Cô giáo 24 năm miệt mài “gieo” chữ nơi miền sơn cước

Ngô Chuyên| 11/02/2021 06:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gió thổi về từ đại ngàn luồn qua những khe hở của lớp học làm bằng tre, nứa lá khiến cả cô, trò lạnh buốt...Đã 24 năm trôi qua kể từ khi gắn bó với ngôi trường Tiểu học xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, cô giáo Hà Thị Bích vẫn nhớ như in những ngày đầu “chân ướt, chân ráo” lên vùng đất heo hút gió mây này.

52.-co-giao-25-nam-gieo-chu-noi-mien-son-cuoc.jpg
Lớp học đặc biệt của cô giáo Bích.

Gửi lại thanh xuân

“Đường sá lúc bấy giờ chưa có, chỉ là những lối mòn meo theo núi. Sau một ngày đi bộ từ thị trấn Đình Lập đến trường, tôi phải đi bộ thêm gần 4 giờ đồng hồ nữa mới đến điểm trường mình dạy. Lúc đó tôi không tưởng tượng được nơi mình công tác nó khó khăn như thế này”, cô Bích nhớ cái ngày đầu lên xã Đồng Thắng, nhận công tác.

Sau 24 năm miệt mài “cõng chữ” lên các điểm trường, xây dựng bao ước mơ cho con trẻ, ngôi trường nhỏ nằm tựa bên lưng núi ngày ấy giờ đây đã đầy ắp tiếng ê a và cả những nụ cười trong trẻo của lũ trẻ. Để có được niềm vui ấy, không chỉ nhờ nỗ lực vượt khó của cô giáo trẻ Hà Thị Bích, mà còn cả sự đồng lòng, khát khao hiểu biết của người dân nơi đây. Từ những lớp học theo Chương trình 120 (chương trình dành cho học sinh người vùng sâu, vùng xa), với một lớp học 100% học sinh là người dân tộc Dao, đủ mọi lứa tuổi, nhỏ nhất là 6 tuổi và đứa lớn nhất là 16 - 17 tuổi khiến cô Hà bối rối.

“Ban đầu, gần như các em giao tiếp với mình bằng tiếng dân tộc Dao. Để hiểu được các em nói gì mình phải học tiếng dân tộc, học văn hóa nơi đây. Điều may mắn là lớp học của mình lúc đó có nhiều em lớn tuổi, câu nào mình không hiểu lại nhờ các bạn ấy “phiên dịch” và dạy mình cách nói để truyền đạt cho các em nhỏ hiểu hơn”, cô Bích kể.

Cô Bích tâm sự, mình rất may mắn khi được học sinh yêu thương, đồng bào đùm bọc, mới có thể trụ vững trước những khó khăn chồng chất như thế. Trước niềm đam mê nhiệt tình, ham học hỏi của học trò, mọi vất vả của cuộc sống đã không thể làm cô nản chí. “Bạn lớn tuổi biết hơn lại dạy cho các em nhỏ, cứ thế bảo ban nhau học hành. Đó là động lực rất lớn cho giáo viên. Cùng với đó, khi hiểu ngôn ngữ của các em, việc giao tiếp, chia sẻ và thấu hiểu trở nên dễ dàng hơn”, cô Bích chia sẻ.

Ngoài thời gian dạy học, cô trò còn chia sẻ cho nhau những câu chuyện cuộc sống. Học trò của cô Bích say mê những câu chuyện cô kể về giá trị của tri thức, của cái chữ. “Nơi đây, cuộc sống bao quanh là núi rừng, đường sá đi lại khó khăn bởi vậy cơ hội để các em được tiếp xúc với văn hóa bên ngoài rất ít nên thầy cô chính là cầu nối. Đặc biệt hơn, nếu các em biết chữ thì cầu nối với thế giới tươi đẹp bên ngoài còn rộng lớn hơn nữa”, cô Bích giãi bày.

Cô Vũ Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đồng Thắng cho biết: “Nhiều hôm cô Bích giảng bài mà không quan tâm đến thời gian, chỉ nghĩ làm sao cho học sinh hiểu bài là được. Khi học sinh không hiểu bài, cô luôn tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Nếu là do cách truyền tải của mình chưa tốt thì cô Bích sẽ điều chỉnh, còn nếu do khả năng tiếp nhận của học sinh, cô sẽ giành thời gian để kèm cặp thêm”.

“Còn với đồng nghiệp trẻ, cô Bích luôn động viên, chia sẻ những phương pháp dạy sao cho hiệu quả, tiếp thêm động lực cho những giáo viên cắm bản”, cô Minh chia sẻ thêm.

Những cống hiến thầm lặng

Cô Bích cho biết, ngày đầu mới về Đồng Thắng, do địa hình đi lại khó khăn, hiểm trở nên mỗi năm cô Bích chỉ về thăm nhà vào dịp nghỉ Tết và nghỉ hè. Mọi liên lạc với gia đình đều qua thư. Tuy nhiên, ở vùng núi heo hút, chữ còn ít người biết thì lấy đâu ra người đưa thư. Do đó, mỗi khi có việc khẩn cấp, muốn gửi thư ra ngoài phải nhờ người dân chuyền tay nhau đưa ra.

“Cầm tháng lương đầu tiên là 180.000 đồng, tôi đã rơi nước mắt. Nếu không có gia đình hỗ trợ, thì tôi không thể xoay sở đủ sống với số tiền ấy”, cô Bích kể. Nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, tình cảm của học trò khiến cô cảm động. “Những lần tôi ốm, không có người thân bên cạnh, học sinh chính là những người thân của mình. Biết cô ốm, không thể vào rừng lấy củi, các em lên rừng kiếm củi để về cho tôi nấu cơm. Cầm bó củi trên tay, tôi chỉ biết rơi nước mắt”.

Cô Bích nghĩ, nếu cô giáo trẻ nào lên đây gặp chút khó khăn cũng bỏ về thì ai sẽ dạy lũ trẻ. Các em có quyền được đến trường, cần được biết chữ. Rồi cô tự động viên bản thân rằng, dân bản cơm không đủ no, cuộc sống muôn vàn khó khăn như thế mà họ vẫn vui vẻ bám trụ lại mảnh đất này thì sao mình không thể khắc phục được.

Năm tháng trôi qua, mảnh đất này đã trở thành một phần máu thịt, đã hóa tâm hồn của cô lúc nào không hay. Cô Bích kết duyên với một chàng trai người dân tộc Dao. Chính người bạn đời ấy đã đồng hành cùng cô vượt qua những con đường mưa trơn trượt, những con suối sâu để đến các điểm trường hun hút trong núi và vận động học sinh đến trường.

Khi hỏi về nguyện vọng của mình, cô Bích chỉ mong muốn có một ngôi trường khang trang hơn, rộng rãi hơn để các con có điều kiện học hành tốt hơn. Các con không còn phải học nhờ nhà văn hóa của thôn. “Mong các con đang ngày đêm băng rừng đến trường học hành thành tài, trở về xây dựng quê hương là tôi mừng rồi”, cô Bích nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo 24 năm miệt mài “gieo” chữ nơi miền sơn cước