc đáo của mình.
Theo tìm hiểu, những ngày đầu năm mới hiện nay, để phù hợp với chu trình của thời gian, nhiều người đã tìm hiểu và mua những bức tượng phong thủy của loài dê. Theo đó, với ý nghĩa tăng cường sức khỏe, tượng dê thường được đặt ở những vị trí trang trọng trong gia đình, như phòng ngủ, phòng khách hoặc những nơi cần ánh sáng để xóa đi sự tối tăm. Có thể nói, hình tượng dê khá đặc trưng và phải những ai thực sự hiểu và tinh tường về nghệ thuật phong thủy mới biết và sở hữu chúng. Mặc dù không được thông dụng như những loại hình tượng khác nhưng thực tế, dê lại rất gần gũi và mang đến nhiều sự may mắn, cát tường cho gia chủ. Như nhiều nhà phong thủy cho biết, dê là loài vật thân quen nên tượng của chúng cũng bình dân, không cao quý như tượng rồng, không lộng lẫy, uy danh như tượng hổ mà lại giản dị và đơn sơ, được cho là phù hợp với tất cả mọi người, từ tầng lớp bình dân cho tới cao sang quyền quý. Rất nhiều quý ông ở tuổi trung niên thường đặt trong phòng ngủ của mình tượng của loài dê. Lúc này, dê mang ý nghĩa là tăng thêm sức mạnh nam tính, khả năng của phái mạnh bởi từ thực tế rút ra thì loài dê đực là loài vật có khả năng đực tính cực mạnh. Nghĩa là, một con dê đực có thể phối giống và quan hệ với cả đàn dê cái. Chính điều này đã khiến loài dê là biểu tượng ở chốn the phòng của hầu hết nam giới. Chúng gần như là biểu tượng của nam giới với một nửa kia của nhân loại vậy.
Nhưng không chỉ có gắn liền vởi biểu tượng phòng the và giới tính, tượng dê còn mang nhiều ý nghĩa may mắn và phát đạt, nhất là với những người làm ăn buôn bán. Theo như đã nói, tiếng Hán thì dê có nghĩa là dương, gần với từ tường trong cát tường. Vì thế, năm con dê nên rất nhiều những ông chủ giàu có đã làm những bức tượng về loài dê để mong cầu sự thịnh vượng, phát triển trong làm ăn. Ở đây, vì dê là tượng trưng của ánh sáng mặt trời nên hầu hết những gì dê mang lại đều vượng khí và thuận lợi.
Có thể nói, linh vật dê không những được ưa chuộng và có nhiều may mắn nên chúng được nhiều người sở hữu, nhất là năm Ất Mùi này. Điều này làm tăng thêm những giá trị của loài dê trong cuộc sống tâm linh của con người chúng ta.
Đậm đà văn hóa phương Đông
Không chỉ ở Việt Nam, thực tế loài dê xuất hiện và rất phổ biến trong đời sống văn hóa tinh thần của nhiều người dân ở phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia hay Hàn Quốc, Nhật Bản… Chúng được con người nhân hóa, đem cả vào nghệ thuật với nhiều tác phẩm xuất sắc. Cụ thể, rất nhiều bức tranh hay bài thơ, câu chuyện về loài dê đã được sử dụng làm cảm hứng sáng tác của những nghệ sĩ. Điều này góp phần rất lớn nâng cao hình tượng loài dê trong đời sống của con người chúng ta. Điển hình như câu chuyện về một vị vua ở vương quốc nọ do quá nhiều cung tần mỹ nữ nên hằng đêm không biết chọn ai, vua bèn cho một cặp dê đực kéo chiếc xe mình ngồi trên đó, khi cặp dê dừng lại ở cửa phòng của vị cung tần nào, nhà vua sẽ qua đêm với vị cung tần đó. Nhưng không chỉ xuất hiện trong đời sống của tầng lớp thượng lưu vua quan, loài dê còn xuất hiện nhiều ở những tác phẩm bình dân, như dòng tranh dân gian Đông Hồ danh tiếng cũng có nhiều bức tranh về loài dê, như một nét biểu tượng văn hóa lâu đời của người xưa vậy.
Ngoài ra, tại những lễ hội, những khoảng thời gian đặc biệt trong năm như tết, lễ cưới xin ăn hỏi hay ma chay… con dê cũng được người ta sử dụng để cúng tế thần linh, coi như một linh vật độc đáo mà con người dâng tặng cho thần thánh để cầu an, mong muốn sự thanh bình và yên ả vậy. Theo đó, những lễ hội hóa kiếp loài dê thường được diễn ra rất long trọng, trước sự chứng kiến của cả một cộng đồng đông đảo. Hiện nay, những lễ hội tâm linh về loài dê vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương vùng Á Đông rộng lớn, trong đó có cả Việt Nam. Cụ thể, tại nhiều nơi như ở Bình Thuận, Ninh Thuận của nước ta hiện nay vẫn còn những lễ hội mang đậm dấu ấn của sự đơn sơ và linh thiêng này bởi đó chính là những vùng đất có hàng ngàn hộ nông dân vẫn còn nuôi dê. Theo đó, người dân ở vùng bán sơn địa nắng gió này quan niệm rằng, con dê đã mang lại cuộc sống ấm no, mang đến cơm áo cho dân làng bao nhiêu năm qua, vì thế, mỗi dịp tết đến xuân về hay những ngày đặc biệt, mọi người phải có trách nhiệm hiến tế một con dê to nhất, béo nhất đàn cho thần linh để thần linh tiếp tục phù hộ và mang đến sự ấm no cho con người. Có thể nói, những lễ hội dê tuy không còn phổ biến những nó vẫn mang nhiều nét độc đáo và đặc trưng, được duy trì qua nhiều năm và mang đến không ít may mắn cho cộng đồng.