Cần quy định chặt chẽ, tránh rủi ro pháp lý và trục lợi bảo hiểm đối với người dân

Nguyên Bình| 29/10/2021 19:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

Có nhiều nội dung quan trọng đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định chặt chẽ vào dự thảo luật, để tránh tình trạng người dân bị trục lợi bảo hiểm.

202110281249016742_toan-canh-bt-pham-thi-thanh-tra-2-.jpg

Hành lang pháp lý bảo hiểm vi mô

Thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật và cho rằng bảo hiểm vi mô là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện giúp người nghèo có thói quen tích lũy tài chính.

Các ý kiến cho rằng, bảo hiểm vi mô rất cần thiết, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế, mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội, nhưng hiện vẫn chưa có luật nào quy định về vấn đề này. Thực tế cho thấy việc thiếu hành lang pháp lý về bảo hiểm vi mô cũng là nguyên nhân khiến cho loại hình bảo hiểm này dù có thời gian dài thí điểm (10 năm) nhưng tỷ lệ người tham gia rất thấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Quảng Ninh tán thành việc bổ sung thêm chương về bảo hiểm vi mô, khẳng định đây là loại hình bảo hiểm rất cần thiết, có tính xã hội cao, hướng tới đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ định 2 điều về bảo hiểm vi mô là chưa đầy đủ, gây khó khăn vướng mắc khi triển khai trên thực tế.

Vì vậy cần phải bổ sung, cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô, quy định rõ khung pháp lý, tổ chức điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm, bổ sung các cơ cấu khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô.

Còn theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Bình Phước, việc triển khai bảo hiểm vi mô tại Việt Nam chưa thật sự phát triển do bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận, chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm bảo hiểm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam cũng chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô.

202110291116181638_nguyen-thi-thu-ha-quang-ninh-1-copy.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà- Quảng Ninh phát biểu thảo luận.

Bên cạnh đó, việc dự thảo luật quy định tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập và hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình, nhưng về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ quy định tại dự thảo luật chưa chặt chẽ, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro. Trong khi đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông và nếu có rủi ro thì tác động rất lớn đến xã hội.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ và đánh giá tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này mang lại, đồng thời bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô và làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô với các bảo hiểm thông thường.

Lợi thế luôn ở doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm

Còn đại biểu Nguyễn Như So - Bắc Ninh thì đề nghị bổ sung cụ thể hóa các quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo, như quy định rõ khung pháp lý tổ chức điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm, bổ sung các cơ cấu khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) đề nghị những nội dung trọng yếu trong dự thảo như là về tiêu chí, điều kiện của doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức tương hỗ, việc quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ hay quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ cần phải được quy định trong luật thay vì giao cho Chính phủ quy định như dự thảo.

Quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chưa chặt chẽ, dễ rủi ro với người mua

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà -Tuyên Quang nhận định, qua rà soát các nội dung, Dự thảo đã quy định, nhưng nội dung chưa được rõ ràng và chưa được chặt chẽ, chưa có điều khoản quy định cụ thể các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Trong khi đó, quy định như trong dự thảo ở Điều 38, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận nội dung mà không trả tiền bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm, là một quy định rất rủi ro cho người mua bảo hiểm vì Luật kinh doanh bảo hiểm là những kiến thức rất chuyên sâu, chuyên ngành không phải người mua bảo hiểm nào cũng có những kiến thức pháp lý để lường trước được những rủi ro để bảo vệ quyền lợi của mình.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà đề nghị nội dung này phải được quy định cụ thể hơn có thể tại một điều hoặc có dẫn chiếu đến các điều có quy định tại dự thảo và Luật Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, thì mới có thể thỏa thuận với người mua bảo hiểm đối với những nội dung mà luật quy định.

202110290912004541_nguyen_viet_ha_-_tuyen_quang_copy.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà- Tuyên Quang phát biểu thảo luận.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà -Quảng Ninh đánh giá: Đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tương thích đối với thị trường kinh doanh bảo hiểm quốc tế, nhất là thị trường bảo hiểm Việt Nam, 100% doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 19/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài.

Về hợp đồng bảo hiểm, các đại biểu cho rằng, bản chất đây là sự thỏa thuận của các bên, tuy nhiên, tùy tính chất, mức độ ảnh hưởng, đặc điểm của mỗi loại hợp đồng có khung pháp lý điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, hợp đồng Bảo hiểm có tính chất đặc trưng của quan hệ dân sự, là sự thỏa thuận ký kết thương lượng giữa bên bán và bên mua. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong hợp đồng bảo hiểm, lợi thế thường thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm - bên bán chủ động, nắm chắc các quy định của pháp luật.

Còn bên mua (là khách hàng cá nhân chiếm số lượng lớn) thường thụ động trong tìm hiểu đầy đủ nội dung các điều khoản, thường rơi vào yếu thế khi thực hiện hợp đồng. Vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn cơ chế bảo vệ người được bảo hiểm.

Đại biểu cũng nêu thực tế thời gian qua, đã xảy ra các vụ trục lợi, gian lận bảo hiểm với quy mô, số tiền trục lợi ngày càng lớn, tính chất ngày càng tinh vi phức tạp, tình trạng trục lợi xảy ra ở hầu hết các công đoạn trong chu trình bảo hiểm từ khai thác, giao kết hợp đồng, giám định, khiếu nại bồi thường và giải quyết bồi thường.

Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giải thích với bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, các điều khoản loại trừ trách nhiệm và quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quy định chặt chẽ, tránh rủi ro pháp lý và trục lợi bảo hiểm đối với người dân