Cơ cấu lại nền kinh tế phải giải quyết được mâu thuẫn nội tại

Mai Thoa| 30/10/2021 13:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đa số ý kiến cho rằng việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

202110300850077915_dai-bieu-sang-30-10-2-.jpg

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không cần thiết đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một Kế hoạch riêng vì khá nhiều nội dung của Kế hoạch trùng lặp với nội dung đã được nêu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công 5 năm 2021 - 2025.

Về nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại kế hoạch trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng.

Tập trung tháo gỡ nút thắt nền kinh tế

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đào Hồng Vận- tỉnh Hưng Yên cho rằng, 10 năm qua, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả như vừa qua. Nền kinh tế phát triển ổn định, có tốc độ phát triển cao, đời sống nhân dân được nâng lên một cách rõ rệt.

Theo đại biểu, trước biến động của nền kinh tế thế giới, tình hình dịch bệnh, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để ổn định quan trọng nhất chúng ta phải nâng cao nội lực nền kinh tế, phát huy khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước. Đồng thời, nâng cao vai trò điều tiết của nhà nước bằng các công cụ chính sách.

Về vấn đề quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành cần phải được triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo, quy hoạch nọ "đọ" quy hoạch kia. Với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch. Quy hoạch xong thì nhiều vùng, nhiều dự án đã triển khai. Đồng thời việc triển khai thực hiện quy hoạch phải được quản lý chặt chẽ.

202110300850077915_dao-hong-van-hung-yen-copy.jpg
Đại biểu tỉnh Hưng Yên Đào Hồng Vận phát biểu thảo luận.

ĐBQH Trần Hữu Hậu-Tây Ninh cho rằng, nên tập trung tháo gỡ "nút thắt" của nền kinh tế, của ngành, của địa phương mình, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, khả thi để khơi thông, tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững. Vì nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa những "nút thắt" thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc nhưng không giải tỏa được các điểm nghẽn.

Cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ việc xác định đâu là những nút thắt của mỗi ngành, mỗi địa phương; đồng thời, phải giải quyết được mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển.

Đưa ra nhận định này, đại biểu nêu ví dụ về ngành điện, hiện đang chứng kiến những mâu thuẫn lớn. Chỉ một thay đổi về chính sách, đất nước chúng ta từ chỗ luôn lo lắng về thiếu điện giờ đã dư điện. Những nơi đã phát điện lại phải cắt giảm công suất phát điện, lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực của xã hội…

Từ đó, đại biểu đề nghị, trong cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp thì sẽ tìm và tháo gỡ được những khó khăn nội tại.

Nền kinh tế đang thiếu đi trụ cột

Ở góc độ khác, đại biểu Đinh Ngọc Quý - Gia Lai cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã nêu toàn diện nhiều mặt, kể cả những hạn chế, yếu kém, thách thức và có nhiều chi tiết có so sánh đánh giá, nhận định xếp hạng các vấn đề lớn để thấy được chúng ta đang ở đâu.

Đại biểu nhận định, tái cơ cấu nền kinh tế cần phải quan tâm hơn nữa đến thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề của người lao động để không chỉ đồng hành mà phải chủ động hơn với các thị trường khác thì mới đạt hiệu quả thực chất. Hiện nay, quản trị thị trường lao động như thế nào, nhất là qua đại dịch vừa qua, chúng ta cần đưa ra những vấn đề gì, rút kinh nghiệm gì để bổ sung vào kế hoạch nhằm định hướng thị trường lao động chủ động hơn, ứng phó với những tác động khác của thị trường trong tương lai.

Tại đầu cầu TPHCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá rất cao báo cáo chi tiết của Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

202110301040470937_tran-hoang-ngan-hcm-copy.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó không để kinh tế vĩ mô bất ổn, kiến nghị Chính phủ bình ổn giá xăng dầu, việc giải ngân đầu tư công cũng cần tập trung xử lý. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chi tiền cho đội phản ứng nhanh để giúp các tỉnh giải ngân đầu tư công, cũng như sớm hoàn thiện cơ chế hoàn thiện liên kết vùng cho hiệu quả, cần làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của các đơn vị tham gia liên kết vùng.

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường- Hà Nội khẳng định, trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết phải cơ cấu lại vì phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối.

Đại biểu cho rằng, hiện nền kinh tế đang thiếu những trụ cột để phát triển tự chủ và bền vững. Với mục tiêu đặt ra Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, cần thiết phải có các tập đoàn mạnh không chỉ trong nước mà còn khu vực, quốc tế. Tuy nhiên, đến nay hầu như chưa có trụ cột này, vì vậy chúng ta phải hình thành cơ chế để có những doanh nghiệp ở thế chủ động. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch cũng khiến chúng ta phải cơ cấu lại và cần thiết phải có cơ chế đột phá chứ không phải những biện pháp thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ cấu lại nền kinh tế phải giải quyết được mâu thuẫn nội tại