Cô nhi Sao Mai (Gia Lai): Những tiếng cười đằng sau “góc khuất”

Chu Loan| 07/03/2015 07:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngoài kia, gió vẫn vi vút, cái tiết trời đông Tây Nguyên se se lạnh. Có lẽ sẽ không nói được gì nhiều nếu không cảm nhận được tiếng cười đùa rộn ràng của các em.

Ngoài kia, gió vẫn vi vút, cái tiết trời đông Tây Nguyên se se lạnh. Có lẽ sẽ không nói được gì nhiều nếu không cảm nhận được tiếng cười đùa rộn ràng của các em. Sau cánh cửa ấy là vô vàn điều đáng nói, đáng viết, hoặc ít ra đằng sau “góc khuất” ấy cũng đã viết lên được những câu chuyện đầy cảm động!

Nằm lặng lẽ trên một dốc phố Gia Lai, cô nhi Sao Mai hay còn gọi là Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, được xem là địa chỉ đỏ và là nơi tỏa sáng của những tấm lòng nhân ái. Đến đây mới biết, đôi khi chính nơi hội tụ của những nỗi đau lại là nơi ươm mầm hạnh phúc.

 Điều đặc biệt ở đây không chỉ thấp thoáng hình bóng dáng áo chàm của các sơ hằng ngày đon đả mà còn bởi đa số trẻ em ở đây vẫn có cha hoặc mẹ nhưng bị bỏ rơi nhưng các em không bi quan, phó mặc cuộc sống, mỗi ngày một phấn đấu học tập, rèn luyện để xây đắp ước mơ thành hiện thực.

Đón tiếp chúng tôi là sơ Nguyễn Thị Khiết (Sơ Trưởng của Trung tâm), tâm sự: “Cô nhi Sao Mai thành lập từ năm 1994. Từ đó đến nay, Trung tâm đã thu nhận và nuôi dưỡng hơn 50 cháu nhỏ, hiện cháu nhỏ nhất hơn 2 tuổi và cháu lớn nhất đã là sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn… Chúng tôi mong mỏi từng ngày các cháu lớn khôn để giúp ích lại cho đời, bù đắp lại những đắng cay bất hạnh cuộc đời mình…”.

Cô nhi Sao Mai (Gia Lai): Những tiếng cười  đằng sau “góc khuất”

Lớp học ươm mầm tương lai

 Được biết, trong những ngày đầu tiên mới thành lập, cô nhi Sao Mai đã trải qua rất nhiều khó khăn, đây là một trong số ít những trại trẻ mồ côi trong thành phố, không chỉ một số cô gái lỡ lầm mang con đến cổng Trung tâm bỏ lại mà các em nhỏ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn cũng được bố mẹ đưa đến nhờ nuôi dưỡng. Đa phần các em đều là nạn nhân của những hủ tục lạc hậu. Từ xưa, người Bana, Jarai quan niệm, khi đứa trẻ lọt lòng mà người mẹ không may mất đi thì con vừa sinh ra cũng phải theo mẹ về với Giàng. Những đứa trẻ may mắn thoát khỏi hủ tục này thường được người nhà bí mật đưa đến Trung tâm.

Thương cảm cho hoàn cảnh của hai chị em Hó và Hơm người dân tộc Bana. Hai chị em được cán bộ xã Ayun (Mang Yang, Gia Lai) đem đến trung tâm khi người chị mới hơn 2 tuổi và cô em chỉ vừa tròn 3 tháng. Sơ Nguyễn Thị Bích Hằng kể: “Năm 1996, mẹ của Hó và Hơm bị rắn độc cắn chết, người nhà của em đã đuổi Hó đi khỏi làng và đặt Hom vào quan tài chôn cùng mẹ. Ngay lúc chuẩn bị đưa tang thì cán bộ xã có mặt yêu cầu đưa đứa bé 3 tháng tuổi ra khỏi quan tài, đồng thời đi tìm Hó đưa đến trung tâm”. Hai đứa bé may mắn năm xưa nay đã 17 tuổi và 15 tuổi, cái tuổi trưởng thành, phổng phao đầy hứa hẹn cho một tương lai tươi sáng.  Chúng tôi lặng người khi em kể: “Bố đã có mẹ kế, đã có em nhỏ rồi, bố cũng không nhớ Hó và Hom nữa. Hó và Hom xem đây là nhà thôi”.

