50 tuổi đảng, 71 tuổi đời, từ người lính ông trở thành cán bộ VKSND huyện rồi tỉnh. 17 năm về hưu ông kiên cường đấu tranh với cái sai, cái bất công trong xã hội khiến nhiều lãnh đạo hủ hóa mất chức, giúp nhà nước thu về hàng tỉ đồng.
"Thủ lĩnh" chống tiêu cực và những năm dài bị đe dọa
Đó chính là ông Nguyễn Văn Thành (71 tuổi) trú tại, khối 3, Thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Người mà trong “Lễ vinh danh 18 công dân điển hình chống tham nhũng tiêu cực” toàn tỉnh do Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào ngày 04/01/2011 được mọi người tôn là “Thủ lĩnh” bởi thành tích chống tiêu cực và số lần bị khủng bố ít ai theo kịp.
ông Nguyễn Văn Thành
Chuyện bắt đầu từ năm 1997 sau khi về hưu, ông Thành phát hiện một số cán bộ địa phương vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư túi. Chướng mắt trước những việc làm sai trái đó, trong các cuộc họp chi bộ hay sinh hoạt CCB, hoặc họp tổ hưu trí ông đều có ý kiến, tuy nhiên, những ý kiến đóng góp của ông không được tiếp thu. Ông buộc phải viết đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng đối với một số cán bộ thị trấn thoái hóa biến chất. Sự kiên trì của ông đã có kết quả, đoàn thanh tra UBND Tỉnh có Kết luận số 05, ngày 05/07/2000 khẳng định: “Cán bộ thị trấn làm thất thoát ngân sách 303.986.000 đồng, buộc thu hồi nạp về ngân sách nhà nước.
Tiếp đến năm 2001, bức xúc trước việc tiền ủng hộ đồng bào miền nam gặp lũ lụt đã bị cán bộ cấp huyện bớt xén, ông tìm hiểu, thu thập chứng cứ, tài liệu vạch rõ từng khoản tiền chi thu không đúng mục đích, làm cơ sở vững chắc để đoàn thanh tra ra Quyết định số 04 ngày 26/09/2001 thu hồi 175.010.000 đồng.
Chứng nhận về thành tích chống tham nhũng của ông Thành
Chỉ tính trong 11 năm, từ năm 2000 đến năm 2011 ông đã phanh phui hàng chục vụ tiêu cực, tham nhũng liên quan đến việc quyết toán công trình, thu quỹ trái phép, các loại tiền bị chiếm dụng, tiền chính sách chế độ, đất đai… Xuất phát từ những phản ánh và đơn tố cáo của ông, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, công bố 7 kết luận về những sai phạm của cán bộ địa phương. Kết quả là 11 cán bộ cấp huyện, thị, xã đã bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo, thuyên chuyển đến cách chức, thu hồi về cho nhà nước trên 3 tỉ đồng cùng 8.291,8m2 đất.
Đặc biệt gần đây nhất, ông cùng 6 công dân có đơn tố cáo hàng loạt sai phạm về đất đai. UBND Tỉnh vào cuộc ra Kết luận số 62/UBKT ngày 27/08/2014 khẳng định: “Nội dung tố cáo của công dân là đúng” qua đó thu hồi 12 bìa đỏ cấp sai quy định, giải phóng trả lại đất cho nhà nước đối với: 4 hộ làm nhà dưới đường điện 35 KV, 4 hộ làm quán trong khuôn viên Tòa án nhân dân huyện, 11 hộ làm ki ốt trên hành lang ATGT đã tồn tại suốt từ năm 1993 đến nay.
“Món quà” kinh hoàng lúc 0 giờ
Ý chí đấu tranh kiên cường của ông đã được bạn bè ủng hộ, nhân dân ca ngợi, nhưng ông lại trở thành cái gai trong mắt một số phần tử xấu, chúng tìm mọi cách hạ nhục uy tín, vu không ông đủ điều. Hậu quả đầu tiên ông phải nếm trải là năm 2001 ông bị khai trừ khỏi Đảng. Nhưng những đồng đội trung kiên đã không bỏ rơi ông, kiên trì, nỗ lực đấu tranh cùng ông minh oan. Năm 2002, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy tiến hành thẩm tra và kết luận: “Ông không có tội” nên phục hồi sinh hoạt Đảng cho ông.
Liên tục các năm sau này, ông chịu sự đe dọa của bọn người xấu nhằm làm nhụt chí đấu tranh: năm 2004 ông bị bọn người xấu rải tờ rơi, nói xấu, đe dọa.
Năm 2005 chúng nhiều lần ném đá làm vỡ cửa kính nhà ông. Năm 2006 chúng cho con nghiện đến tận nhà hăm dọa: “Mày tố cáo không tác dụng gì đâu, đơn thư cũng chuyển lại huyện thôi, không dừng lại đừng có trách”.
Năm 2007 bốn lần ông bị kẻ gian gửi thư nặc danh dọa giết và cắt gân gót, cho con nghiện đến dọa đốt nhà. Năm 2008, chúng gửi cho ông một gói bưu phẩm trong đó có chất bột lạ, công an đã thu giữ và xác định có độc tính. Trước tình hình vô cùng nghiêm trọng đó, ngày 19/02/2011 thủ tướng chính phủ đã gửi công văn yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An phải có biện pháp ngăn chặn bảo vệ gia đình ông.
Cứ thế, ngày qua ngày những cuộc điện thoại nặc danh, những tin nhắn khủng bố, những vị khách không mời ghé thăm như cơm bữa, từ lúc ban đầu ông và gia đình còn bất ngờ sau trở nên không còn lạ, cũng không hề làm tinh thần ông nao núng. Nhưng cũng có một “món quà” đến vào lúc 0 giờ khiến toàn thể người thân trong gia đình ông khủng khoảng nghiêm trọng.
