UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nghiên cứu tích hợp các trò chơi dân gian vào chương trình thể chất tại bậc phổ thông. Đây được coi là một trong những hành động cụ thể để đổi mới phương pháp dạy và học.
Việc tổ chức các trò chơi dân gian trong nhà trường không những tạo ra sân chơi lành mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả, sâu rộng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà còn góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Thời gian qua, việc tổ chức các trò chơi dân gian trong trường học đặc biệt là các cấp mầm non, cấp 1 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh.
Các em không chỉ được thỏa trí vui chơi, vận động mà qua đó học sinh còn được tìm hiểu những nét văn hóa truyền thông của đất nước, của địa phương mình đang sinh sống.
Tới đây, không chỉ áp dụng dành cho các cấp mầm non, cấp 1 mà UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nghiên cứu tích hợp các trò chơi dân gian vào chương trình thể chất tại bậc phổ thông.
Trước đó, mô hình này đã được áp dụng ở nhiều trường học trên cả nước nhưng vẫn còn ít và chưa thường xuyên. Làm thế nào để đề xuất này có thể phát huy hiệu quả trong thực tế vẫn là một bài toán khó mà nhiều trường học đang nỗ lực thực hiện.
Vào giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy, tại nhiều trường học, các em học sinh đã tự tìm cho mình những trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi. Sân trường trong chớp mắt như ngày hội làng, sôi nổi hơn bởi các trò chơi thu hút được đông đảo học sinh tham gia.
Để tổ chức một trò chơi có thể thu hút các em tham gia đòi hỏi giáo viên quản trò phải có những cách thức linh hoạt, tạo cho các em sự hứng thú.
Trong khi điều đó không phải trường học nào cũng làm được khi hiện nay nhiều giáo viên trẻ chưa tiếp cận được hết các trò chơi dân gian.
Thực tế cho thấy, trò chơi dân gian không đòi hỏi nhiều về mặt thời gian cũng như kinh phí mua sắm dụng cụ. Tuy nhiên, không phải trường nào, lớp nào cũng áp dụng một cách hiệu quả.
Vấn đề ở chỗ cần tổ chức những chuyên đề giới thiệu, phổ biến các trò chơi dân gian cho giáo viên theo từng cấp học. Để giáo viên có "vốn" trò chơi dân gian bài bản nhất định, từ đó mới có thể truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức cho học sinh chơi.