Nếu như bỏ quy định cấp phép cho người đẹp đi thi sắc đẹp quốc tế thì vấn đề được đặt ra liệu chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm về ý thức và trách nhiệm của họ trước hình ảnh quốc gia trước bạn bè quốc tế?
Cởi trói cho danh xưng “người đẹp thi chui”
Mới đây, việc một lãnh đạo cấp cao của Bộ VHTT&DL và cũng là người đang đứng đầu Cục NTBD đưa ra đề xuất bỏ cấp phép người đẹp đi thi nhan sắc quốc tế. Và Bộ VHTT&DL cũng đang đề xuất sửa đổi NĐ 79/2012 và NĐ 15/2016 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trong đó có nội dung thi người đẹp.
Đây mới chỉ là ý kiến, ở dạng đề xuất nhưng ngay lập tức đã được dư luận đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh. Với người đẹp mang danh thi chui, nghĩa là những người đi thi không xin phép thời gian qua thì đây đúng là một tín hiệu vui. Họ như được “cởi trói” khỏi danh xưng “người đẹp thi chui”.
Từ đầu năm đến nay, đã có rất nhiều trường hợp người đẹp thi chui, mới đây nhất là người đẹp gốc Bắc Ninh Nguyễn Thị Thành. Mặc dù đạt giải cao nhưng Nguyễn Thị Thành vẫn mang tiếng “thi chui”, phải giải trình trước Sở VHTT TPHCM về hành động đi thi không xin phép và chịu phạt 22.5 triệu đồng.
Nguyễn Thị Thành "điêu đứng" vì đi thi quốc tế mà không xin phép
Năm 2016, người mẫu Huỳnh Tiên đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Châu Á được tổ chức tại Australia. Tuy nhiên, vì tham gia cuộc thi này nhưng cô chưa được cấp phép. Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã có văn bản gửi Sở VHTT TPHCM về việc phối hợp xử lý hành vi vi phạm của Huỳnh Tiên.
Trước đó, người mẫu Diệu Linh bị phat 22.5 triệu đồng vì đi thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế 2014 tại Malaysia khi chưa xin phép. Tại cuộc thi này, Diệu Linh nhận hai giải thưởng phụ “Trang phục dân tộc đẹp nhất” và “Hoa hậu khối Đông Nam Á”.
Tương tự, trước khi tham gia The Face - Gương mặt thương hiệu 2016, Mai Ngô từng bị phạt 22.5 triệu đồng vì tự ý tham dự Asia’s Next Top Model. Sau 3 lần nhận thư mời nhưng không chịu lên giải trình, Mai Ngô bị cấm diễn tất cả các chương trình tổ chức tại Việt Nam trong một thời gian ngắn.
Có thể thấy, dù điêu đứng vì thi chui nhưng người đẹp vẫn chấp nhận án phạt để có được một danh hiệu…mang danh quốc tế. Bởi với họ, đây không chỉ là giải thưởng quốc tế mà còn là cơ hội lớn mở ra trong sự nghiệp của mình. Mặc dù không thể phủ nhận việc một số cuộc thi, danh hiệu quốc tế chỉ “xứng tầm” với quy mô “ao làng” và việc một số người đẹp chỉ nổi trong một thời gian ngắn rồi lại lặn mất tăm như trường hợp của Lâm Thùy Anh, Oanh Yến, Cao Thùy Linh…
Nói như Thứ trưởng Bộ VHTTDL thì sẽ thật hạn chế cho nhan sắc Việt nếu như có nhiều người đẹp phù hợp với các tiêu chí của cuộc thi quốc tế, có thể giành được thứ hạng cao mà không được dự thi.
“Quản lý để phát triển chứ không phải để giật lùi”
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL khi cho rằng cần phải loại bỏ những rào cản, bất cập, hạn chế… để tạo hành lang pháp lý thông thoáng trong tất cả các thủ tục. Có như thế, việc thực thi luật mới thực sự văn minh và nghiêm cẩn. Trong quản lý nhà nước, nếu chúng ta cứ giữ quan điểm mình là nhất, cái gì cũng biết nên có quyền phán xét, bắt người khác phải nghe theo mình không ổn chút nào. Bất kỳ điều gì cũng cần phải lắng nghe từ nhiều phía, nhất là từ các chuyên gia, những người am hiểu luật.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, chính người đứng đầu Bộ VHTT&DL thừa nhận công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn thời gian qua còn những bất cập và lúng túng. Từ đó mới dẫn đến những xử lý về vấn đề cấp phép trong hoạt động biểu diễn thời gian qua gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, đây sẽ là thời điểm vấn đề quản lý, cấp phép trong hoạt động biểu diễn nói chung và việc cấp phép cho người đẹp đi thi quốc tế được tập trung theo dõi, lấy ý kiến để có thể xem xét, sửa đổ bổ sung NĐ 79/2012 và NĐ 15/2016 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trong đó có nội dung thi người đẹp như lời đề xuất của Bộ VHTT&DL.
