Thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Hà Nội, ĐBQH cho rằng, những cơ chế chính sách đặc thù này mới chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, không phải cho Thủ đô, mà chỉ cho một thành phố 10 triệu dân đang cần phát triển.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 09/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.
Xin cơ chế, chính sách để tăng thu thì cần phải xem lại
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội nhằm tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển mạnh hơn như: thêm danh mục thuế, lệ phí ngoài luật phí và lệ phí đã có; tăng mức, tỷ lệ thu phí, lệ phí ngoài quy định của luật; khi thu phí tăng lên thì thành phố được 100% phí tăng thêm; HĐND thành phố được quyền quyết định các loại phí, lệ phí… Mục đích của việc trao các cơ chế, chính sách đặc thù này là nhằm tăng nguồn lực đầu tư phát triển cho Hà Nội.
Tuy nhiên, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cũng lưu ý, nhân dân phải được tham gia vào quá trình này. Nhà nước muốn làm gì thì nhân dân phải được hỏi ý kiến. Với những cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp như thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí… thì cần hỏi ý kiến người dân.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) chỉ ra một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết cần được làm rõ thêm. Đơn cử như nội dung về quản lý thu ngân sách, cho phép Hà Nội thu một số khoản phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Trong khi đó, việc thu phí, lệ phí liên quan đến người dân, tác động đến người dân như thế nào, ý kiến của người dân ra sao… lại chưa được làm rõ.
Đại biểu Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên) nêu ý kiến
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cũng cho biết, đối với cơ chế tăng tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, nội dung này sẽ làm tăng nguồn thu cho ngân sách cho nhà nước nhưng chúng ta lại đang làm ngược, đi ngược lại kế sách lấy khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc. “Hà Nội đang có điều kiện, nếu các đồng chí xin là có cơ chế, chính sách để chi cho đầu tư, phát triển thì tôi đồng tình; còn nếu xin cơ chế, chính sách để tăng thu thì cần phải xem lại”, đại biểu kiến nghị.
Về việc ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, một số đâị biểu chỉ rõ, thực tế cho thấy việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì vậy, để quy định này có tính khả thi, đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố cần chủ động có Đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn Thành phố, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Đình Toản, (đoàn Hưng Yên) và một số đại biểu cũng đề nghị, song song với thực hiện cơ chế đặc thù, thành phố cần có các giải pháp tổng thể để phát triển bền vững, khắc phục được tình trạng đô thị quá tải khi quy hoạch các trung tâm thương mại, tổ hợp khu chung cư cao tầng.
Hà Nội cần những cơ chế đặc thù mang tính đột phát thực sự
Ở góc độ khác, thực trạng nhức nhối về giao thông, môi trường tại Hà Nội khiến nhiều đại biểu mong muốn cần chính sách đột phá cho sự phát triển của Thủ đô xứng tầm với nguyện vọng và mong muốn của nhân dân.
Quang cảnh thảo luận tổ của đoàn ĐBQH Hà Nội sáng ngày 9/6
Các đại biểu đoàn Hà Nội có những chia sẻ của "người trong cuộc". Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đồng tình với việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội là điều cần thiết để phát triển thành phố.
Đại biểu đề nghị: “Hà Nội cần có đề xuất cởi mở, đột phá hơn cho thủ đô phát triển như nguyện vọng của cử tri và nhân dân và phải xứng tầm. Chứ không phải mỗi lần lại đi xin nhỏ giọt thì bao giờ mới thay đổi được”.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, khi có cơ chế đặc thù thì cần có trách nhiệm quản lý đồng tiền của nhân dân, nhà nước một cách có hiệu quả. Mặt khác có cơ chế đặc thù để nội thành phát triển nhưng các vùng ngoại thành cũng phải được phát triển tương xứng.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng nêu vấn đề thực tế nhiều địa phương phải xin cơ chế đặc thù như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để phát triển.
Mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau, cũng mong muốn được phát triển nhưng về hành chính công và dịch vụ công không tìm được lối ra, loay hoay như một chiếc áo chật. Do vậy, cần một bước đột phá về hành chính công, dịch vụ công để tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, “trăm hoa đua nở”, khai phóng được nguồn lực.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, đối chiếu với nội dung quy định dự thảo Nghị quyết thì thấy còn thiếu những quy định mang tính đột phá thực sự. Còn thiếu những cơ chế, chính sách đặc thù về thuế…
Về cơ chế cho phép Hà Nội được thí điểm thu thêm phí, tăng phí, đại biểu Mai cũng cho rằng, cơ chế đặc thù này là cần thiết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh thì chưa nên áp dụng ngay việc này mà cần có lộ trình cụ thể, phù hợp.
Nhất trí với ý kiến của đại biểu Cường và đại biểu Mai, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) bày tỏ suy nghĩ của người đã có thời gian gắn bó với Luật Thủ đô, đại biểu cho biết, Luật Thủ đô đã 2 lần được trình để thông qua và lần thông qua được và sau này hiện hữu là Luật Thủ đô thì đã co lại, những gì được cho là chính sách đột phá bị "vo tròn thành cái chung", hoặc không còn hiện hữu trong đó nữa.
Theo đại biểu, đánh giá lại những phát huy của Luật Thủ đô để giúp cho Thủ đô phát triển là rất hạn hẹp.
Cho biết Luật lần đầu tiên không được Quốc hội thông qua với nhiều ý kiến. Lần sau thì bằng cách nào đó vẫn phải co lại, dùng hình ảnh như “chim bị cánh cong”, đại biểu Thường đề cập đến cơ chế chính sách đưa ra như đôi cách, đáng nhẽ ra nó như một đôi cánh về cơ chế chính sách, tài khóa để Thủ đô phát triển, nó song hành với chính quyền đô thị, thì chúng ta lại tách ra và đến kỳ này mới đưa ra được.
“Việc đến kỳ họp này mới đề nghị Quốc hội cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội đã là chậm, cũng là do chúng ta thận trọng”, đại biểu Thường nói.
Thực tế trước Hà Nội, TP.HCM đã được Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng (Nghị quyết số 54) về cơ chế chính sách tài khóa đặc thù cho TP.HCM. Đại biểu Thường cho rằng, những cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù mà Hà Nội đề xuất lần này, so với cơ chế đặc thù mà TP.HCM đã có tại nghị quyết 54 là không mới, thậm chí còn bó gọn hơn, không toàn diện, đầy đủ bằng, nó đơn lẻ thiếu cái tổng thể.
Nhìn nhận Nghị quyết hiện tại có thể "dễ được thông qua", nhưng đại biểu Thường cũng thẳng thắn: “Tôi cho rằng những cơ chế chính sách đặc thù này mới chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, không phải cho Thủ đô mà chỉ cho một thành phố 10 triệu dân đang rất cần phát triển... Còn vấn đề sau này, Luật Thủ đô cần phải có những đột phá thực sự để Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô.
Cùng ở góc độ này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, Hà Nội là thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là cửa ngõ giao lưu của Việt Nam với quốc tế nên cần được đầu tư để phát triển xứng tầm.
“Đối chiếu với Luật Thủ đô năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước 2015 hay các cơ chế đặc thù theo nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho TP.HCM thì các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách dành cho Hà Nội mà Chính phủ trình Quốc hội lần này là hoàn toàn có thể thực hiện được”, đại biểu Ngân nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, Chính phủ trình Quốc hội một số cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội là cần thiết. Tuy nhiên, việc đầu tư đối với Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của thành phố, mà còn cần được đầu tư từ ngân sách Trung ương, sự phối hợp đầu tư của các bộ ngành để cùng phát triển thủ đô xứng tầm.