Có nên “khép” lại những vụ án xâm hại tình dục trẻ em chỉ vì thiếu chứng cứ?

Đỗ Văn Nhân| 20/04/2019 10:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, dư luận không khỏi phẫn nộ về những vụ việc xâm hại tình dục với trẻ em, nhiều vụ việc mà đối tượng xâm hại chính là người thân trong gia đình.

Và có rất nhiều vụ việc đã xảy ra nhưng người trong cuộc chưa thể lên tiếng do mặc cảm, sợ tiếng xấu hoặc tự thỏa thuận trái pháp luật để “dàn xếp” vụ việc nhằm trốn tránh các chế tài của pháp luật… Dù bị xử lý hay không bị xử lý đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng hơn ai hết, các em sẽ mang trên mình những vết thương về thể xác cũng như tinh thần trong suốt quãng đời còn lại mà khó có thể bị xóa nhòa. Và chỉ khi kẻ thủ ác bị trừng trị thích đáng mới vơi đi phần nào vết thương lòng của các em.

Nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em liên tục bị phát giác nhưng đối tượng phạm tội bị xử lý theo quy định của pháp luật thì thì rất hạn chế; nhiều vụ việc tuy đã khởi tố vụ án nhưng không thể khởi tố bị can do thiếu chứng cứ nên không thể xử lý dứt điểm. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm…của các tổ chức bảo vệ trẻ em, các chuyên gia pháp lý, luật sư đã diễn ra sôi nổi, có lúc tranh luận gay gắt để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội và bảo vệ trẻ em. Nhiều giải pháp được nêu ra rất hợp lý, trong đó có ý kiến đề nghị cơ quan điều tra cần áp dụng biện pháp “gài bẫy” để thu thập chứng cứ hoặc bắt quả tang người phạm tội; biện pháp này được một số nước trên thế giới áp dụng rất hiệu quả.

Có nên “khép” lại những vụ án xâm hại tình dục trẻ em chỉ vì thiếu chứng cứ?

Ảnh minh họa

Muốn vậy, cơ quan điều tra phải có biện pháp nghiệp vụ để tiến hành theo dõi, ghi âm, ghi hình, xây dựng tình huống, kịch bản… thực hiện. Khi tiến hành “gài bẫy” đối tượng phạm tội cần có sự phối hợp của gia đình và sự đồng ý của chính trẻ em bị xâm hại. Khi đối tượng “vào bẫy”, sắp thực hiện hành vi phạm tội thì tiến hành bắt giữ để xử lý. Chỉ áp dụng biện pháp “gài bẫy” khi biết chắc đối tượng đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em một hoặc nhiều lần trước đó nhưng không có chứng cứ buộc tội. Đồng thời, có căn cứ cho rằng đối tượng phạm tội sẽ tiếp tục có hành vi dụ dỗ, cưỡng ép…để xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Áp dụng biện pháp “gài bẫy” để thu thập chứng cứ hoặc bắt quả tang đối tượng phạm tội cần có một quy trình nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Nếu không thận trọng sẽ gây ra oan sai hoặc ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em. Mặc dù, việc “gài bẫy” để thu thập chứng cứ hoặc bắt quả tang đối tượng phạm tội là hành vi bị nghiêm cấm theo pháp luật Việt Nam; quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều phải trọng chứng hơn trọng cung; tôn trọng sự thật khách quan của vụ án…Tuy nhiên, đối với những hành vi xâm hại tình dục trẻ em, muốn kịp thời phát hiện và xử lý vụ việc cần phải xây dựng cơ chế riêng, đặc thù và quy trình tố tụng đặc biệt, trong đó cho phép cơ quan điều tra áp dụng những biện pháp nghiệp vụ cần thiết và trong giới hạn cho phép để “gài bẫy” nhằm thu thập chứng cứ hoặc bắt quả tang đối tượng có hành vi phạm tội.

Ngoài ra, việc khởi tố vụ án xâm hại tình dục trẻ em cần thực hiện theo hướng không nhất thiết phải phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả giám định, vì trẻ em khi bị xâm hại tình dục, gia đình thường không kịp thời phát hiện, trình báo và tiến hành quy trình giám định để thu thập chứng cứ mà có thể khởi tố vụ án thông qua lời khai của trẻ em, vì hầu hết trẻ em thường nói ra sự thật, ít khi nói dối. Hoặc có thể khởi tố vụ án thông qua người làm chứng; thông qua nội dung ghi âm, ghi hình và có thể thông qua những hành vi không lành mạnh của đối tượng phạm tội như sờ mó vào các bộ phận sinh dục của trẻ em mà không nhất thiết phải có hành vi giao cấu xảy ra…Có như vậy, mới có thể xử lý kịp thời, nghiêm khắc những đối tượng có hành vi phạm tội, tránh tình trạng “khép” lại những vụ án xâm hại tình dục trẻ em chỉ vì thiếu chứng cứ như hiện nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên “khép” lại những vụ án xâm hại tình dục trẻ em chỉ vì thiếu chứng cứ?