Đối với vấn đề có hay không nên bỏ cấp phép người đẹp thi chui đang làm xôn xao dư luận thời gian qua, nhiều người đã đặt câu hỏi ngược lại, nếu cởi trói” mà loạn danh hiệu người đẹp, rồi hình ảnh người đẹp ra nước ngoài xấu xí, ảnh hưởng đến đất nước thì ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm? Lẽ dĩ nhiên, người chịu trách nhiệm trước hết ở đây chính là bản thân người đẹp đó và đơn vị đưa người đẹp đó đi thi quốc tế.
Ý kiến của một độc giả cho rằng mỗi một người đẹp ra nước ngoài dự thi, bản thân thí sinh đã là đại diện cho hình ảnh của người Việt Nam, dù họ có đại diện cho nhan sắc Việt Nam hay chỉ đi thi với tư cách là một thí sinh đến từ Việt Nam thì hình ảnh của họ vẫn là hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam. Mọi lời nói, mọi phát ngôn, hành động đều có rất nhiều ánh mắt nhìn vào. Đành rằng, nói như nhà báo Dương Kỳ Anh, cha đẻ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam rằng, bản thân mỗi người đẹp đều phải ý thức được trách nhiệm của mình, ý thức được việc cuộc thi nào cũng được công khai rộng rãi trên các mạng xã hội, nên họ sẽ ý thức được mọi phát ngôn, hành động của mình, tuy nhiên, không thể lường trước những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Việc nới lỏng các quy định cấp phép đối với người đẹp dự thi nhan sắc quốc tế được cho là cần thiết, góp phần chấm dứt tình trạng thi “chui”. Nhưng có một thực tế, không ít thí sinh coi việc tham gia các cuộc thi nhan sắc chỉ để dễ dàng bước chân vào showbiz. Nếu được “thả cửa”, liệu có gia tăng tình trạng lợi dụng danh hiệu để kiếm tiền? Chưa kể, khi đi thi nước ngoài, nếu có sự cố, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước thì sẽ như thế nào?
Hiện nay, các cuộc thi nhan sắc mang danh nghĩa quốc tế ngày một nhiều, trong đó có không ít cuộc thi chỉ xứng tầm quy mô “ao làng”, kém chất lượng. Không ít cuộc thi hiện nay không còn là nơi tranh tài của nhan sắc và tài năng nữa mà trở thành sân chơi, cơ hội đổi đời một cách dễ dàng cho một số cô gái. Và nếu bất cứ ai, khi nhận được lời mời của các tổ chức sắc đẹp quốc tế đều được tham gia, thì sẽ không kiểm soát được chất lượng thí sinh, dễ làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam. Vì vậy nên chăng quy định cụ thể rằng, các người đẹp đạt giải cao hoặc đã có danh hiệu tại các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp… trong nước thì mới được phép đại diện cho đất nước đi thi. Còn những người khác, nếu có nhu cầu, vẫn được tham gia với tư cách thí sinh tự do, nhưng không được lấy danh nghĩa của quốc gia.
Thời gian tới Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục lấy ý kiến trước khi kiến nghị sửa đổi quy định. Dù thí sinh được tham dự với tư cách thí sinh tự do, nhưng sau khi hoàn tất cuộc thi, các người đẹp hoặc đơn vị đưa người đẹp đi thi phải có trách nhiệm báo cáo cụ thể với Cục Nghệ thuật biểu diễn để Cục nắm được tình hình. Nếu người đẹp hoặc đơn vị đăng cai đưa người đẹp đi thi không báo cáo lại cho Cục mà Cục phát hiện có những vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước thì sẽ có biện pháp xử lý, nặng có thể cấm đi thi quốc tế vĩnh viễn. (Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên) |