Nếu như mấy ngày trước đó nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh người cha địu con trên lưng đi nhặt rác kiếm sống thì chỉ vài ngày sau, tất cả đã “sốc nặng” khi chứng kiến cảnh ông bố nhặt rác dùng dây lưng đánh con một cách dã man.
Ngày 24/12, mạng xã hội lan truyền đoạn clip người đàn ông cầm thắt lưng đánh con dã man trên phố khiến cộng đồng vô cùng bức xúc và phẫn nộ. Sự phẫn nộ của cộng đồng dường như được nhân lên gấp bội khi người đàn ông này chính là Đào Đức Khiêm (sinh năm 1990), người mà mấy ngày trước đã khiến nhiều người rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh anh ta địu con, nhặt rác trong đêm.
Đã có người bức xúc mà dạy cho “ông bố nhặt rác” này một bài học bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” khi gặp anh này ở nơi công cộng.
Đào Đức Khiêm địu con nhặt rác trong đêm. Nguồn ảnh: Facebook
Có thể hiểu được nguồn cơn khiến cộng đồng bức xúc mà ra tay với “ông bố nhặt rác”. Tuy nhiên để bảo vệ quyền lợi cho cháu bé thì việc chửi, đánh Khiêm như vậy liệu có phải là liệu pháp tốt? "Lúc đó em bảo con nhưng con không ăn, cứ nhõng nhẽo nên em mới đánh. Nếu mình mà làm sai thì mình mới sợ, mình không làm gì cả thì việc gì phải sợ" – Khiêm phân trần về việc dùng dây lưng đánh con khi trả lời phỏng vấn của báo chí.
Đành rằng, Khiêm có lý do là vì con không chịu ăn nên anh ta bực tức mà đánh con. Và nếu, ai đã làm cha, làm mẹ cũng có thể hiểu được nỗi bực dọc này. Tuy nhiên, dù có bực tức đến đâu cũng không thể ra tay với con trẻ bằng hành vi tàn ác như thế.
Khiêm bị một người đánh khi gặp trên đường. Ảnh: Facebook
Sau khi phân trần lý do đánh con, qua truyền thông Khiêm đã gửi lời xin lỗi tới cộng đồng và hứa sẽ không đánh con thêm lần nào nữa. Tuy nhiên với bản tính như vậy, ai có thể khẳng định sự việc không bị tái diễn ở một nơi nào đó mà chỉ có Khiêm và các con?
Pháp luật đã có những quy định rất cụ thể trong việc bảo vệ trẻ em. Có thể thấy hành vi đánh đập con dã man của Đào Đức Khiêm không những vi phạm điều cấm của Luật chăm sóc bảo vệ giáo dục trẻ em (Điều 7) mà còn có dấu hiệu phạm vào tội hành hạ người khác mà Bộ luật hình sự đã quy định.
Với những vi phạm này, để bảo vệ an toàn cho con trẻ, ngoài việc xử lý Khiêm theo những quy định nói trên cơ quan chức năng còn có thể áp dụng biện pháp hạn chế quyền, không cho Khiêm tiếp tục trông nom, chăm sóc, giáo dục con. Thời gian hạn chế có thể được áp dụng là từ một đến năm năm.
Khiêm dùng dây lưng đánh con (Ảnh cắt từ clip)
Trong vụ việc này Đào Đức Khiêm đã nhận sai và cũng đã gửi lời xin lỗi đến cộng đồng. Nhưng, bản thân Khiêm đã từng có tiền án, tiền sự và từng sử dụng ma túy. Vậy, nếu tiếp tục để con trẻ sống với Khiêm trong hoàn cảnh như hiện nay liệu có thực sự an toàn cho các cháu?
Thiết nghĩ với trách nhiệm của mình, các cơ quan hữu quan cần phải quan tâm, có biện pháp giám sát để kịp thời can thiệp, ngăn chặn Khiêm tái diễn hành vi bạo hành đối với con trẻ như trong thời gian qua.