Thật khó để biết ở Mũi Cà Mau có bao nhiêu kênh rạch, sông ngòi chạy giữa rợn ngợp, mênh mông tràm đước. Nhưng, suốt mấy chục năm qua, có một người nữ cán bộ Tòa án vẫn lặng lẽ đi về trên hầu khắp các “con đường” chằng chịt ấy.
Chị là Nguyễn Thị Hiền (SN 1972), Chánh án TAND huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Gian khó những ngày đầu
Tháng 10, Cà Mau gió bời bời. Từ thành phố xuống Năm Căn, phố xá làng mạc đìu hiu đuổi theo con đường đến hụt hơi rồi nín bặt mở ra những quãng đồng hoang loang loáng bông lau. Chị Hiền bảo: “Năm Căn giờ là đã phát triển lắm rồi, chứ ngày xưa, lúc chị mới vào đây công tác, đi dọc ngang xuôi ngược đến vài cây số không chạm một nóc nhà. Đứng trên cao có hướng ngoái về bốn phía cũng chỉ tràm đước với sú vẹt, cỏ lau thôi”.
Chánh án TAND huyện Năm Căn Nguyễn Thị Hiền trò chuyện cùng tác giả
Cái “ngày xưa” mà chị Hiền vừa nhắc tới là năm 1994, khi ấy, chị vừa mới tốt nghiệp đại học rồi khăn gói cùng người yêu - người sau này là chồng chị - về đây công tác. Anh, người gốc Năm Căn. Lúc đó, chị chỉ nghĩ, mình có xông pha nơi thủy tận sơn cùng vài năm cũng là thỏa cái chí tang bồng tuổi trẻ. Thế là mặc gia đình can ngăn, mặc mẹ già dăm bảy lần níu áo, chị vẫn quyết ngồi thuyền, tẽ nước vạch tràm, vạch đước ra đây. Ý tưởng ban đầu là vậy, nào ngờ cái doi đất nằm hắt mình ra biển này níu chân chị từ bấy đến giờ.
“Ngày đó, chị cũng chỉ biết chút ít về vùng đất này qua lời kể của anh, là người dân ở đây còn thiếu khó, kiếp người theo kiếp sông, học hành chữ nghĩa ít nên hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Cà Mau cần lắm những người như anh và chị. Biết thế thôi, chứ thực ra chị nào biết nó nghèo và hoang vu, khuất nẻo đến tột cùng như thế. Nhìn xóm ấp nào cũng chỉ thấy xập xệ gianh tre nứa lá, con người đứng chen chân với mịt mù tràm đước. Đó là chưa kể đến chuyện từ khi vào đây, mọi kỹ năng sống chị phải học lại từ đầu”, chị Hiền nhớ lại.
Quả thật, chả cứ gì Cà Mau, mà khắp vùng “Nam Kỳ lục tỉnh” xưa kia đều “nằm nghiêng thấy nước, nằm ngửa thấy tràm”, người ta chỉ cần khua chân tìm dép là đã có thể chạm sông. Thế nên người dân ở đây, từ khi còn là đứa trẻ lên năm lên ba, họ đã quá quen với đời sông kiếp nước. Còn chị Hiền lại là người đến từ xứ Quảng chang chang đồng cát, giờ phải di chuyển bằng xuồng, ghe, vỏ lãi chả khác gì đánh đố. Suốt những năm tháng ấy, chị cũng chả nhớ được là mình rớt sông, ngã rạch và “chết hụt” bao lần. Đến giờ chị đi trên cầu khỉ vẫn với những bước chân thấp thểnh tựa kẻ say.
Chị Hiền kể, khi chưa được chia tách thành hai huyện (Năm Căn và Ngọc Hiển), thì toàn bộ phần cực Nam tổ quốc thuộc địa giới hành chính của huyện Năm Căn. Ngày đó, cơ sở vật chất TAND huyện vẫn còn nghèo nàn, thiếu thốn. Trụ sở cơ quan lúc bấy giờ chỉ là căn nhà lá đứng “kiễng chân” dưới lòng kênh, nóc phủ lá dừa, tường vách tả tơi. Chỉ với chừng bốn, năm chục mét vuông giữa thông thốc bốn bề là gió ấy, chị và hai đồng nghiệp khác phải thu xếp sao cho vừa có Hội trường xét xử, vừa có phòng làm việc và lưu trữ hồ sơ.
