Ở một con phố nằm ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội, có một gia đình tứ đại đồng đường sống cùng nhau trong một mái nhà đã gần 60 năm. Câu chuyện về “nếp nhà” này vẫn thường được bà con xóm phố nhắc đến như một tấm gương sáng về truyền thống gia đình.
Căn nhà có… 28 nhân khẩu
Nếu chưa được nghe chuyện về gia đình cụ Nguyễn Thị Tề, chắc hẳn không ai có thể tin được rằng, ở giữa phố cổ tấc đất tấc vàng của Thủ đô, phía sau cửa hàng nhỏ bán đồ chơi trẻ em trên phố Hàng Cân, có một ngôi nhà có đến 28 nhân khẩu cùng sinh sống đã mấy chục năm nay.
Tôi gặp ông Nguyễn Viết Thành – con trai cả cụ Tề vào buổi chiều khi ông vừa đón cháu đi học về. Đứa cháu gái xinh xắn là cháu nội ông, chắt nội của cụ Tề năm nay mới tròn 3 tuổi, lí lắc chạy khắp nhà. Ông đưa tôi vào thăm căn phòng khách, cũng là phòng ăn, phòng sinh hoạt chung của đại gia đình.
Căn phòng nhỏ chưa đầy 20m vuông, treo đầy ảnh gia đình, tranh thư pháp chữ Hiếu và cả bức “Những điều răn dạy của Khổng Tử” trang trọng trên tường, cùng chiếc tủ gỗ cũ và một chiếc bàn tròn. Ông Thành bảo, đây là nơi tụ họp của cả gia đình vào mỗi bữa cơm chiều, khi các thành viên trong nhà đã tề tựu đông đủ sau một ngày học tập, làm việc bận rộn.
Căn phòng sinh hoạt truyền thống của đại gia đình cụ Tề
Kể chuyện về gia đình mình, ông Thành chậm rãi nói: “Nhiều người biết gia đình tôi sống cùng nhau đến 4 thế hệ, ai cũng bảo lạ, nhưng tôi thì thấy rất bình thường. Từ ngày bé tôi đã quen sống cùng ông bà, đến khi lấy vợ cũng ở cùng cha mẹ chứ không chuyển ra ở riêng vì nhà không có tiền mua đất. Các em tôi cũng thế nên dần dần ai cũng quen với cuộc sống trong nhà đông người”.
Trước đây, ngày bố ông Thành còn sống, nhà ông ở tận làng Cót khu Cầu Giấy bây giờ. Từ ngày hòa bình lập lại, ông theo cha mẹ chuyển nhà lên phố Hàng Cân rồi định cư ở đó đến bây giờ được gần 60 năm. Gia đình cũng ngày một đông thành viên, từ một gia đình nhỏ có bà ngoại, cha mẹ cùng 5 đứa con 2 gái 3 trai, nay đã thành 6 tiểu gia đình với gần 30 người cùng nhau sống chung dưới một nếp nhà, ăn cơm cùng nồi, nấu chung cùng bếp.
Mỗi khi có dịp lễ Tết, ngày giỗ chạp, các con cháu tề tựu đông đủ, nhà đầy ắp tiếng cười. Đặc biệt nhất là mỗi khi đến Tết, người lớn cùng nhau gói bánh, để nấu nồi bánh chưng đủ dùng cho cả nhà, ông Thành kể phải kiếm cái thùng phuy. Mỗi bữa cơm, phải bóc đến 3 cặp bánh chưng, mỗi cặp 2 chiếc bánh vuông vức, vậy mà cũng hết sạch banh. “Nhà đông con, của ngon hay không ngon cũng hết”, ông Thành vừa cười vừa nhớ lại.
Tôi hỏi ông cho đi thăm quan căn nhà một vòng, ông vui vẻ đồng ý. Dẫn đi một lượt, chỉ vào một số căn phòng khóa cửa, ông bảo: “Nhà chỉ có phòng thờ, phòng cụ, phòng cho các cháu trẻ mới lập gia đình là riêng và khóa thôi. Còn người già chúng tôi thì xuề xòa lắm. Có hôm mệt tôi vào ngủ luôn giường em trai, rồi mấy anh em cứ thế ngủ cùng nhau luôn. Các chị em dâu thân nhau hơn chị em gái, trong nhà không có phân chia tài sản mà cái gì cũng là của chung hết”.
