Các ý kiến chuyên gia về việc áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 đối với việc miễn trách nhiệm hình sự trong vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Vừa qua, VKSND huyện Đ., tỉnh L. đã ra quyết định đình chỉ vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can H.
Lý do, dù bị can gây tai nạn làm chết một người nhưng căn cứ vào khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 thì đây là loại tội nghiêm trọng do lỗi vô ý, bị can H. đã thỏa thuận bồi thường cho đại diện gia đình bị hại xong. Phía đại điện bị hại cũng không yêu cầu xử lý về hình sự và trách nhiệm dân sự đối với bị can Hải.
Theo hồ sơ, tháng 5/2016, H. điều khiển xe tải hướng từ huyện Đ. về TP.HCM. Do lấn trái nên xe của H. đã va chạm vào xe mô tô do anh Y. chở phía sau là anh Ph. và một người nữa đang lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả, anh Y. tử vong còn anh Ph. bị thương nhẹ.
Tháng 6/2016, gia đình H. đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường cho nạn nhân Y. 113 triệu đồng, ông Ph. 6 triệu đồng. Tháng 8/2016, CQĐT công an huyện Đ. đã khởi tố H. về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại khoản 1 Điều 202 BLHS 1999 (có khung hình phạt từ 6 tháng đến 5 năm tù).
Mặc dù H. đã bị khởi tố nhưng mới đây VKSND huyện Đ. đã căn cứ vào khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 để miễn trách nhiệm hình sự cho H.
Theo ý kiến chuyên gia, VKS đình chỉ vụ án nói trên là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Điều 29 BLHS năm 2015. Trước đây nhiều trường hợp gia đình người bị hại yêu cầu không khởi tố người có hành vi phạm tội do lỗi vô ý trong những vụ án tai nạn giao thông nhưng không được chấp nhận. Bởi, BLHS 1999 chỉ xem việc bồi thường và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự của người bị hại đối với người phạm tội là tình tiết giảm nhẹ.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông
Để khắc phục tình trạng này, tại khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Quy định mới này thể hiện tính nhân văn dựa trên tinh thần hòa giải giữa phía gia đình người bị hại và người gây ra thiệt hại do vô ý phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Qua đó người phạm tội phải cố gắng khắc phục hậu quả do hành vi vô ý của mình gây ra nhằm bù đắp thiệt hại cho người bị hại cũng như gia đình của họ.
Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 có thể coi là tình tiết mới có lợi cho các bị cáo để miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi xác định lỗi của người phạm tội đối với loại tội này thì có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm 1: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý nên các bị cáo không đủ điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự. Quan điểm 2: Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý nên thuộc trường hợp để miễn trách nhiệm hình sự.
Theo ý kiến của chuyên gia, lỗi trong tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (nay là Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ) là lỗi vô ý do tự tin hoặc lỗi vô ý do cẩu thả. Nếu người tham gia giao thông đường bộ phạm tội với lỗi cố ý thì không phải phạm tội Vi phạm quy định về giao thông đường bộ mà là phạm tội khác như tội Giết người, tội Cố ý gây thương tích…
Về việc miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can nêu trên: Bị can phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng do lỗi vô ý quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS 1999 (hậu quả làm chết 1 người). Bị can tự hòa giải, tự nguyện bồi thường dân sự cho bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại. Người đại diện hợp pháp của bị hại đều có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho các bị can.
Căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 thì người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” tại khoản 1 Điều 202 BLHS 1999, có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự nếu các bị can đã tự nguyện bồi thường thiệt hại và được người đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Cũng có quan điểm cho rằng, Khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 chỉ có thể áp dụng theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố và xét xử về các tội vô ý làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, và tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (khách thể bị xâm hai do lỗi vô ý là tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác). Còn tội mà bị can H. vi phạm đã xâm phạm 2 khách thể là trật tự an toàn giao thông đường bộ và tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Người thực hiện tội phạm này do lỗi vô ý nhưng xâm phạm hai khách thể (cá nhân và Nhà nước), mặc dù người bị hại rút yêu cầu nhưng còn một khách thể là Nhà nước bị xâm hại cho nên không thể đình chỉ vụ án và miễn trách nhiệm hình sự cho H.