Sau khi nhận được đơn kêu cứu của một số gia đình có người thân đang bị bóc lột sức lao động tại Nga, Báo Công lý đã vào cuộc điều tra làm rõ và đăng loạt bài “Có hay không chuyện lừa đảo người lao động” (số 40 ra ngày 18-5-2011) và bài “Người trở về, nỗi đau còn đó” (số 42 ra ngày 25-5-2011).
Nội dung hai bài báo trên phản ánh về những sai phạm của ông Trần Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm XKLĐ Vinahancoop trong quá trình tổ chức đưa hơn 100 lao động Việt Nam sang làm may tại Công ty New Century - Liên bang Nga. Qua thông tin này, cơ quan An ninh điều tra Công an Tp. Hà Nội đã chính thức vào cuộc điều tra làm rõ.
Các nạn nhân XKLĐ chui đang làm việc cực nhọc, sinh hoạt chật hẹp ở Nga
Như chúng tôi đã phản ánh, với tư cách cá nhân, ông Trần Thanh Minh đã tự tổ chức đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà không hề có giấy phép của bất cứ cơ quan nào, từ Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH cho đến Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố nơi người lao động có hộ khẩu thường trú.
Sau khi báo phát hành, Báo Công lý cũng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của các công nhân đang làm việc tại Nga gọi về kêu cứu, phản ánh tình trạng họ bị bóc lột sức lao động hết sức nghiêm trọng, sống trong tâm trạng nơm nớp lo lắng vì cư trú bất hợp pháp. Phần lớn họ không có hợp đồng lao động. Đặc biệt visa xuất cảnh của số công nhân này là visa du lịch. Sau thời gian khốn khổ ở nơi đất khách quê người, công nhân nào muốn về nước phải nộp một số tiền rất lớn, lên đến 2.500 - 2.700 USD.
Nạn nhân của đường dây này trải dài từ miền núi phía Bắc đến Nam bộ. Họ đều là những người nghèo, vì mong ước thoát nghèo nên đã bán hết cả trâu bò hoặc vay mượn để nộp tiền theo yêu cầu, nhưng họ không thể kiếm được tiền như được hứa hẹn. Muốn về cũng không được, hàng ngày họ bị bóc lột sức lao động và nợ nần ở nhà lại thêm chồng chất.
Sau hai bài viết được đăng tải, phóng viên Báo Công lý đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB&XH được biết, từ đầu năm 2010, Cục không hề cấp phép cho Trung tâm XKLĐ Vinahancoop đưa người sang Nga lao động.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung tâm Vinahancoop khẳng định hiện nay Trung tâm cũng không còn khai thác thị trường lao động ở nước Nga, mà tập trung khai thác thị trường lao động từ các quốc gia khác. Trước thông tin mà Báo Công lý đã nêu trong hai bài báo, lãnh đạo Trung tâm đã họp và quyết định miễn nhiệm chức vụ Giám đốc đối với ông Trần Thanh Minh kể từ ngày 6-6-2011.
Mới đây nhất, ngày 20-7-2011, cơ quan An ninh điều tra Công an Tp. Hà Nội đã cử cán bộ đến làm việc trực tiếp với Báo Công lý. Tại buổi làm việc, theo đề nghị của cơ quan An ninh điều tra, Báo Công lý đã trao đổi, cung cấp nhiều thông tin, tài liệu có liên quan đến những đối tượng trong vụ việc này góp phần để cơ quan an ninh sớm đưa vụ việc và những đối tượng vi phạm pháp luật ra ánh sáng.
Cũng tại buổi làm việc, Điều tra viên cho biết, Công an Tp. Hà Nội bước đầu đã triệu tập ông Trần Thanh Minh và những đối tượng liên quan lên lấy lời khai, củng cố chứng cứ, xem xét các bước tiếp theo theo trình tự tố tụng.
Báo Công lý hoan nghênh tinh thần làm việc khẩn trương và kịp thời xử lý những thông tin báo chí của cơ quan An ninh điều tra Công an Tp. Hà Nội.
Chúng tôi đề nghị những gia đình có con em đang lao động trái phép tại Liên bang Nga hoặc bản thân người lao động đi theo con đường của Trung tâm Vinahancoop đạo diễn, tiếp tục cung cấp thông tin về Báo Công lý, hoặc cho cơ quan An ninh điều tra Công an Tp. Hà Nội để thúc đẩy quá trình điều tra được nhanh chóng và hiệu quả.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin phản ánh kịp thời đến với bạn đọc khi có diễn biến mới.
Trung Thành