Ông Nguyễn Viết Thành giới thiệu căn nhà - nơi sinh sống của 28 người trong gia đình ông
Từ năm 1974, khi con trai trưởng Nguyễn Viết Thành kết hôn, đại gia đình vẫn duy trì nếp ăn cơm chung một mâm, dùng chung một bếp, chung một phòng tắm. Đến năm 2005, khi con cháu lớn, giờ giấc công việc học hành thay đổi khác nhau, bà Tề mới quyết định chia các gia đình ăn riêng cho phù hợp với lịch sinh hoạt và tiện cho con cháu trong nhà. Tuy thế, cứ mỗi dịp cuối tuần, cả nhà lại tổ chức bữa cơm “đại đoàn kết” để thắt chặt tình cảm, mỗi bận như vậy lại mang nồi cơm to đại ra dùng mới đủ cơm cho cả nhà. Dù nấu ăn riêng, nhưng các cháu trong nhà không nề hà chuyện đó, có đứa đi làm về mệt mà nhà chưa nấu cơm, thấy bác hay chú nấu cơm ngon quá cũng ngồi vào ăn. Con cháu trong nhà đều gọi người lớn là bố mẹ như bố mẹ đẻ chứ không phân biệt cô gì chú bác.
Trước năm 1993, khi cụ Thính - mẹ đẻ cụ Tề chưa mất, gia đình còn là ngũ đại đồng đường. Cụ sống đến năm 101 tuổi mới mất, từ đó đến nay, gia đình 4 thế hệ vẫn tiếp tục duy trì nếp sống xưa, thuận hòa, đầm ấm, chưa một lần xảy ra xô xát giữa các thành viên trong gia đình.
Bí quyết giữ lửa gia đình
Cụ Nguyễn Thị Tề, hiện là người lớn tuổi nhất trong gia đình. Bà năm nay ngoài 80 tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, vẫn tham gia công tác phụ nữ phường. Con cháu trong nhà ai cũng yêu mến, kính phục cụ bởi khi trong nhà có bất cứ chuyện gì cụ đều nhìn nhận, phân xử một cách công bằng, không thiên vị ai hơn.
Ngày cụ ông còn sống, mọi chi tiêu trong gia đình do một tay cụ bà quản lí, sắp xếp. Từ khi các con trai lấy vợ, cụ giao cả cho các con. Tiền sinh hoạt chung của gia đình các con để chung trong tủ, mua sắm gì đều lấy trong đó ra, có sổ ghi chép minh bạch rõ ràng nên không ai phải lăn tăn chuyện tiền nong. Mọi việc trong nhà không phân công mà chủ yếu do tính tự giác của mỗi người, ai về trước nấu cơm, ai về sau giặt quần áo, quét nhà, mỗi người một việc cùng giúp đỡ nhau.
Bởi vậy, dù trong nhà đông người, nhưng lúc nào không khí gia đình cũng vui vẻ, ấm áp, hòa thuận, không để xảy ra cãi vã mâu thuẫn, mọi người đoàn kết, gắn bó, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Các cháu đều ngoan ngoãn, biết kính trên nhường dưới, học hành thành tài, có công việc ổn định, có cháu được kết nạp Đảng từ khi còn là sinh viên.
Chị em dâu cùng nhau hùn vốn kinh doanh, mở cửa hàng ngay trước cửa nhà, bảo ban nhau làm ăn chứ không bao giờ cãi cọ, tị nạnh nhau. Thấy tôi băn khoăn, cô con dâu thứ, vợ ông Nguyễn Viết Trì, con trai thứ hai của bà Tề vui vẻ giãi bày: “Sống cùng nhau trong một nhà có hai thế hệ đã đủ phức tạp rồi, thì gia đình có bốn thế hệ như nhà tôi làm sao tránh khỏi những lúc khúc mắc, giận hờn nhau. Nhưng mỗi khi có vấn đề gì, mọi người cùng ngồi lại, bình tĩnh giải quyết, nhẹ nhàng khuyên bảo nhau, thì sẽ không để mọi việc trở nên nghiêm trọng”.
Cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều
Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc cho cụ Nguyễn Thị Tề
Có trực tiếp chuyện trò, tiếp xúc, chứng kiến cảnh sinh hoạt bình thường của đại gia đình tứ đại đồng đường này, tôi mới có thể tin rằng, thì ra trong xã hội hiện đại ngày nay, giữa đất Thủ đô phồn hoa đô hội này, vẫn còn đấy cái nếp nhà xưa. Vẫn còn những gia đình truyền thống dù qua thời gian đổi thay vẫn không bao giờ thay đổi, cố gắng gìn giữ vẹn nguyên giá trị thiêng liêng cao đẹp của hai chữ gia đình.
Từ cách họ nói chuyện, kể về nhau, tự hào về các thành viên trong gia đình cũng đủ cảm nhận thấy cái cốt cách con người, sự hiểu biết, và đặc biệt là tình yêu thương, sự tôn trọng của họ dành cho nhau. Có lẽ đó là bí quyết để duy trì cuộc sống ấm êm, thuận hòa từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác của gia đình tứ đại đồng đường.