Phải đến khi bước chân về nhà chồng, chị Hiền mới thoát khỏi cảnh sống tạm bợ vạ vật trong căn nhà lá cặp mé kênh. Nhưng, trụ sở làm việc thì vẫn vậy, vẫn rung lắc, có khi tường vách bay tứ tán mỗi thứ một nơi mỗi khi trời giông gió. Mà ở cái nơi “Tổ quốc tôi như một con tàu, mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau” như nhà thơ Xuân Diệu vẫn ví thì có lẽ chả có gì nhiều hơn tràm đước, sình lầy, lau cỏ và giông gió. Thế nên chuyện cả trụ sở TAND huyện hoàn toàn biến mất sau một đêm mưa gió tối trời nào đó là chuyện bình thường. Giờ, sau hơn 20 năm sống trên cái “Mũi thuyền” này, chỉ cần “nghe mưa, đếm gió” là chị Hiền có thể đoán biết được trời sắp có giông hay bão, đến từ biển Đông hay từ phía Vịnh Thái Lan sang.
“Hòa giải viên” của đất Mũi
Xa quê, vất vả, thiếu khó là thế nhưng suốt hơn 20 năm nay, chị Hiền vẫn luôn cố gắng, nỗ lực, kiên trì, nhiệt huyết. Suốt từ khi được bổ nhiệm Thẩm phán vào năm 2000, hầu như năm nào chị cũng thụ lý và giải quyết xấp xỉ 200 vụ, việc. Đặc biệt là sau khi Năm Căn được chia tách thành hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, nhiều năm liền sau đó TAND huyện Năm Căn chỉ có duy nhất chị Hiền là Thẩm phán. Án tăng, nhân lực mỏng, công việc đổ dồn vai chị mỗi năm, mỗi tháng một nhiều.
Chỉ tính riêng trong vòng 3 năm, từ 2013 đến 2015, số vụ, việc mà chị Hiền phải thụ lý và giải quyết lên tới gần 550 vụ. Một con số hết sức ấn tượng. Để hoàn thành ngần ấy công việc, chị Hiền đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, bởi trên địa bàn Năm Căn, từ trung tâm huyện đến 4/7 xã là phải dùng xuồng, ghe, vỏ lãi vì đường giao thông chưa có, hoặc có nhưng cũng rất khó đi. “Trong nhiều năm liền, chị Hiền là một trong những Thẩm phán thụ lý, giải quyết án nhiều của tỉnh Cà Mau. Điều đặc biệt là trong phần lớn các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, tỷ lệ hòa giải thành công của chị Hiền cũng luôn rất cao”, Phó Chánh án TAND tỉnh Cà Mau Trần Trọng Hữu chia sẻ.
Đến giờ, chị Hiền vẫn còn nhớ một vụ tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Thái Văn Bình và bà Nguyễn Thị Hồng ở xã Tam Giang Đông. Cả hai đương sự trong vụ án này là hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” từ nhiều năm trước, lý do họ dắt nhau đến chốn pháp đình nhờ phân xử cũng chỉ bởi cái hàng rào do nhà bà Hồng vừa mới dựng lên không được thẳng.
Chị Hiền bảo, ở Năm Căn này, xưa giờ hàng xóm láng giềng như ông Bình, bà Hồng có ai nghĩ tới chuyện làm một ranh giới giữa hai nhà. Có khi đó chỉ là con lạch nhỏ chạy hết đất, được đào lên lúc lập vườn để phân định tượng trưng, trên bờ trồng mấy thứ cây ăn trái lâu năm. Những thứ cây mọc hai bên bờ lạch ấy cũng không quan tâm đó là biên giới, tầng lá đan vào nhau. Bầy gà cứ bay qua bay lại, bạ đâu đẻ đó, gốc chuối đống rơm, không quan tâm chuyện trứng nằm vườn nào mới phải. Vườn dày cỏ tới cỡ nào, cũng có con đường mòn mà người hai nhà thường đi tắt để qua lại với nhau.
Lúc ấy ai mà biết được đến một ngày, đất đai lên giá, cũng những đứa trẻ, cũng những người hàng xóm thân thiết ngày xưa giờ ai có gậy cầm gậy ai có dao cầm dao, máu vằn tia lên mắt, đứng hai bên bờ lăm le xông vào nhau chỉ vì cái ranh đất mới được đổ bằng tê tông “trót” không thẳng. Con mương ranh giới mà người hai nhà từng cùng tắm táp sau buổi làm đồng về, giờ họ cùng tắm hằn thù hung hiểm. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, chả bên nào chịu nhún nhường, thế là họ lôi nhau ra nhờ tòa phân xử.
