Chuyện về một vị tướng nơi biên ải

Vân Phạm| 02/03/2016 09:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước những năm 2000, vùng biên Thanh Hóa phải đối mặt với nạn di cư tự do của đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh Tây Bắc đến, kéo theo tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên để sản xuất.

Thậm chí, họ còn tự ý xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, đồng thời tổ chức săn bắn, mang theo lối sống tạm bợ cùng các tệ nạn xã hội làm xáo động tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Nhưng rồi tình trạng bất ổn đó đã dần được giải quyết một cách thấu tình đạt lý nhờ sự cố gắng của nhiều cơ quan, đoàn thể, trong đó có những người lính mang quân hàm xanh đang làm nhiệm vụ trên địa bàn Thanh Hóa. Và, để có một vùng biên giới an yên sau lần “rừng động” ấy, không thể không nhắc tới những đóng góp của Thiếu tướng Lê Như Đức, người đã từng đảm nhiệm các chức vụ Chủ nhiệm Chính trị, Chỉ huy phó Chính trị, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa, giờ là Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh BĐBP.

Vươn lên từ đất cằn

Thiếu tướng Lê Như Đức quê ở xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, vùng đất khô cằn sỏi đá mà nhiều người vẫn gọi vui là “chiêm khê mùa thối”. Song, gian khó chỉ làm cho lòng người thêm nghị lực. Như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, “đất nghèo nuôi những anh hùng/Từ trong bão lửa lại vùng đứng lên…”, ông nội của Thiếu tướng Lê Như Đức, cụ Lê Như Sào vốn là một nông phu giàu nghĩa khí và lòng yêu nước. Rồi đến con trai cụ Sào, ông Lê Như Phúc - thân phụ của Thiếu tướng Lê Như Đức cũng trở thành một chiến sỹ Điện Biên Phủ với cương vị chính trị viên đại đội dân quân hỏa tuyến.

Chuyện về một vị tướng nơi biên ải

Thiếu tướng Lê Như Đức thay mặt lực lượng BĐBP trao tặng nhà Hữu nghị cho gia đình ông Bun Thọt Chăn Thạ Phon, bản Đắc Tà Oọc Nọi, huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, nước CHDCND Lào

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, người chiến sỹ Điện Biên ấy đã trở về với ruộng vườn, làng mạc, cùng với người vợ thảo hiền của mình là bà Lê Thị Bừng tích cực công tác, lao động để nuôi 10 người con ăn học nên người. Sau này, tám người con của hai ông bà Lê Như Phúc - Lê Thị Bừng thoát ly công tác thì có đến ba người con công tác trong lực lượng Biên phòng, trong đó có Lê Như Đức. Có thể nói, vùng quê giàu truyền thống cách mạng, dòng họ Lê Như giàu tinh thần yêu nước đã truyền lửa cho những người con ưu tú của mình, để họ mang ngọn lửa ấy sưởi ấm cho biết bao vùng quê cam khó, xa xôi trên mọi miền tổ quốc.

Năm 1979, khi trúng tuyển đại học, Lê Như Đức là một trong những niềm tự hào của thế hệ học viên khoa trinh sát, khóa II trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Sự kỳ vọng, hy sinh của mẹ cha đã nâng bước và thôi thúc ông luôn nỗ lực học tập, giành thành tích cao trong các kỳ thi. Là một trong số ít học viên được chọn làm luận văn tốt nghiệp, Lê Như Đức đã bảo vệ luận án đạt loại xuất sắc và được cử đi báo cáo Bộ Tư lệnh. Năm 1983, ra trường giữa lúc biên cương có biến, Lê Như Đức cùng đồng đội tỏa đi nhận nhiệm tại các vùng biên giới phía Bắc. Trong hai năm 1983, 1984, ông đảm nhận vai trò Đồn phó Trinh sát tại đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn.

Đối với một “lính mới” vừa ra trường như Lê Như Đức, đó là quãng thời gian huấn luyện đầy ý nghĩa với cường độ đặc biệt lớn, yêu cầu đặc biệt cao để xây dựng bản lĩnh chính trị, ý‎ chí quyết tâm và kỹ năng chiến đấu cho chính mình. Đồn phó Đức luôn âm thầm tự nhủ mình phải vượt qua sao cho xứng đáng với truyền thống của ông cha. Và cũng ở đó, Đồn trưởng Triệu So - người cán bộ gần dân, sát dân đã trao truyền cho ông những bài học chính trị thực tiễn đầu tiên khi giải quyết xuất cảnh cho Hoa kiều về nước, từ những lần xuống bản làm công tác vận động quần chúng…

Khắc ghi lời dạy của Bác

Năm 1986, Lê Như Đức được điều động về công tác tại phòng cán bộ Bộ Tư lệnh BĐBP. Ghi nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, Lê Như Đức đã không ngừng học tập nâng cao trình độ để có vốn hiểu biết sâu sắc về Công tác cán bộ trong Quân đội nói chung và BĐBP nói riêng, đồng thời miệt mài tự nghiên cứu, tìm đọc các tài liệu, báo cáo của các đơn vị gửi về để trau dồi thêm kiến thức của bản thân.

