Là người lao động chân chính, đạp xích lô cóp nhặt từng đồng tiền lẻ nuôi con ăn học, nên anh ghét cay ghét đắng cái sai, cái bất công, kiên quyết đấu tranh bất chấp mọi thủ đoạn khủng bố hèn hạ.
Đạp xích lô đòi công lý
Sinh năm 1974, trú tại xóm 1, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (nay là khối Châu Hưng, phường Vinh Tân thành phố Vinh, Nghệ An), anh Trần Văn Giáp kết duyên cùng chị Dương Thị Hà (SN1978, cùng thôn). Gia đình nội ngoại đều nghèo, chỉ để lại cho anh chị mảnh đất nhỏ đủ xây hai gian nhà đến nay tường vẫn chưa trát, nền còn láng xi măng.
Hàng ngày, chị đi bán hàng rong, anh đạp xích lô, ai thuê gì chở nấy. Ba đứa con lần lựơt ra đời, tuy vất vả gian lao, bữa no bữa đói, nhưng trong nhà luôn ríu rít tiếng cười.
Đạp xích lô đòi công lý
Cuộc sống bình yên của họ bắt đầu dậy sóng kể từ năm 2007, khi anh cùng một số công dân xóm Châu Hưng kiên quyết đấu tranh với những sai trái động trời, ngang ngược của các bộ xóm đó là: Lấy đất nhà văn hóa xóm bán cho cá nhân. Bán 800m2 đất Hói Lạc cho tư nhân, bán đất chưa có giấy CNQSDĐ. Tiến hành xây dựng nhà văn hóa không thông qua bàn bạc, không công khai minh bạch các khoản thu chi…Những việc làm không đúng thẩm quyền, vô nguyên tắc này, ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng mọi người đều an phận thủ thường không dám động chạm.
Khi đấu tranh trực tiếp ở các cuộc họp xóm không ăn thua, anh viết đơn gửi lên trên. Không ai đánh máy cho, thì ngày đạp xích lô, đêm về anh viết. Khi Hưng Thịnh nhập vào thành phố, anh kiện lên phường, phường không giải quyết anh gửi lên thành phố. Trước phản hồi, trả lời có phần bao che, không thỏa đáng, anh tiếp tục đạp xích lô đến tận các cơ quan đòi gặp bằng được người lãnh đạo cao nhất.
Bốn năm ròng rã, từ 2007 - 2010 anh Giáp đạp xích lô đòi công lý, sự kiên trì bền bỉ của anh đã có kết quả. Ngày 07/12/2007, UBND xã Hưng thịnh ra Kết luận số 120/KLTC – UBND, do chủ tịch Dương Văn Bính ký nêu rõ: Những tố cáo của các công dân là đúng, có cơ sở. Việc công dân tố cáo ban cán sự xóm Châu Hưng bán 172,5 m2 đất tại nhà văn hóa là đúng, vì ban cán sự xóm không có thẩm quyền thực hiện những nội dung trên. UBND xã đã thiếu sự giám sát, kiểm tra để ban cán sự xóm tùy tiện làm sai.
Kết luận và các công văn của cơ quan có thẩm quyền trả lời anh Giáp
Tố cáo ông Trần Đình Vân, ông Trần Đình Chung và ông Nguyễn Bá Đức bán đất chưa có giấy tờ, giấy CNQSDĐ là đúng; tố cáo xóm Châu Hưng bán 800m2 đất Hói Lạc là đúng và kết luận: Ban cán sự xóm Châu Hưng đã làm sai thẩm quyền và các quy định của nhà nước về quản lý đất đai. UBND xã thiếu kiểm tra, khi phát hiện đã tiến hành tạm thu số tiền trên về quỹ ngân sách xã.
Tố cáo ông Trương Minh Tuấn ban cán sự xóm Châu Hưng tiến trình xây nhà văn hóa xóm không dân chủ. Qua kiểm tra và căn cứ mục 4 và 5, điều 06 chương 3 Nghị định số 29/1998/NĐ – CP, ngày 11/05/1998 về quy chế dân chủ cấp xã, phường, nên khẳng định tố cáo trên là đúng.
Mặc dù phải nhận nhiều sự đe dọa cùng sự khuyên can của người thân, anh vẫn không chùn bước, tiếp tục phanh phui các vụ khác. Ngày 2/7/2010, anh tiếp tục gửi đơn tố cáo một số sai phạm về đất đai tại xóm. Đang định gửi đi thì vào lúc 6h sáng ngày 3/7/2010, sau khi đạp xích lô giao hàng trên cầu Cửa Tiền, anh ghé quán ăn xôi sáng. Đột nhiên, có hai thanh niên bịt kín mặt chở nhau bằng xe máy tạt vào quán. Tên ngồi sau nhảy xuống, bất ngờ vung phớ nhè anh chém tới. Anh gục xuống, máu văng tung tóe. Chị bán xôi thét lên, chúng rú ga tẩu thoát.
Anh bất tỉnh trên vũng máu được bà con đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng nguy kịch. Trong nhiều nhát chém, có hai nhát để lại hậu quả khá nặng, đó là, một nhát vào bắp tay gẫy xương tay trái, 1 nhát ở lưng ảnh hưởng cột sống.
Anh Giáp bị chém 03/07/2010
Sự xuống tay tàn độc của bọn người giấu mặt không làm anh khiếp sợ. Tháng 8/2010, phát hiện cán bộ khối ăn bớt gạo cứu trợ bão lũ của dân đem bán, anh phản đối quyết liệt và tiếp tục gửi đơn thư vạch mặt các “quan xóm”.
