Nước ta là một trong số quốc gia được hưởng thụ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Người ta tính toán rằng, trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2.
Tại Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng hàng năm từ 2.000-2.600 giờ. Bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm. Tuy vậy, đến năm 2014 mới có 1 dự án điện mặt trời được hòa lưới đầu tiên ở Côn Đảo có công suất nhỏ bé với điện lượng khoảng 50MWh.
Đến nay, nước ta có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20MW đến trên 300MW tại miền Trung. Vì sao điện mặt trời chậm phát triển? Các chuyên gia cho rằng có vấn đề về cơ chế chinh sách.
Bởi vậy, mới đây, để tháo gỡ vướng mắc trong phát triển điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời. Đây là chỉ đạo quan trọng đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ về phát triển nguồn năng lượng sạch ở nước ta, nơi được coi là có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời.
Quyết định số 11 có nhiều nội dung nhưng có một chỉ đạo định hướng quan trọng là tiêu thụ năng lượng điện mặt trời phải khắc phục những bất cập từng xảy ra với thủy điện. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm phải mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời hòa lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh).
Giá mua điện này được xem là khá cao, vì giá bán điện bình quân của EVN hiện nay chỉ 1.622 đồng/kWh. Suốt một thời gian dài, chưa có cơ chế tiêu thụ và nhất là giá mua điện mặt trời khiến nhiều nhà đầu tư còn e ngại khi đầu tư các dự án điện mặt trời. Ai cũng biết hiện nay tỷ suất đầu tư cho điện mặt trời khá cao, thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài và khó có lãi nếu giá điện mặt trời dưới mức 10 cent/kWh.
Thế nhưng để thu hút đầu tư vào các dự án điện mặt trời, tiêu thụ điện chỉ là một yếu tố. Nhà đầu tư quan tâm đến cơ chế phát triển điện mặt trời. Quyết định 11 có quy định các dự án điện mặt trời được hưởng một số chính sách hỗ trợ khuyến khích khác. Đó là ưu đãi về vốn, về đất đai, về thuế nhập khẩu thiết bị, thuế thu nhập doanh nghiệp… Đây được coi là một trong những nguồn hy vọng lớn của các nhà đầu tư khai thác nguồn năng lượng mặt trời trong tương lai.
Có thông tin một Tập đoàn tư nhân là Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho dự án điện mặt trời, nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng đang ngày một tăng cao. Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong chiến lược phát triển quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng.
Hy vọng với cú hích của TTC, sẽ có thêm các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào điện mặt trời, lĩnh vực có dư địa lớn lại có thêm cơ chế chính sách mới và sẽ có cơ hội phát triển mới.