“Trong những vụ việc như thế, điều quan trọng và cần thiết nhất là mình phải làm thật tốt công tác hòa giải. Bởi nếu có đưa ra xét xử, mọi thứ phơi bày ra hết, dù ai thắng ai thua thì cái mất lớn nhất của cả hai bên là tình nghĩa xóm giềng. Hơn thế nữa, an ninh trật tự trên địa bàn xóm ấp đó cũng vì thế mà bất ổn kéo theo. Nghĩ vậy nên tôi năm lần bảy lượt lặn lội đến gặp riêng từng gia đình để phân tích, nói điều hơn lẽ thiệt. Ban đầu, cả hai bên đều tỏ ra rất cương quyết, không chịu hợp tác. Tôi vẫn quyết không từ bỏ. Phải đến sau lần chứng kiến tôi đội mưa, lội bùn ngã xoành xoạch vào nhà, ông Bình mới chịu nhún, rút đơn khởi kiện. Đối với hai gia đình ấy, giờ tôi trở thành “thượng khách””, chị Hiền kể.
Hàn gắn những cuộc hôn nhân
Lần khác, chị Hiền thụ lý một vụ ly hôn ở xã Đất Mới. Hạnh phúc của cặp vợ chồng đó đứng trước nguy cơ tan vỡ chỉ vì sự “say nắng” của người chồng. Sau khi tìm hiểu nguồn cơn sự việc, chị quyết tâm gặp cho kỳ được người chồng để làm công tác vận động. Biết trước thời tiết mưa nắng thất thường nên chị chủ động đi rất sớm, nào ngờ mới được nửa đường thì sấm chớp đì đùng, rồi mưa kéo về xối xả. Đã mấy lần chị định quay về, thế nhưng khi nghĩ đến cảnh 3 đứa trẻ của cặp vợ chồng ấy sẽ phải “tan đàn, xẻ nghé” vì bố mẹ ly hôn, chị lại quyết tâm đi tiếp. Vừa đi vừa đẩy xe, phải gần 7 giờ tối chị mới đến nơi. Ban đầu, anh chồng nhất định không đồng ý hòa giải, kiên quyết xin tòa xử cho được ly hôn. Song, bằng lý lẽ lúc thì mềm mỏng, lúc cứng rắn, chị đã thuyết phục được anh ta quay về với vợ. Đêm đó, chị Hiền đã phải ngủ nhờ ở nhà một người quen, đến sáng sau mới về.
Nhờ phương châm làm việc khoa học và tận tụy đó, nên tỷ lệ hòa giải thành trong số các vụ án mà chị Hiền thụ lý rất cao. Chỉ tính riêng trong năm 2015, chị đã hòa giải đoàn tụ được 4 cặp vợ chồng. Nhưng, để có được thành quả ấy, chị đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để lặn lội khắp các thôn ấp. Anh em trong cơ quan cũng như những người thân trong gia đình đã quá quen với việc chị “cơm đùm, cơm nắm”, ngồi thuyền, rẽ nước xuống địa bàn. Thân gái dặm trường, nhiều khi để gặp được đối tượng, chị đã phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt.
Cứ thế, trong hầu hết những vụ án dân sự và hôn nhân gia đình mà mình thụ lý, chị Hiền đều lặn lội xuống tận từng gia đình, gặp từng đối tượng để làm công tác vận động, hòa giải. Thật khó để có thể tính hết được những khó khăn chị đã phải vượt qua, và càng khó để đong đếm được công sức chị đã bỏ ra trong ngần ấy chuyến đi. Thế nên, trong suốt quá trình công tác, Thẩm phán Nguyễn Thị Hiền nhiều lần được các cấp có thẩm quyền tặng Bằng khen; công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua TAND...
Nhưng có lẽ, cái được lớn nhất đối với người nữ Chánh án quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi sau hơn 20 năm cống hiến cho vùng đất nằm tận cùng Tổ quốc này là sự yêu mến, tin tưởng của đồng bào. Dường như vùng đất lành lẽ với những con người thô mộc ở sau bạt ngàn tràm đước kia đã thốc thổi thêm cả ngọn lửa nồng say nào đó, cộng vào với tráng chí của những người “mang gươm đi mở cõi” như chị Hiền. Tổ quốc ta, trong công cuộc đưa vùng sâu vùng xa tiến kịp miền xuôi không đơn giản, còn cần nhiều lắm những tấm lòng biết nghĩ cho đồng bào mình thật nhiều và thật ấm như thế.