Công tác cán bộ là nhằm chọn ra những người ưu tú, vượt trội, vừa có năng lực chuyên môn, vừa có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức. Tuy nhiên, tham nhũng trong lĩnh vực này đã làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng.
Nạn chạy chức chạy quyền dẫn đến hàng loạt hệ lụy: Đối với công việc, cán bộ lên chức nhờ chạy chọt vốn không đủ năng lực, trình độ đảm đương công việc nên hiệu quả công tác thấp, thậm chí mắc sai lầm; dễ sa vào lộng quyền, lạm quyền, nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong thực thi công vụ…. Nạn chạy chức chạy quyền làm mất sức chiến đấu của đảng viên và suy yếu tổ chức đảng. Một khi đảng viên có tâm lý "dĩ hòa vi quý", ngại va chạm, nể nang, né tránh thì tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ chỉ còn mang tính hình thức.
Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, “chạy chức, chạy quyền” chính là tham nhũng. Để giảm tham nhũng, phải làm cho cán bộ không dám tham nhũng vì sợ bị trừng trị; không thể tham nhũng vì quy định của pháp luật chặt chẽ, không có chỗ hở để lợi dụng, và không cần tham nhũng vì thu nhập đầy đủ, danh dự lớn lao không thể đánh đổi. Để ngăn chặn tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, bịt kín các lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, phải hướng đến mục tiêu 4 “không” gồm: Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy.
Để chống "chạy chức, chạy quyền" trong thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác giáo dục, cần có giải pháp đánh giá cán bộ cho thực chất. Đặc biệt, cần tiếp tục quyết liệt xử lý, thay thế các bộ có những biểu hiện không lành mạnh, năng lực, uy tín giảm sút. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tham nhũng trong công tác cán bộ làm băng hoại đạo đức xã hội, kỷ luật, kỷ cương và luật pháp... Hoàn thiện quy chế bảo vệ chính trị nội bộ trong từng cơ quan, phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Khi có dư luận không tốt về cán bộ, đảng viên, cần nhanh chóng thẩm tra, kết luận nhằm bảo vệ sự trong sạch cho cán bộ, đồng thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng cơ hội chính trị.
Bên cạnh đó, sửa đổi cơ chế, chính sách, chấm dứt các đặc quyền, đặc lợi - môi trường dung dưỡng cho chạy chức, chạy quyền - thông qua tiền lương hóa mọi chế độ, chính sách đãi ngộ. Xây dựng một hệ thống thể chế, cơ chế đột phá vào những khâu còn tạo lỗ hổng cho "chạy chức, chạy quyền". Công khai, minh bạch các khâu, các hoạt động của công tác tổ chức và cán bộ, xóa bỏ quan niệm xem công tác cán bộ là bí mật, nhạy cảm, tạo điều kiện cho giám sát công tác cán bộ. Xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, của tập thể cấp ủy, của người giới thiệu, của cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức - cán bộ đối với các trường hợp được bổ nhiệm, luân chuyển, điều động.
Cần có quy định cụ thể trách nhiệm từng cá nhân và tập thể trong đánh giá cán bộ (gồm cả đánh giá cán bộ cấp trên và cấp dưới). Cụ thể hóa các quy định, như quy định về cấm các hành vi đưa và nhận hối lộ trong mọi khâu của công tác cán bộ; quy định chế độ hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ; quy định về xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm hoặc tiếp tay cho sai phạm, đặc biệt là cán bộ cấp cao theo tinh thần không có "vùng cấm". Thường xuyên thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan dân cử, của xã hội, của báo chí đối với công tác cán bộ, đấu tranh hiệu quả với nạn "chạy chức, chạy quyền".