Hình ảnh vị Trưởng Công an xã lồng lộn "đá thúng xô chậu" ngay giữa cái chợ quê trông giống đối tượng du côn hơn là một cán bộ nhà nước đang thực thi công vụ.
Đó là một cái chợ quê đúng nghĩa. Những thúng rau, những thau cá của người dân nghèo mang ra bán vội để chắt chiu từng đồng, từng cắc bạc. Cái chợ lộn xộn và không có quy củ nào cả. Những người phụ nữ quê trồng được cây rau, bắt được con cá là mang ra chợ bán, bạ đâu họ ngồi đấy miễn là dễ trông, dễ thấy để người khác biết mà mua.
Những người dân ấy đã sai. Cái sai ấy phải được nhắc nhở, thậm chí rất đáng xử phạt để hình thành một thói quen văn minh. Bởi, muốn thay đổi tư duy, nề nếp cũ của hàng chục triệu người dân đi lên từ nền văn minh lúa nước thật không dễ dàng gì.
Hình ảnh ông Trưởng Công an xã đá văng tài sản của người dân
Tôi và nhiều người khác có thể hiểu được sự bức xúc của ông Trưởng Công an xã nọ. Nhìn cảnh tượng mà người dân đua nhau tràn ra lòng đường, nhắc nhở, xử lý vẫn như bắt cóc bỏ đĩa thật khó chịu. Ông Trưởng Công an có lẽ thấy bất lực bởi những cố gắng của mình ngày hôm qua, và cả những ngày trước nữa đã không đem lại hiệu quả.
Và, ông đã dùng đến những cú đá...
Ông đã lồng lộn quát tháo, ông đá văng cái thau, hất mớ tép ra đất, ông tả xung hữu đột với những cú đá trúng đích, uy lực. Xung quanh ông Trưởng Công an là một cái chợ quê nhếch nhác và hết thảy đều là những phụ nữ nông thôn, lam lũ, chân yếu tay mềm.
Những người phụ nữ ấy biết mình sai nên tuyệt nhiên không ai dám phản kháng. Của đáng tội, con cá, mớ rau, cái ghế, cái thau trở thành đồ vật để ông Trưởng Công an trút cơn giận dữ của mình.
Không một ai nhìn ra hình ảnh của một cán bộ Công an xã cho dù hôm ấy ông có mặc đồng phục vào đi chăng nữa. Nó giống một gã du côn không hơn không kém.
Thay vì đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của ông Trưởng Công an khi người dân bất tuân quy định thì việc ông tung những cú đá kiểu "giận cá chém thớt" đã khiến dư luận nhân dân bất bình.
Trên cả lý thuyết lẫn thực tế, ông Trưởng Công an có quyền lực được pháp luật quy định trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình. Trách nhiệm của ông là làm thế nào để người dân tôn trọng và thực thi pháp luật một cách nghiêm túc, đồng thời tạo ra sự gắn kết, ủng hộ của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nhưng không, những cú đá của ông đã tạo ra một khoảng cách vô cùng lớn giữa người đại diện thừa hành pháp luật với công dân.
Ông Trưởng Công an có giải thích và cho rằng hành động của ông là phản cảm, xin được người dân bỏ qua. Tuy nhiên, nó không đơn thuần là phản cảm đâu, cán bộ ạ. Đừng xảo ngữ nữa.
Đó thực sự là một hành vi sai trái, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hình ảnh những cán bộ nhà nước nói chung và Công an nhân dân nói riêng. Một lực lượng được xem là "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ" thì không thể đối xử như thế với dân cho dù họ có sai đi chăng nữa.
Nhìn lại cái chợ quê ấy, tôi đủ thấy rằng người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Họ bất chấp quy định, bất chấp sự dồn đuổi của lực lượng chức năng địa phương tràn ra đường hòng bán được cái tép, con tôm vun vén cuộc sống. Trong hoàn cảnh như thế thì địa phương cần phải có những cán bộ thấu hiểu được dân, từ dân mà ra, vì dân mà phục vụ thì mới nhận được sự đồng cảm, ủng hộ.
Pháp luật không thể vận dụng như một hành động chợ búa của kẻ du côn.