Những anh em từng công tác với Lê Như Đức tại phòng Cán bộ thời kỳ này vẫn thường nhắc đến Kế hoạch giải quyết số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ do Lê Như Đức xây dựng năm 1986. Đây chính là thời gian Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp nhận lại BĐBP các tỉnh, thành phố từ Bộ Chỉ huy Quân sự, Quân khu để xây dựng lại hệ thống và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Giữa lúc giao thời, bài toán khó đặt ra lúc này là sự mất cân đối cán bộ, trên thì thừa, dưới lại thiếu. Bản kế hoạch đề ra những mục tiêu điều chỉnh cán bộ hợp lí, phương pháp triển khai thực hiện đảm bảo hài hòa, công bằng và phát huy được năng lực, phẩm chất cán bộ trong môi trường công tác mới đã được thông qua và thực hiện hiệu quả, nhanh chóng ổn định lực lượng, tạo nên một khối sức mạnh mới.

Sáu năm sau, cũng chính Lê Như Đức là người tham mưu cho Đảng ủy Bộ Tư lệnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao kiến thức, hoàn thiện trình độ đại học của đội ngũ sĩ quan. Các trường học, ngành học được mở rộng, các loại hình đào tạo liên kết, liên thông được áp dụng đã mang lại cơ hội học tập và phát triển cho cán bộ chiến sỹ toàn lực lượng.

Với hoạch định chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận, Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP đã nhìn thấy ở Lê Như Đức những yếu tố quan trọng để có thể phát triển lâu dài. Năm 1998, ông được điều đi thực tế tại cơ sở và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Chủ nhiệm Chính trị, Chỉ huy phó Chính trị, Chính ủy BĐBP Thanh Hóa cho tới năm 2008. Mười năm công tác tại quê nhà là mười năm ông dành mọi khoảnh khắc để làm việc và làm việc.

Trăn trở với biên cương

Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, nhớ lại: “Hồi đó vùng biên Thanh Hóa phải đối mặt với nạn di cư tự do của đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh Tây Bắc chuyển về làm ăn sinh sống, kéo theo tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên để sản xuất. Tôi nhiều lần cùng đoàn công tác đến vận động bà con hồi hương, song gần như không đạt hiệu quả. Nếu cứ để như vậy thì không ổn. Sau đó, tôi chủ động đi điền dã dọc tuyến biên giới để tìm phương án khác”.

Chuyện về một vị tướng nơi biên ải

Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP cùng Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP (đứng giữa) tặng bò cho đồng bào nghèo biên giới

Theo tập quán của đồng bào Mông, bà con ít khi ở lâu tại một nơi, sau vài ba mùa ngô, khi đất bạc màu hoặc khi bà con cắm con dao xuống đất mà không còn thấy mùi tanh nữa thì sẽ lại bỏ đi tìm đất mới. Nếu không có chính sách tiếp nhận, quản lí thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn, nguy hại đến tình hình an ninh trật tự địa bàn biên giới và lâu dài là an ninh chính trị khu vực. Truyền thống của dân tộc ta là có an cư mới lạc nghiệp, phải giúp bà con định canh định cư, điều đó trở thành mệnh lệnh thôi thúc Lê Như Đức hành động. Ông tham mưu cho UBND tỉnh giao cho mỗi Sở, ban, ngành đỡ đầu một bản giáp biên, có trách nhiệm giúp cho chòm bản được phân công xóa đói giảm nghèo, xây dựng hương ước của bản, quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở cùng các công trình phúc lợi công cộng…

Đầu những năm 2000, một luồng gió mới đã đến với 51 bản giáp biên của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú, Thái… thuộc địa bàn 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Những con đèo chênh vênh, những lòng suối đầy đá cuội, những vạt rừng thâm u vốn không mấy khi có dấu chân người một ngày kia bỗng rộn ràng tiếng nói, tiếng cười của những cán bộ các Sở, ban, ngành cùng những người lính biên phòng của tỉnh Thanh Hóa lên đây giúp bà con xây dựng bản mới, mang lại niềm vui và một mái ấm đúng nghĩa cho đồng bào.

Ông Đinh Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đã có một cách ví von rất mộc mạc: “Ngày ấy, các bản mới của dân di cư như Nàng 1, Nàng 2, bản Ón 1, Ón 2,  bản Co Cài… của các xã Mường Lý, Trung Lý, Tam Chung thực sự đã có được một cơ hội lớn để phát triển và hòa nhập cùng cộng đồng các dân tộc bản địa. Những bản không tên giờ đây đã có điện, đường, trường trạm, có lãnh đạo thôn bản. Đó thực sự là ước mơ bao đời của bà con. Có được sự chuyển biến lớn mang tính lịch sử trên vùng biên giới này là nhờ tầm định hướng chiến lược của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chung sức đồng lòng của các cơ quan, ban ngành và đặc biệt là những cán bộ chiến sĩ BĐBP như Thiếu tướng Lê Như Đức”.

Và giờ đây, vượt lên sau mỗi cơn biến động, tình người các dân tộc trên biên giới xứ Thanh đã dệt trên đất biên cương bạt ngàn màu xanh no ấm. Trong nhịp sinh sôi của thiên nhiên, nhịp phát triển của cả một vùng đất lớn ấy, có biết bao tâm sức của những người chiến sĩ quân hàm xanh như Thiếu tướng Lê Như Đức. Con người ấy vẫn nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ, nhưng tầm vóc của ông, những cống hiến thầm lặng của ông đã vượt trên những tàn lá, có sức lan tỏa mạnh mẽ theo tiếng núi tiếng rừng, tiếng sông, tiếng suối. Ông đã sống và cống hiến xứng đáng với sự kì vọng của gia đình, niềm tin yêu của đồng đội, sự thương mến của bà con các dân tộc thiểu số nơi biên cương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một vị tướng nơi biên ải