Ngày 30/05/2011, Ủy ban kiểm tra Thành ủy Vinh có công văn số 20 – CV/KT kết luận: Việc tố cáo cán bộ khối Châu Hưng bán gạo cứu trợ nhân dân khối bị lũ lụt đợt tháng 10/2010 là đúng, trách nhiệm trên thuộc về cán bộ khối Châu Hưng, buộc thu hồi toàn bộ số gạo, kỷ luật kiểm điểm cá nhân liên quan.
Lập tức, vào ngày 05/06/2011, anh bị 18 tên côn đồ truy sát đánh bầm tím bả vai, chặt suýt đứt ngón tay. Anh Giáp và nhiều người dân cho rằng, đó là đòn trả thù của “quan xóm” cho hành động vạch mặt “khoét gạo” cứu trợ của chúng.
Anh Giáp bị đánh ngày 05/06/2011
Sự đấu tranh kiên cường của anh đã được được Nhà nước ghi nhận. Ngàỳ 4/1/2011, Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An về phòng chống tham nhũng đã chọn anh là một trong 18 gương mặt tiêu biểu toàn tỉnh, đến dự “Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng”. Trong phần thành tích của anh được nêu rõ: “Ông Trần Văn Giáp tố cáo sai phạm của cán bộ, giúp thanh tra thu hồi 139.000.000 đồng và 360m2 đất. Vụ án được tòa xét xử với mức án đối với Trương Quang Thọ (Xóm trưởng) 4 năm tù, Dương Văn Hoàn (địa chính) 18 tháng tù…”.
Anh Giáp với chứng nhận người chống tham nhũng
Chúng tôi gặp anh Giáp vào một ngày giữa tháng 10, khi anh đang trên đường chuyển hàng cho khách, trời mưa se lạnh, nhưng mồ hôi anh vã ra như tắm, anh vui vẻ mời chúng tối về nhà. Ngôi nhà của anh nền còn đang láng xi măng, tường chưa trát phủ đầy rêu phong.
Anh ăn mặc giản dị đúng chất nông dân, nhưng con người anh thì kiên định, ghét cái xấu, cái tiêu cực cái bất bình. Là một người dân "thấp cổ bé họng", nhưng anh đã làm được những điều thật lớn lao. Anh xứng đáng được tổ quốc ghi nhận khi dám nói lên tiếng nói của mình, chống lại những kẻ một tay che kín bầu trời.
Khuôn mặt anh thật phấn khởi, tự hào khi đưa bản danh sách 18 người chống tiêu cực cùng được vinh danh và nói: “Trong cuộc chiến chống cái xấu, tôi không hề lẻ loi!”.
Ngôi nhà đơn sơ còn chưa được hoàn thiện của gia đình anh Giáp
Càng bị khủng bố....càng chống tiêu cực
Trong 18 cá nhân được vinh danh ở Nghệ An có đến hơn 10 người bị bọn xấu trả thù, khủng bố dưới nhiều hình thức khác nhau. Cụ Lê Công Mợi, xã Đại Thành (Yên Thành) nay đã 76 tuổi đời, 43 tuổi Đảng, cụ đã đấu tranh với tiêu cực, buộc Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã phải chịu hình thức kỷ luật, trả lại ngân sách 102.010.500 đồng và 15.573m2 đất. Trong một đêm, khi đang nằm ngủ, chúng lẻn vào dùng thuổng sắt đầu nhọn đâm cụ, nhưng trật sang đùi cụ bà, làm cụ mang tật suốt đời.
Bà Nguyễn Thị Khoa xã Khai sơn (Anh Sơn) phanh phui UBND huyện cấp sai quy định 27 lô đất cho cán bộ với diện tích 4.860m2 ,khiến Chủ tịch UBND thị, Phó Chủ tịch HĐND huyện và Phó Chủ tịch thị cùng một số khác bị kỷ luật từ cảnh cáo đếm cách chức, khai trừ khỏi Đảng. 19h tối, khi bà vừa ăn xong, thì 4 tên đầu trâu mặt ngựa ào vào vung gậy nện bà tời tấp, khiến bà thương tích đầy mình, đến nay, một tay vẫn chưa cử động được.
Anh Giáp khoe: "Tôi không đơn độc trong cuộc chiến này"
Ông Trần Hữu Sửu xã Hiến Sơn (Đô Lương) vạch trần một loạt sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, thu chi tài chính, ăn bớt chế độ các đối tượng chính sách. Huyện ra quyết định kỷ luật 18 cán bộ từ Chủ tịch UBND xã trở xuống. Thu hồi về ngân sách 65.881.500 đồng, 62,7 tấn xi măng, 1092m2 đất các loại. Trong đêm, ông bị 3 đối tượng xông vào nhà đập gẫy chân phải, đến nay vẫn còn phải chống gậy.
Anh Nguyễn Minh Châu xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) tố cáo UBND xã về quản lý đất đai, xây dựng cơ bản dẫn đến: Hủy bỏ quyết định giao đất trái pháp luật cho 25 hộ gia Đình với diện tích 1900m2, thu hồi 1.624.646.600 đồng. Ông Trương văn Hà, Chủ tịch UBND xã nhận 2 năm tù, Phạm Văn Thành (địa chính) một năm tù. Các cán bộ khác chịu kỷ luật từ khiển trách đến cách chức, khai trừ khỏi Đảng….
Những người chống tiêu cực và đông đảo người dân cả nước vẫn luôn tin tưởng rằng “Nay tuy châu chấu đá voi, nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra".