Cổ phần hóa không phải tư nhân hóa

Bảo Dân| 11/05/2017 09:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia đã hơn một lần cảnh báo về những kẽ hở trong cổ phần hóa DNNN. Nhìn lại hơn 20 năm tiến hành cổ phần hóa đã giảm số DNNN từ 12.000 DN xuống còn 800 DN.

Cổ phần hóa đạt kết quả khả quan về số lượng, nhưng còn nhiều vấn đề cần xử lý. Các chuyên gia lưu ý cổ phần hóa (CPH) nhằm đa sở hữu DN chưa đạt yêu cầu vì tỷ trọng cổ phần bán ra bên ngoài còn thấp, đặc biệt là ở các doanh nghiệp lớn. Sau cổ phần hóa vẫn có những tổng công ty, tập đoàn còn trên 90% đến 95% vốn điều lệ do nhà nước nắm giữ. Tại đây mới chỉ CPH các công ty “con”, công ty “cháu” sản xuất kinh doanh phụ, giá trị thấp nên hầu như không có thay đổi gì về quản trị công ty, nhân sự. Nhà nước vẫn phải “bao” nên hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa có phát triển đột biến.

Nếu chỉ có 5-7% cố phần được bán ra ngoài và Nhà nước vẫn nắm giữ đại bộ phận vốn điều lệ nhưng quản trị doanh nghiêp lại tương tự như DN tư nhân là bất ổn. Đây chính là kẽ hở trong CPH khiến kiểm soát của Chính phủ với một số ngành hàng suy giảm.

 Cổ phần hóa không phải tư nhân hóa

Hình minh họa

Hiện nay, trong một số trường hợp CPH chỉ nhằm huy động vốn cho các DN, chứ không phải hướng đến giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước hay thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Theo quan sát của các chuyên gia, các DNNN sản xuất thua lỗ, nợ nần cao rất khó tiến hành CPH vì kém hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy cần tái cơ cấu, tổ chức lại quản trị doanh nghiệp, đồng thời cần chào bán đủ lượng cổ phần ra ngoài cho các nhà đầu tư để họ có thể xoay chuyển tình thế sản xuất kinh doanh của DN.

Những bất cập trong cổ phần hóa DNNN làm thất thoát tài sản, nhất là giá trị thương hiệu và giá trị quyền sử dụng đất đai do bị định giá không thỏa đáng vì lợi ích nhóm và rốt cuộc, quyền lợi chỉ dành cho một nhóm người vốn là lãnh đạo  doanh nghiệp còn thực chất người lao động vừa mất đi danh nghĩa công nhân viên trong biên chế nhà nước trở thành người làm thuê cho chủ tư nhân mà thu nhập không tăng.

Vì vậy, Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Nghị định mới về cổ phần hóa. Chỉ đạo việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, mục tiêu hướng tới đa sở hữu doanh nghiệp, theo xu hướng vận hành của thị trường hiện đại. Có lẽ đây là vấn đề trọng tâm của dự thảo Nghị định mới. Theo định hướng đa sở hữu sẽ ngăn ngừa được vấn nạn tư nhân hóa như đã từng xảy ra ở Công ty Điện Quang.

Đồng thời phải nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích Nhà nước trong trường hợp giữ thương hiệu quốc gia. Theo đó, Nghị định mới sẽ khắc phục được những bất cập, sơ hở, khiến DNNN trở thành doanh nghiệp gia đình. Nghị định này cũng sẽ ngăn ngừa việc mạnh tay thoái 100% vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn và “bán” Hãng phim truyện Viêt Nam cho một doanh nghiêp vận tải đường thủy.

Trong các ý kiến chỉ đạo, Phó thủ tướng Vương Đinh Huệ đã vạch rõ nhất thiết không được bày đặt thêm thủ tục hành chính vô lý, rắc rối làm cản trở quá trình sắp xếp đổi mới DNNN. Hy vọng chỉ đạo mới của Chính phủ sẽ xử lý các bất cập và đưa cổ phần hóa trở về đúng quỹ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phần hóa không phải tư nhân hóa