Quy kết kiểu này dễ khập khiễng lắm nhưng không hiểu sao có những liên tưởng giữa lòng tham của con người, nhất là của quan chức trước sự cám dỗ của nhà cửa, đất đai.
Biệt thự của quan chức càng to thì đầu óc họ càng nhỏ hẹp vì có một chữ Tham quá lớn choán hết chỗ.
Suốt năm 2014 , nói đến quan chức là người ta nói đến biệt thự, gần đây là chuyện ông Trần Văn Truyền ở Bến Tre, tài sản khủng của ông Chủ tịch Bình Phước Lê Thanh Cung và biệt thự trang trại quá sang trọng của cựu Chủ tịch Hà Giang Nguyễn Trường Tô và biệt thự lấn chiếm đất công của ông Hà Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa mới nghỉ hưu.
Với ông cựu Tổng Thanh tra Chính phủ thì coi như xong khi đã hứa trả lại nhà đất, đã bị kiểm điểm và sẵn sàng nhận kỷ luật. Nhưng còn khu biệt thự khủng 16.000 mét vuông ở Bến Tre thì được “phân cấp” cho con trai, đại úy cảnh sát giao thông giải trình thì có vẻ hợp lệ, hợp pháp. Không ai nói ra nhưng người dân đều biết ông này quá tham lam. Ông không phải bộ đội mà vẫn nhận đất của quân khu, đã có biệt thự ở Sài Gòn nhưng vẫn năn nỉ với chính quyền TP HCM để xin thuê nhà cho “tiện công tác(?)” nhưng xin đề tên con. Ông đã tính trước việc sẽ xin hóa giá.
Một biệt thự xây trước năm 1954 ở Hà Nội
Mấy ngày đầu tháng 12 này, chuyện biệt thự lại sôi lên sùng sục với 312 biệt thự nhà nước ở Hà Nội có nguy cơ bốc hơi thành nhà riêng. Và chuyện ngôi biệt thự công 12 Nguyễn Chế Nghĩa chưa thu hồi được sau 8 năm ra nghị quyết.
Phiên họp HĐND thành phố Hà Nội “nóng” lên vì việc biệt thự công bị lấn chiếm, biến thành nhà tư nhân. Chuyện “dụng công vi tư” hàng loạt biệt thự ở Hà Nội được liên hệ với việc sau 8 năm, ông Hoàng Văn Nghiên không trả căn biệt thự thuê để ở với giá không đến 500.000 đồng một tháng khi còn là Chủ tịch UBND thành phố. Người dân ở phố này cho biết, ông không ở đây mà cho con trai ở. Ông cố ý giữ lại để mặc cả đòi chỗ ở khác.
Chuyện thu hồi biệt thự của cựu quan chức khiến lãnh đạo thành phố lúng túng. Vậy ông Nghiên muốn gì? Thì ra ngày 22/7/2013, Sở Xây dựng nhận được đề xuất mới của cựu Chủ tịch thành phố. Theo đó, ông Nghiên đề nghị thành phố mua đất xây một biệt thự tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) để ông thuê…
Thế nhưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phạm Sĩ Liêm lại khẳng định rằng cựu Chủ tịch UBND thành phố không có tiêu chuẩn và đặc quyền để đòi hỏi quá mức như vậy!
Giới bất động sản định giá căn biệt thự công này có giá 100 tỉ đồng, tức là khoảng 5 triệu USD. Nếu ông được hưởng tòa biệt thự này thì tính mỗi năm tại vị ông “thu nhập” 10 tỉ đồng… Chỉ tính riêng khoản này, “lương” ông Nghiên khoảng 500 ngàn USD/năm, hơn lương của Tổng thống Obama và ăn đứt Tổng thống Putin. Nhưng mà thôi, không tính cua trong lỗ khiến ông càng không muốn trả nhà.
Còn ông Hà Hòa Binh trên Vĩnh Yên cũng có biệt thự lớn lắm. Mảnh đất này được đăng ký sổ đỏ cho ông, em ông và con ông nhưng chỉ có mỗi mình nhà ông.
Cuối cùng thì ông Truyền phải trả nhà trả đất và uy tín xem chừng khó bề gìn giữ sau cú kỷ luật, ông Nghiên phải trả biệt thự để cò cưa xin thuê biệt thự mới cứng sẽ xây ở Ciputra và ông Binh bị cưỡng chế thu hồi 400 mét đất công trót chiếm… Xem ra, không tham được đâu dù chữ THAM to đến mấy!