Chuyện về những “ngôi nhà” đặc biệt của đồng bào Cơ Tu

Hải Nam| 02/01/2023 08:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những trận mưa rừng cuối năm làm con đường độc đạo để lên trung tâm xã Ch’Ơm ở vùng biên giới Việt - Lào bùn ngập quá gối, chặng đường chừng hơn 30 cây số vì thế phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới đến được nơi.

Trở ngại đường đi là vậy nhưng vẫn không ngăn được bước chân của chúng tôi đến với đồng bào Cơ Tu, nơi có nhiều tập tục kỳ lạ nhưng quý giá và đặc biệt mang tính nhân văn…

Từ ngôi nhà có 30 bếp…

Gia đình bố vợ người Cơ Tu sẽ vô cùng tự hào nếu được chàng rể tặng quan tài trong ngày cưới con gái của họ

Quá trưa chúng tôi ghé làng Atu, một trong những ngôi làng xa nhất huyện Tây Giang giáp với nước bạn Lào. Trong bữa cơm vội với già làng Tơngôl Yên chỉ có rau rừng chấm muối, một nồi canh sắn và ít thịt khô lấy từ giàn bếp, chúng tôi được nghe kể về căn nhà dài với 150 nhân khẩu được ông kể lại bằng giọng Kinh lơ lớ...

Căn nhà mà già Yên nhắc đến hiện nay đã được đưa về trưng bày tại Làng văn hóa Cơ Tu ngay Trung tâm hành chính huyện Tây Giang từ năm 2007.

Khác với những tộc người khác, người Cơ Tu không có nhà dài, nên ngôi nhà dài ở Atu được xem là “có một không hai” ở Quảng Nam. Nên lúc bấy giờ, huyện có chủ trương xin chuyển về Trung tâm huyện để phục vụ cho công tác bảo tồn, cả thôn Atu thống nhất hiến tặng căn nhà dài của mình. 

Năm đó, chưa có đường ô tô lên trung tâm xã, dân làng lại cùng chung tay tháo dỡ nhà, rồi vác từng cột, từng xà nhà xuống tận trung tâm xã A Xan cách đó hơn 30 cây số đường rừng.

“Dân làng cứ chia nhau cơm đùm cơm nắm vận chuyển ngôi nhà chung về điểm trưng bày. Bây giờ về Trung tâm huyện thấy cái nhà của làng mình, cũng ưng con mắt, sướng cái bụng”, Trưởng thôn Atu Tơngôl Pít cho biết.

Cỗ

Theo già làng Tơngôl Yên, chủ nhân của ngôi nhà là ông J’ngol Vă (SN 1944), nhưng có công sức của cả làng dựng nên. Phải mất gần một năm dân làng mới dựng xong căn nhà. Riêng việc tìm gỗ, xẻ gỗ đưa về làng đã mất mấy tháng trời. Đàn ông mang rìu, rựa vào rừng, đàn bà gùi cơm nếp, gùi sắn đi theo. “Hồi trước, cả làng chỉ ở một nhà thôi.

Một nhà nhưng là nhà to, nhà dài lắm. Nhà dài đúng 25 sải tay người lớn, mỗi gia đình một góc bếp, có tới 30 bếp, gần 150 người ở chung, ăn chung, làm chung. Đêm xuống thì ngủ quanh bếp… nhà thì nấu sắn, nhà nấu cơm, ai có con thú, con cá bắt được mang ra nấu ăn chung, vui lắm. Ngày lên gọi nhau đi làm nương rẫy, mấy chục năm cả làng chỉ ở một nhà” – già Yên nhớ lại. 

Đối với đồng bào Cơ Tu việc cùng cư trú dưới một mái nhà vẫn luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp, bền chặt, ứng xử với nhau bằng tình yêu thương sâu sắc và sống có nền nếp, kỷ cương hơn. Mọi sự bất hòa giữa người này với người khác, giữa bếp này với bếp khác đều được giải quyết ổn thỏa, êm thấm.

Phong tục, lễ nghi của thôn bản, của dòng họ được giữ gìn, phát huy. Lương thực, thực phẩm được phân chia rất công bằng cho từng bếp. Cha mẹ già đều được các thành viên sống trong nhà dài có trách nhiệm chăm nom săn sóc, nuôi dưỡng người đã sinh thành ra mình.

Ngày nay, xã hội ngày một phát triển, kinh tế hộ Cơ Tu đã dần phát triển đến trình độ cao. Dần dà, số nhân khẩu tăng lên, nhiều hộ gia đình dựng nhà duông, nhà riêng để ở tiện cho việc lên rẫy, lên nương.

Ngôi nhà dài ngót trăm mét không còn nữa. Song nó vẫn là biểu tượng là thành tựu văn hóa đặc sắc và là sự thể hiện cao tính cộng cư của dân tộc Cơ Tu dãy Trường Sơn. 

