Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3.
Trong năm 2023, nhiều chính sách được người dân quan tâm liên quan tới lĩnh vực giáo dục chính thức đi vào thực hiện.
Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia
Ngày 6/1/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 02/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia với một số điểm mới.
Điển hình là quy định số lượng thí sinh trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Cụ thể, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh.
Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng tối đa 10 thí sinh.
Đội tuyển mỗi môn thi của Hà Nội có tối đa 12 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng tối đa 20 thí sinh.
Thông tư cũng yêu cầu thí sinh dự thi phải có học bạ chính của cấp học (trong trường hợp kỳ thi được tổ chức trước khi kết thúc học kỳ 1 của năm học). Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/2.
Quy định cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Theo nghị định, cơ sở giáo dục đại học có bộ phận quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ cấu tổ chức theo quy định. Cơ sở giáo dục đại học quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.
Đáng chú ý, cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện theo quy định được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/3.
Quy định tặng thưởng công trình toán học xuất sắc
Ngày 30/12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng công trình toán học xuất sắc thuộc chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021-2030.
Quy chế này quy định về việc tổ chức xét tặng giải thưởng công trình toán học xuất sắc dành cho giảng viên, nghiên cứu viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
Đối tượng của giải thưởng là các công trình toán học xuất sắc thuộc lĩnh vực toán học và thống kê đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Giải thưởng được tổ chức 3 năm một lần.
Cơ cấu giải thưởng gồm có giải nhất (không quá 10 giải), giải nhì (không quá 20 giải), giải ba (không quá 30 giải).
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/12/2022.
Tiêu chí đánh giá chuyển đổi số trường đại học
Kể từ ngày 30/12/2022, Quyết định số 4740 do Bộ GD&ĐT ban hành chính thức có hiệu lực. Cụ thể, bộ ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học.
Quyết định nêu rõ bộ chỉ số gồm 2 nhóm tiêu chí thành phần chính: Tiêu chí chuyển đổi số trong đào tạo và tiêu chí chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục đại học.
Trên cơ sở đó, mức độ chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học sẽ được đánh giá theo từng nhóm tiêu chí thành phần, với thang điểm 100, gồm 3 mức độ: Mức chưa đáp ứng, mức đáp ứng cơ bản, mức đáp ứng tốt.
Quy trình tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số từ cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá, sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá ngoài và công nhận kết quả mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục đại học.