Cô nhi Sao Mai (Gia Lai): Những tiếng cười  đằng sau “góc khuất”

Trong vòng tay các mẹ

Bé Siu Vun đến với Sao Mai như là một phép màu nhiệm của cuộc sống. Không ai nghĩ rằng, bước qua những ngày đầu tiên của cuộc đời ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh, em có thể có ngày hôm nay. Câu chuyện mùa mưa năm 2009, có một người đàn ông bế một đứa bé trai trên tay đến trung tâm nhờ giúp đỡ. Đứa bé đỏ hỏn mới chỉ khoảng hai ngày tuổi khóc yếu ớt, trên người sưng vù những nốt đỏ do kiến cắn. Sau khi trao đứa bé còn khát sữa vào lòng các sơ, người đàn ông mới kể rõ sự tình. Ông là người dân tộc thiểu số và là ông họ của đứa bé tội nghiệp. Mẹ của bé sau khi sinh đã mất đi do băng huyết. Trong ngày đám tang người phụ nữ xấu số, ông phát hiện ra tiếng trẻ nhỏ khóc rên rỉ sau nhà vệ sinh. Hỏi ra mới biết, đứa bé bị ông bà ngoại bỏ đi chờ đến lúc chết để chôn theo cùng mẹ mặc cho sự van xin của người bố. Không đành lòng nhìn đứa bé vô tội đang thoi thóp thở, ông vội vàng ôm Siu Vun đến gõ cửa cô nhi Sao Mai. Cho đến hôm nay, nhìn đứa bé bụ bẫm đáng yêu, đôi mắt long lanh to tròn, không ai nghĩ rằng sự sống lại kỳ diệu đến thế. Sơ Khiết tâm sự: “Từ cái ngày định mệnh ấy đến nay đã 3 năm , thỉnh thoảng bố Siu Vun có đến thăm em nhưng nhất quyết không chịu đưa em về nuôi. Người bố tội nghiệp chỉ mong con ở đây với người Kinh để được học hành, được giáo dục nên người”.

Cô nhi Sao Mai (Gia Lai): Những tiếng cười  đằng sau “góc khuất”

Những mầm xanh tương lai

Siu Vun, Hó, Hom, Ksor Quỳnh… cùng rất nhiều em nhỏ trong trung tâm đều là nạn nhân vô tội của hủ tục lạc hậu ở một số dân tộc thiểu số. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Ngọc Chi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ  nữ tỉnh Gia Lai cho biết: “Trẻ em mồ côi đã là bất hạnh, nhưng trẻ em bị gia đình nhẫn tâm chôn sống là một hủ tục quá dã man. Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền trong các bản làng để xóa bỏ tuy nhiên hiện vẫn còn đâu đó. Nếu được phát hiện, chúng tôi sẽ kiến nghị để xử lý nghiêm theo pháp luật và cũng rất mong có được sự hỗ trợ liên ngành”. Cũng chính những bất cập đó mà từ khi bị gia đình chối bỏ, đối với các em cô nhi Sao Mai là mái nhà hạnh phúc.

Nhìn lại những bước đường trưởng thành của các em mới thấu hiểu phần nào những khó khăn vất vả cũng như tình thương yêu của các mẹ nơi đây. Cô nhi Sao Mai có 5 bảo mẫu, bảo mẫu chính là các sơ là những người thường xuyên chăm lo cơm nước nhưng cũng là những người mẹ trực tiếp giáo dục nhân cách, phẩm chất cho các em.

Chia tay Sao Mai trong niềm xúc động bồi hồi, sau lưng chúng tôi, tiếng cười hồn nhiên và những ánh mắt trẻ thơ trong sáng, trên tay các em, những trang sách đang còn lật giở như những trang đời còn bao ấp ủ. Tương lai của các em như cánh hồng đang dần hé nở và trên đó, ngào ngạt tỏa hương chính là dư vị ấm áp của tình người.n

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô nhi Sao Mai (Gia Lai): Những tiếng cười đằng sau “góc khuất”