Đó là một đêm đầu thu, lúc 0 giờ ngày 17/09/2011, láng giềng làng xóm và vợ chồng ông Thành đang say giấc, bỗng một tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Một làn khói đen đặc quánh khét lẹt mùi thuốc súng tràn vào buồng bủa vay vợ chồng ông. Phải 15 phút sau khói tan, ông kinh hoàng phát hiện cửa cuốn nhà mình bị xé tan hoang, hai chiếc tủ kính đựng hàng vỡ vụn vương vãi khắp nhà. Thiệt hại tài sản gia đình ông ước tính hơn 17 triệu đồng.
May mắn hai ông bà nằm trên gác nên thoát chết. Công an huyện Tân Kỳ lúc đó cũng kịp thời có mặt ghi nhận, bảo vệ hiện trường, lập biên bản vụ việc, thu thập dấu vết, chứng cứ và tiến hành điều tra kỹ lưỡng, khoanh vùng rà soát đối tượng.
Hiện trường vụ nổ mìn ngày 17/09/2011
Vụ đặt mìn đã làm rúng động một vùng quê vốn lâu nay thanh bình yên ả, gây hoang mang trong quần chúng. Đặc biệt, những người thân trong gia đình và ông Thành, vốn lâu nay đã quen bị đe dọa vẫn thấy khủng hoảng tinh thần. Kẻ gây ra vụ việc đó cho đến ngày hôm nay vẫn chưa bị phát giác để mọi người trong gia đình ông có thể bớt hoang mang phần nào.
Ý chí của ông càng không vì thế mà giảm sút, không những tự mình phát hiện tiêu cực để đấu tranh, mà nhà ông còn là địa chỉ để những người bị oan sai trong toàn tỉnh tìm đến chia sẻ. 17 năm qua ông không thể nào nhớ nổi, mình đã giúp được bao nhiêu cảnh đời, đem lại công bằng cho bao nhiêu người.
Còn hơi thở, còn đấu tranh với tiêu cực
Ngày 06/10/2014, vượt 140 km đường rừng, tìm đến cột mốc số 0 lịch sử, nơi chúng tôi gặp ông Thành đầu tiên tại công an thị trấn Tân Kỳ khi ông được mời lên làm rõ nội dung: 3 ngày qua, ông liên tục bị kẻ xấu, khủng bố, đe dọa bằng cách dùng sim rắc gọi đến chửi bới, đe dọa sẽ tiếp tục… “tặng bom”. “Thủ lĩnh” vẫn không nao núng mà tươi cười nói: “Giáp mặt các cơ quan chức năng là chuyện thường ngày, bị khủng bố cũng thường nhật như cơm bữa, quen rồi các chú ạ...nhưng đấu tranh chống cái sai nó đã ngấm vào máu, khiến tôi không thể có mắt giả mù, có tai giả điếc”.
Đến thăm gia đình ông, một ngôi nhà nho nhỏ, nép mình tại Khối 3 giữa những ngôi nhà cao tầng trong lòng thị trấn, bà Trần Thị Nhung vợ ông (SN 1947) tâm sự: “Từ khi ông nhà vác tù và khiếu kiện, cuộc sống gia đình tôi đảo lộn, quán nước nhỏ ở khu vực ngã tư thị trấn giúp gia đình kiếm thêm thu nhập dần vắng khách vì họ sợ vạ lây là một phần, sợ uống nhầm nước có độc hoặc đang ngồi mà bị nổ hất văng lên là phần nhiều. Làng xóm láng giềng cũng ít ghé thăm vì sợ dính “đạn lạc”. Tuy tinh thần tôi có đôi chút hoang mang nhưng vẫn vững tin vào chồng, vào pháp luật, vì tôi biết ông đang làm đúng, đang đấu tranh cho lẽ phải. Giờ đây, nhiều người dân oan sai ở xa đến tôi lại nấu cơm cho họ ăn, trải chiếu cho họ ngủ”.
"Thủ lĩnh" trải lòng với phóng viên
Vợ chồng ông sinh được 5 người con, còn nhớ năm 2009 con ông là anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1973) Chủ nhiệm hậu cần của trường Sỹ quan Nha Trang đã thi đậu và được cử đi học tại Học viện chính trị. Nhưng bỗng nhiên có một lá đơn gửi tới trường tố cáo bố anh: Theo đảng Tân Việt chuyên viết đơn thư tố cáo lung tung, gây rối loạn trật tự địa phương, nên anh Tiến bị đình chỉ theo học.
Ôm tạm biệt vị "Thủ lĩnh" khi ra về, lòng tôi ngập tràn sự cảm phục. Ông đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hi vậy mà trong nhà vẫn chồng chất những bộ hồ sơ từ khắp nơi gửi về với mong muốn ông giúp họ giải oan sai. Sức người có hạn, liệu ông còn trụ được đến bao giờ khi xung quanh mình còn nhiều kẻ muốn “ra tay”.
Như hiểu sự thắc mắc của tôi, ông nắm chặt tay tôi mắt nhìn vượt lên đỉnh Lồ Ồ quanh năm mây phủ, giọng kiên quyết vừa như tâm sự vừa như nhắn gửi: “Tôi như cây tùng cây bách, như cây cỏ trước phong ba bão tố chẳng hề chi, còn hơi thở tôi còn đấu tranh với tiêu cực với oan sai trong xã hội. Công lý là tờ báo có uy tín, cháu hãy luôn luôn xứng đáng là người làm công tác tuyên truyền chính trực, góp phần bảo vệ công lý - công bằng xã hội”... (Còn tiếp...)