Có nên giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện chức năng giám định tư pháp?

Ngọc Mai| 12/08/2019 16:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có nên giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp và cơ quan nào điều hòa sự chồng chéo của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ là hai nội dung UBTVQH đưa ra nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp sáng ngày 12/8.

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 36 sáng ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung Phiên họp.

Có nên giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện chức năng giám định tư pháp?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.Ảnh Quochoi

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, còn một số ý kiến khác nhau về một số quy định trong dự thảo là: Phạm vi sửa đổi, bổ sung; quyền khiếu nại Báo cáo kiểm toán; về đề nghị sửa nhiệm vụ Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thành “xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Thủ tướng Chính phủ”; bổ sung quyền của  Kiểm toán Nhà nước về văn bản quy phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, giám định tư pháp; quy định về việc tránh chồng chéo giữa kiểm tra, thanh tra, kiểm toán...

Nhiều ý kiến về việc giao quyền giám định tư pháp

Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách - cơ quan thẩm tra dự án luật, cho biết, về bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật còn nội dung chồng chéo với một số luật khác, có nội dung vượt thẩm quyền, có nội dung chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số quy định không thuộc phạm vi của dự thảo Luật này mà phải quy định trong các luật khác như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp. Nhiều nội dung chưa cụ thể cần làm rõ mới có thể xử phạt hành chính, giám định tư pháp hay ký được thông tư liên tịch của Kiểm toán Nhà nước.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất việc bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật sẽ chưa thể bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để Kiểm toán Nhà nước triển khai thực hiện vì phải sửa các luật có liên quan hoặc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn.

Hơn nữa, theo giải trình của Kiểm toán Nhà nước, việc ký thông tư liên tịch để tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan trong phòng, chống tham nhũng, việc xử phạt vi phạm hành chính để xử lý vi phạm của các cá nhân không phải là công chức, viên chức nên thực tế chưa phát sinh nhiều trong hoạt động kiểm toán và có thể xử lý thông qua việc ký kết các quy chế phối hợp hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nội dung này khi sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc, giao Tổng Kiểm toán Nhà nước thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ quy định chi tiết các nội dung liên quan.

Riêng đối với quy định bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước như dự thảo Luật là quá rộng và chồng chéo với các cơ quan, đơn vị khác và chưa cụ thể để thực hiện. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với Kiểm toán Nhà nước về việc đề nghị bỏ, không bổ sung vào dự thảo Luật thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước trong giám định tư pháp.

Vậy, có nên giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp không? Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là xuất phát từ yêu cầu thực tế của công tác điều tra, truy tố, xét xử. Bởi, vướng mắc rất lớn hiện nay là giám định tài chính liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và trong Nghị quyết 18 của Trung ương cũng có nêu, giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói. 

Đồng tình việc bổ sung thẩm quyền giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, nên đưa nội dung này vào Luật Giám định tư pháp.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với việc không bổ sung thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước trong giám định tư pháp. Theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, quy định này sẽ liên quan từ Trung ương đến địa phương, Tòa án, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu Kiểm toán Nhà nước giám định tư pháp.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nếu Kiểm toán Nhà nước thực hiện được chức năng giám định tư pháp thì “quá tốt”, song nếu giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện như một nhiệm vụ bắt buộc, thì khối lượng công việc của Kiểm toán Nhà nước sẽ rất nặng, không đủ sức.

Cơ quan nào điều hòa sự chồng chéo của Kiểm toán Nhà nước và TTCP?

Liên quan đến cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành và Kiểm toán Nhà nước.

“Đây là vấn đề trọng tâm đặt ra yêu cầu sửa Luật Kiểm toán Nhà nước nêu rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW, đồng thời hiện nay, việc chồng chéo giữa thanh tra các cấp và Kiểm toán Nhà nước vẫn diễn ra, chưa khắc phục được”, ông Nguyễn Đức Hải nói và cho rằng các quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra.

Có nên giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện chức năng giám định tư pháp?

Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình thêm một số vấn đề

Phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu vấn đề: Cơ quan nào sẽ điều hòa hai cơ quan này (Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ) hay để cho hai cơ quan tự thống nhất? Theo đó, cần quy định rõ phạm vi nào Kiểm toán Nhà nước thực hiện, phạm vi nào không được làm;...

Đồng thời, cần quy định rõ, cái gì kiểm toán viên nhà nước được truy cập vào dữ liệu của cơ quan bị kiểm toán bởi ở đây còn bí mật kinh doanh… Bởi có những quy định riêng biệt thuộc sự điều chỉnh của luật khác như Luật An ninh mạng…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, để giải quyết sự chồng chéo này thì trước hết Luật Kiểm toán Nhà nước phải minh định cái gì kiểm toán phải làm. Bên cạnh đó, trong thực tế vấn đề nào còn vướng mắc thì hai bên thực hiện theo cơ chế phối hợp, trường hợp không giải quyết được thì báo cáo lên cấp cao hơn.

Ông Uông Chu Lưu cũng đồng tình với một số quan điểm đề nghị lấy kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua hàng năm làm chuẩn, các cơ quan khác căn cứ vào đó mà thực hiện để tránh chồng chéo.

Phản ánh thực tế các địa phương kêu nhiều về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị cần một “trọng tài” giải quyết khi phát sinh sự chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thảo luận, thông qua hàng năm bằng Nghị quyết là cơ sở rất quan trọng để các bên căn cứ vào đó mà thực hiện. Bởi trước khi trình Quốc hội, các cơ quan, trong đó có Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã có sự trao đổi.

Còn trong quá trình thực hiện có phát sinh thì hai bên cần theo quy chế phối hợp cũng như cần cơ quan có thẩm quyền điều hoà mà cụ thể là Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau mà cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chưa thống nhất được hướng tiếp thu thì trên cơ sở phiên họp này, hai cơ quan sẽ tiếp thu theo hướng: không mở rộng thêm hai nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước; quy định rõ một cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, điều phối nếu có sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán; giữ nguyên phạm vi hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Sau buổi làm việc này, giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh Dự luật và báo cáo tiếp thu giải trình để trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến vào Phiên họp thứ 37 tới đây

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện chức năng giám định tư pháp?