Có hơn 500 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự ở một số địa phương

Mai Thoa| 18/08/2021 18:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 18/8, UBTVQH đã thảo luận về Báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Hơn 500 vụ việc có tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự

Báo cáo UBTVQH, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cho biết, từ đầu năm đến nay, đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước tương đối ổn định và có giảm so với cùng kỳ năm trước.

202108181524182282_18.8ubtvqh-3-.jpg
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp.

Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số đoàn đông người và công dân của một số địa phương tập trung tại khu vực trung tâm TP Hà Nội, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở các cơ quan Trung ương… căng băng rôn, khẩu hiệu gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo Báo cáo 06 tháng đầu năm của Thanh tra Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận 161.215 đơn của công dân, trong đó có 20.451 đơn khiếu nại (giảm 25.9%), 8.592 đơn tố cáo (giảm 38,1). Kết quả giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân, tổ chức 33,53 tỷ đồng, hơn 20 ha đất; trả lại quyền lợi cho 07 tổ chức và 288 các nhân, kiến nghị xử lý hành chính 233 người, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 04 vụ việc.

Theo báo cáo của Bộ Công an, có 501 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội ở một số địa phương do Công an các tỉnh thống kê.

Trong số đó có vụ việc đang được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xem xét, giải quyết hoặc rà soát theo quy định; có vụ việc đã được các cơ quan Trung ương nhiều lần rà soát nhưng công dân vẫn tiếp khiếu; có vụ việc tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội ở địa phương, các cơ quan hành chính nhà nước chưa ban hành Quyết định hành chính nên chưa phát sinh khiếu nại, tố cáo...

Trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và xử lý 1.381 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến, qua phân loại có 271 đơn đủ điều kiện. Nội dung đơn thư, các khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án; đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ cấp cơ sở có tiêu cực, vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Kiến nghị, phản ánh tập trung nhiều về vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề ở một số địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phát triển kinh tế xã hội được triển khai xây dựng; về chính sách ưu đãi đối với người có công, người hưởng chế độ chất độc hóa học; về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng là người lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp ổn định của các tỉnh hiện đang mắc kẹt tại Hà Nội, TP HCM do các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội cần sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức...

Ban Dân nguyện kiến nghị UBTVQH đề nghị với Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC báo cáo về tình hình, kết quả rà soát, giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp giải quyết dứt điểm.

Đồng thời, đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan của QH, Đoàn đại biểu QH, đại biểu QH tăng cường hơn nữa công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm; sớm gửi Ban Dân nguyện Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo để tổng hợp báo cáo UBTVQH tại Phiên họp tháng 10 tới đây.

Giám sát và báo cáo kết quả giải quyết

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chức năng của QH là giám sát Chính phủ, các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

202108181050193361_18.8-ubtvqh-4-.jpg

Tới đây, UBTVQH cũng tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Về hơn 500 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự địa phương mà Bộ Công an báo cáo, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, trong số này, có 73-75% vụ việc liên quan đất đai, tài nguyên môi trường. Nhiều vụ việc nổi cộm, có tổ chức, có người đứng đầu, có luật sư tham gia.

Dẫn từ thực tế khi nhận nhiệm vụ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ngay tháng đầu tiên, nhận hơn 600 đơn thư, ông cho biết, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có những việc để kéo dài.

Nhiều việc cơ quan chức năng trả lời là giải quyết rồi, không có chức năng giải quyết nữa. Nhưng ông vẫn chỉ đạo, trước giải quyết rồi, thấu tình đạt lý rồi, nhưng giờ có tình tiết mới thì giải quyết tiếp, đảm bảo quyền lợi công dân; yêu cầu đích thân bí thư, chủ tịch quận đứng ra giải quyết thì giải quyết nhanh nên việc trôi rất nhanh, Chủ tịch QH cho biết.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tới đây không chỉ giám sát tình hình chung mà cần quan tâm cả việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, nổi cộm, báo cáo Quốc hội; giám sát phải có thống kê, kiểm đếm vụ việc rõ ràng.

Báo cáo cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, do dịch bệnh, tránh tập trung đông người, chứ chưa chắc do đã làm tốt, giải quyết tốt. Bộ Chính trị đã có quy định, pháp luật cũng quy định đầy đủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bây giờ giám sát để tạo chuyển biến rõ rệt. Vậy nên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC báo cáo tình hình kết quả rà soát giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài và trên phạm vi toàn quốc để có biện pháp giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có hơn 500 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự ở một số địa phương