Sau mỗi lần theo dõi các phiên tòa hình sự, đặc biệt là những phiên xét xử án ma túy, dù bản án có thời hạn hay án chung thân, tử hình ngẫm dưới khía cạnh nào nó vẫn để lại phía sau một nỗi đau dai dẳng.
Kỳ 1: Chuyện của Vừ Sếnh Mua
Một ngày cuối tháng 5/2014, thời tiết nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi từ TP. Điện Biên Phủ ngược lên xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, để theo dõi phiên tòa hình sự xét xử lưu động đối với bị cáo Vừ Sếnh Mua (SN 1975, trú ở bản Na Ư, xã Na Ư, huyện Điện Biên), về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo nhân dân các dân tộc đã kéo đến trụ sở UBND xã Mường Phăng, nơi diễn ra phiên tòa.
Bị cáo Vừ Sếnh Mua đứng trước vành móng ngựa
Sân UBND xã chật cứng người, chen lẫn vào đó, một người đàn bà có vẻ mặt thất thần, tay dắt tay bế 3 đứa trẻ gắng hết sức mình lách qua từng khe người để tiến sát về phía bị cáo nhưng bị lực lượng bảo vệ phiên tòa ngăn lại. Bởi theo quy định không được phép đưa trẻ em dưới 16 tuổi vào khu vực xét xử, trừ trường hợp là người liên quan trực tiếp đến vụ án.
Bị cản lại, người đàn bà ấy đã cố gắng dùng vốn tiếng Kinh ít ỏi của mình để diễn tả cho mọi người biết rằng: 3 đứa bé này là con của bị cáo Vừ Sếnh Mua.
Người đàn bà đó chính là mẹ đẻ của bị cáo Mua, bà Mùa Thị Cở (SN 1958, trú ở bản Na Ư, xã Na Ư, huyện Điện Biên). Nhìn bà Cở cố gắng nói vọng vào và 3 đứa trẻ cứ hướng mắt về phía người cha khiến ai nấy đều chạnh lòng.
Khi được Hội đồng xét xử cho nói lời sau cùng trước khi vào nghị án, bị cáo đã ân hận nói: “Cái quý giá nhất của con người, tôi đã đánh mất. Tôi mong mọi người hãy nhìn vào tôi và đừng bước chân vào con đường giống như tôi”.
Câu nói gãy gọn, khúc chiết của Mua khác hẳn với nhiều bị cáo người dân tộc thiểu số khác mà chúng tôi từng chứng kiến, bởi lẽ Mua là người được ăn học đàng hoàng (học hết lớp 11), hiểu biết xã hội rộng. Lời nói cuối cùng của Mua làm cho mọi người tham dự phiên tòa đều cảm thấy xót xa cho bị cáo, và cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những ai đang lầm đường lỡ bước dấn chân vào ma túy.
Trong lúc nghị án, những đứa con của Mua nằng nặc đòi được gặp bố, mặc cho mọi người giữ lại nhưng những đứa trẻ đó vẫn cố gắng bứt khỏi tay bà Cở rồi chạy ùa đến chỗ cha. Có lẽ do quá bất ngờ, nên lực lượng chức năng cũng không kịp ngăn cản.
Nhào vào lòng Mua, 4 cha con ôm riết lấy nhau khóc nức nở. Nghe một chuỗi dài tiếng Mông 4 bố con Mua nói với nhau, tôi chẳng hiểu gì nhưng giọng điệu da diết lắm. Những cái ôm của bọn trẻ với Mua chưa được bao lâu thì đã bị lực lượng chức năng đưa ra khỏi khu vực xét xử.
3 đứa con của Mua, chúng có mặt tại phiên tòa để được gặp và nuôi hy vọng Mua sẽ ở lại với chúng, với niềm tin của những đứa trẻ ngây ngô rằng cha mình sẽ không bị phạt tù. Thế nhưng, chúng chưa hiểu được, với việc buôn bán trái phép 128gam hêrôin và 18,46gam Methamphetamine, con đường về của bố nó xa xăm lắm!.
Những đứa trẻ ấy rồi đây sẽ sống và lớn lên như thế nào khi ngôi nhà thiếu đi người cha, trong khi, người mẹ nay ốm mai đau không thể tự chăm sóc cho bản thân mình huống chi phải lo cho 3 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Đó cũng chính là lý do khiến vợ Mua không thể đến tham dự phiên tòa xét xử.
Việc Mua phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, không chỉ khiến những đứa trẻ thiếu đi sự yêu thương, dạy dỗ của người cha, vợ Mua mất đi chỗ dựa vật chất lẫn tinh thần, mà còn để lại một “khoảng lặng” sâu thẳm đối với đấng sinh thành của Mua.
Từ khi sinh ra Mua, bà Cở luôn ước vọng về một chỗ dựa lúc về già. Từ nhỏ bà giành hết tình yêu thương cho Mua, không quản ngại nắng mưa vất vả. Thậm chí có lần bà xuýt mất mạng chỉ vì Mua nghịch dại. Hy vọng bao nhiêu giờ thất vọng bấy nhiêu, nhưng trong sâu thẳm bà luôn cầu mong cho đứa con trai sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Bà Mùa Thị Cở (người ngồi) luôn cầu mong cho con trai mình được giảm nhẹ tội
Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, bà Cở thỉnh thoảng chấp hai bàn tay trước ngực, miệng lẩm nhẩm điều gì đó rồi hai hàng nước mắt cứ thế rơi khi nghe những lời chủ tọa xét hỏi và những câu trả lời của Mua. Ở vào độ tuổi của bà, lẽ ra phải được phụng dưỡng và vui vầy bên con cháu nhưng bây giờ bà Cở lại là lao động chính trong gia đình để nuôi 3 đứa cháu nội.
Khi Hội đồng xét xử tuyên án 20 năm tù giam đối với Vừ Sếnh Mua, bà Cở sụp xuống khóc nức nở. Không biết bà có còn sống đến ngày Mua trở về nữa hay không!.
Mua phạm tội và chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Chỉ thương cho 3 đứa con vô tội của Mua và những người mẹ già tần tảo. Và khi Mua nhận ra được nỗi đau mình đã gieo cho đấng sinh thành, cho vợ con thì đã muộn màng!.