Đến “ngôi nhà cuối cùng”, thể hiện tấm lòng của rể quý

Ngôi nhà dài “độc nhất vô nhị” của đồng bào Cơ Tu

Quan niệm "sống có nhà, chết cũng có nhà" nên với đồng bào Cơ Tu không kiêng cữ trong việc cho và nhận quan tài. Người Cơ Tu xem quan tài là đông chia rỉa, có nghĩa là "căn nhà cuối cùng" của đời người.

Chết đi và nằm trong quan tài là về với ngôi nhà đó. Theo tiếng Cơ Tu t'rang có nghĩa là quan tài, đối với họ poi t'rang (tặng quan tài) là một trong những lễ vật quý giá nhất mà chàng rể thảo mà trong tâm trí luôn muốn tạ ơn bố mẹ vợ đã sinh ra con gái để họ lấy về làm vợ, đây cũng được xem là sính trong ngày cưới.

Với những chàng rể nào không có điều kiện thì có thể tặng quan tài vào các dịp khác, nhất là khi thấy bố mẹ vợ già yếu. Lúc đó, chàng rể phải sắm thêm lễ, trong đó có con heo phải nặng 80 kg trở lên cùng chum, ché, mã não, hạt cườm... 

Với đồng bào Cơ Tu, quan tài được tặng sẽ được đặt luôn dưới nhà sàn hoặc có thể làm riêng căn chòi để cất giữ tùy theo từng xã, tùy từng vùng. Với họ có thể cách cho, nhận khác nhau nhưng cái bụng của ông bố vợ nào cũng ưng giống nhau khi nhận được cỗ quan tài.

Nhà gái khi thấy được tấm lòng của chàng rể sẽ vô cùng cảm kích. "Sinh ra từ rừng, chết được ấp ủ trong cây rừng thì ai cũng ưng. Bởi vậy, chàng rể mà lo được "căn nhà cuối cùng" cho bố thì đó là chàng rể không thể hiếu thảo hơn", già Bhríu  Pố nói.

Từ xa xưa, thông qua việc tặng quan tài mà người Cơ Tu có thể đánh giá được người con rể đó có tính tình rộng rãi hay keo kiệt, người tài hoa hay chỉ là mẫu đàn ông đơn giản…

"Người Cơ Tu không bắt buộc con rể phải tặng quan tài cho nhà vợ vì hoàn cảnh kinh tế mỗi người mỗi khác, có giàu, có nghèo. Ngày nay, rể có điều kiện mua gỗ để tặng thì tốt rồi. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu người đó dù có nghèo khó vẫn giữ tấm lòng hiếu thảo, rồi tự tay làm quan tài để mang đi tặng", già Bhríu Pố tiếp tục câu chuyện.

Già làng Tơngôl Yên kể về căn nhà dài với 150 nhân khẩu

Với những chàng rể Cơ Tu, việc tặng quan tài cho bố vợ không chỉ nhận được lời tán dương về sự hiếu thảo mà còn thể hiện thành ý dù có qua bao con suối, cắt bao cánh rừng, người con rể vẫn bất chấp hiểm nguy để kéo gỗ về. Chàng rể đó cũng chứng minh cho mọi người thấy anh là người khỏe mạnh. Vì có đôi chân rắn chắc để đi đến những cánh rừng, đôi vai dẻo dai để kéo thân gỗ lớn về làm quan tài…

Cách trang trí trên quan tài phụ thuộc vào tư duy thẩm mỹ của mỗi chàng rể. Nhưng thường thì các chàng rể tạc đầu trâu ở 2 đầu quan tài. Nét chạm càng tinh xảo bao nhiêu thì càng nhận được lời khen ngợi của người làng bấy nhiêu.

Nhà vợ cũng lấy đó làm tự hào khi có chàng rể vừa t'mat (sống hào phóng) vừa có đôi tay điệu nghệ. "Chúng tôi gọi đó là poi ca điên, tức là tấm lòng không có cái đáy. Nhà nào có chàng rể như thế thì đúng là quá hãnh diện…", già Bhríu Pố chia sẻ.

Anh Pơloong Plênh, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tây Giang chia sẻ: "Đồng bào Cơ Tu chúng tôi bao đời nay luôn tôn thờ "mế rừng" nên để có cây lớn làm quan tài thì phải vào rừng đi tìm những cây ngã đổ hoặc những cây mục lâu năm chỉ còn lại phần lõi. Chặt cây lớn là phạm những điều kiêng kị".

Những chàng rể muốn tặng quan tài cho bố vợ phải chọn 1 trong 3 loại gỗ, gồm: gỗ dổi, gỗ k'gir và gỗ sơn huyết. Bất luận thế nào, muốn lấy cây gỗ thì đó phải là cây ngã đổ đã khô. Con mối, con mọt muốn "ăn" mà không được. Mỗi chàng rể chỉ được xin một khúc vừa đủ cỗ quan và phải làm lễ cúng.

"Tôi cho rằng, tặng quan tài là nét văn hóa tốt đẹp, nhân văn, đáng để đồng bào Cơ Tu chúng tôi tự hào, gìn giữ…", Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tây Giang Bhríu Hùng tự hào nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những “ngôi nhà” đặc biệt của đồng bào Cơ Tu