Có nên áp dụng chống bạo lực gia đình với người đã ly hôn không?

Nguyên Bình| 08/09/2022 17:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận sáng 8/9 về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

09.08-pho-chu-tich-thuong-truc-quoc-hoi-tran-thanh-man-2.jpg

Trên tinh thần quán triệt trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về 6 vấn đề nêu trong phần gợi ý thảo luận của báo cáo tiếp thu, chỉnh lý. Ngoài ra, các đại biểu có thể trao đổi về những nội dung khác đại biểu quan tâm.

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không hạn chế việc xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự với các vi phạm pháp luật xảy ra trong gia đình. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật mà xảy ra trong gia đình thì đều có thể xử lý hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật có liên quan.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đưa ra các biện pháp đặc thù để xử lý hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu phân tích cùng một hành vi gây thương tích cho người trong gia đình nhưng nếu vô ý gây thương tích thì không thể cách ly họ, mà chỉ cần giáo dục, thuyết phục... để xử lý vấn đề, vì mục tiêu chính là bảo vệ gia đình. Do đó, các giải pháp được đặt ra trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng như vậy.

Liên quan đến đối tượng ly hôn bị bạo lực gia đình, câu chuyện xảy ra là áp dụng các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Tại khoản 2 Điều 3 nêu rõ, hành vi bạo lực quy định cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, quan hệ sau ly hôn rất phức tạp và là quan hệ đặc biệt. Nếu trường hợp đối tượng vẫn tiếp tục đe dọa, hành hạ người đã ly hôn rồi thì có thể áp dụng biện pháp cách ly, lệnh cấm tiếp xúc. Đây là các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, chúng ta đều thấy bạo lực gia đình xảy ra sau ly hôn. Vì vậy, dự thảo Luật không chỉ có biện pháp cấm tiếp xúc mà còn có biện pháp hỗ trợ nạn nhận bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum lại cho rằng không nên quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn.

z3705014218535_ca81f497d9ec92fc029b7c84016de280.jpg
Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Theo đại biểu, để đảm bảo thống nhất với Luật Hôn nhân và gia đình, không nên quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn, trường hợp cần thiết áp dụng với người đã ly hôn để đảm bảo phòng ngừa, xử lý vi phạm, tội phạm thì nên rà soát, xem xét, lựa chọn để quy định một số hành vi bạo lực được quy định tại khoản 1 Điều 3 để áp dụng với người đã ly hôn, thay vì áp dụng tất cả các hành vi này.

Về vấn đề trợ giúp pháp lý, Điểm d, khoản 1, Điều 9 quy định: Người bị bạo lực gia đình có các quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa rõ ràng, tường minh, không thống nhất với Luật Trợ giúp pháp lý. Đại biểu cho rằng cần quy định: Người bị bạo lực gia đình có các quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đại biểu, quy định như vậy cũng phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 30 của dự thảo Luật: “Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nội dung về tổ chức thực hiện tư vấn và trợ giúp pháp lý.

Theo đó, tại khoản 1 của Điều 30 tư vấn, trợ giúp pháp lý về bạo lực gia đình, trong đó điểm a, người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Điều 38 của dự thảo luật có ghi: Cơ sở trợ giúp xã hội và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Khoản 2 quy định Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho người bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Nội dung này chưa phù hợp với Luật trợ giúp pháp lý. Tại Điều 27 của Luật trợ giúp pháp lý quy định rất rõ các dịch vụ được cung cấp đó là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Tuy nhiên, tại Điểm a, khoản 1, Điều 30 dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang quy định là người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ dịch vụ tư vấn. Đây là một trong những hoạt động và nội dung quyền trợ giúp pháp lý. Vì vậy cần bỏ cụm từ hỗ trợ dịch vụ tư vấn, chỉ quy định “người bị bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý theo Luật trợ giúp pháp lý” là phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên áp dụng chống bạo lực gia đình với người đã ly hôn không?