Có cần “siêu Sở”?

Bảo Dân| 30/03/2017 06:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lãnh đạo Quốc hội đang có chương trình làm việc với các địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Có nhiều ý kiến quan tâm tới dự thảo Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến. Trong đó có nội dung đề xuất sáp nhập một số sở thành “siêu sở”…

Tại Tp. HCM, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết khối lượng công việc của Sở đảm nhận rất lớn. Mấy năm gần đây, Sở phải thụ lý đến 70.000 bộ hồ sơ các loại trong một năm. Tuy nhiên, hiện nay biên chế nhân sự để xử lý khối lượng hồ sơ lại không tăng, thậm chí biên chế đang bị giảm.

Có cần “siêu Sở”?

Hình minh hoạ

Trước đề xuất sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành siêu Sở Giao - Xây - Phát (Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị) đại diện sở Xây dựng Tp. HCM cho rằng, cần cân nhắc kẻo ảnh hưởng đến dịch vụ công quan trọng này. Trong khi đó, Chủ tịch UBND Tp. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, quan điểm của lãnh đạo thành phố là đề nghị giữ nguyên cơ cấu và bộ máy các Sở như hiện trạng.

Chẳng hạn, với lộ trình thành lập 50.000 doanh nghiệp mỗi năm tại Tp. HCM đến năm 2020, thì mỗi tháng Sở này phải xử lý hồ sơ thành lập hơn 4.100 doanh nghiệp, trên 120 hồ sơ một ngày nên nếu sáp nhập lại các Sở sẽ không đảm đương, bao quát hết công việc. Với siêu sở Giao - Xây - Phát, chưa chắc công việc đã hanh thông.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, đã có 54/63 tỉnh, thành phố tham gia góp ý kiến về việc nên hay không nên sáp nhập một số Sở, đã có 46 địa phương đồng ý kế hoạch của dự thảo và 44 địa phương đồng ý thành lập siêu Sở Giao - Xây - Phát. Tuy nhiên, Thứ trưởng Thăng vẫn cho rằng cần trao đổi kỹ dự thảo bởi có thể ý kiến số đông cũng chưa hợp lý.

TP Hà Nội cũng có quan điểm như Tp. HCM là đề nghị giữ nguyên hiện trạng bộ máy các sở như hiện nay.

Theo các chuyên gia, việc sáp nhập, nhất thể hóa một số cơ quan có nhiệm vụ song trùng hiện vẫn chưa có cơ sở để thực hiện ngoại trừ thí điểm ở một huyện đảo tại tỉnh Quảng Ninh. Các cơ quan tham mưu của Chính phủ chưa có đánh giá cụ thể mô hình sáp nhập cơ quan cấp huyện của Quảng Ninh.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên thành lập siêu Sở mà cần tổ chức quản lý tốt đội ngũ cán bộ công chức, giảm biên chế, thanh lọc thải loại các công chức của các Sở hiện nay không hoàn thành nhiệm vụ và tìm cách tăng năng suất lao động ở các trung tâm hành chính công một cửa.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần nhanh chóng sáp nhập các Sở có nhiều nhiệm vụ song trùng để giảm quan chức, tài sản, nhà cửa và chi phí của nhà nước. Người ta dẫn ra siêu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay gồm các Sở nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản chắc chắn quân số không bằng 4 Sở cũ cộng lại dù có nơi như ở Thanh Hóa hiện có đến 8 phó giám đốc vì quá nhiều đầu mối công việc.

Có lẽ nên thử nghiệm sáp nhập Sở ngành ở các tỉnh có dân số dưới 1 triệu người để đánh giá kết quả trước khi thực hiện đại trà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có cần “siêu Sở”?