Chuyện nhan sắc ở xứ ta: Nếu không chuyên nghiệp thì mãi loanh quanh

Hà Thu| 15/03/2018 13:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi cho rằng những giá trị thật sự thì sẽ vẫn bền vững, miễn là anh phải biết tiếp nhận cái mới và ngày càng chuyên nghiệp. Thị trường sẽ làm đúng chức năng đào thải cái kém, tiếp nhận cái tốt của nó”.

Nói đến nhan sắc Việt, nhiều người hẳn sẽ “mỏi mắt” mong chờ một lần chạm tay vào chiếc vương miện danh giá. Đó vẫn chỉ là giấc mơ chưa thành vì dù có cải thiện vị trí trên đấu trường quốc tế thì Việt Nam vẫn chưa bao giờ được hưởng một chiến thắng trọn vẹn. Chưa kể, ngày càng có nhiều cuộc thi nhan sắc mọc lên như nấm sau mưa. Nhân câu chuyện cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 chính thức khởi động, đánh dấu chặng đường 30 năm của cuộc thi này, tác giả mạn phép lạm bàn về chuyện nhan sắc ở xứ ta.

Chuyện nhan sắc ở xứ ta: Nếu không chuyên nghiệp thì mãi loanh quanh

Họp báo Hoa hậu Việt Nam 2018 hôm 14/3 tại TP Hồ Chí Minh

Có cầu ắt có cung

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018  chính thức khởi động, và cũng là thời điểm bắt đầu cho cuộc đua nhan sắc trong nước. Năm 2017, có quá nhiều cuộc thi nhan sắc đến nỗi người ta đã phải thốt lên với nhau rằng họ chẳng thể nào nhớ nổi tên của cô hoa hậu, hay á hậu nọ và cũng chẳng thể phân biệt được các cuộc thi hoa hậu vì cái tên na ná giống nhau. Đây cũng là thời điểm các cuộc thi nhan sắc và người đẹp bị “bão hòa”. Chưa kể, xung quanh các cuộc  thi nhan sắc lại có quá nhiều lùm xùm, thị phi, tai tiếng khiến công chúng khi nhìn vào phải lắc đầu ngao ngán. Thậm chí, có cả những cuộc thi “hoa hậu ao làng”, đồng nghĩa  với chất lượng của thí sinh được dự đoán từ trước. Thế nên, mới có chuyện danh hiệu “hoa hậu ao làng” của cô gái nọ bị ném đá dữ dội chỉ vì cô ta đã phẫu thuật toàn bộ khuôn mặt và cơ thể của mình.

Là người đã có nhiều năm đào tạo và đưa thí sinh đi thi các cuộc thi nhan sắc, bà Thúy Nga, Tổng Giám đốc Elite Việt Nam cho rằng: “Thật ra quan trọng nhất là chất lượng cuộc thi, chất lượng thí sinh như thế nào. Ở các nước họ chỉ quan tâm đến các cuộc thi lớn, có tiêu chí và lựa chọn thí sinh cho các cuộc thi quốc tế lớn, còn lại họ coi như những hoạt động nghệ thuật, giải trí thông thường. Bản thân khán giả đã có sự chọn lọc trong việc tiếp thu thông tin để thưởng thức. Tôi cho rằng những giá trị thật sự thì sẽ vẫn bền vững, miễn là anh phải biết tiếp nhận cái mới và ngày càng chuyên nghiệp. Thị trường sẽ làm đúng chức năng đào thải cái kém, tiếp nhận cái tốt của nó”. 

Trực tiếp đào tạo và hướng dẫn nhiều cô gái trẻ có ước mơ tham gia các cuộc thi nhan sắc, bà Thúy Nga tổng kết lại: “ Ở một mức độ nào đó tôi thấy việc các cô gái trẻ thích đi thi sắc đẹp cũng là điều bình thường khi nhu cầu trong lĩnh vực giải trí ở Việt Nam luôn đòi hỏi những gương mặt mới, nhan sắc mới”.

Theo bà Nga, ở các nước phát triển trên thế giới Hoa hậu không phải là nghề mà là danh hiệu, họ dùng danh hiệu đó cho các hoạt động xã hội, văn hoá hoặc chính trị. Tuy nhiên ở Việt Nam thì điều đó rất khó làm khi nhiều sản phẩm, khách hàng lại luôn thích hoa hậu, người đẹp cho những hoạt động của mình, điều đó dẫn đến việc nhu cầu tìm kiếm người đẹp của thị trường Việt Nam rất lớn, hầu như trong các lĩnh vực như thời trang, quảng cáo, MC, ca hát, đóng phim... đều có sự tham gia của các người đẹp. Và để cung cấp nhân lực cho các hoạt động đó mới dẫn đến việc nhiều cô gái trẻ luôn mong muốn được tham gia thi nhan sắc cho các cơ hội công việc của mình. “Khi xã hội cần thì đương nhiên sẽ dẫn đến việc phải có cung, tôi cho đó là điều bình thường cho đến khi quan điểm của thị trường Việt Nam tương đồng với các nước phát triển khác”- bà Nga nhấn mạnh.

Chuyện nhan sắc ở xứ ta: Nếu không chuyên nghiệp thì mãi loanh quanh

Đỗ Mỹ Linh, Hoa hậu Việt Nam 2016 là người đẹp Việt đầu tiên giành chiến thắng ở hạng mục Hoa hậu nhân ái tại Miss World 2017

Chung quy là ở hai chữ "chuyên nghiệp"

Chiến thắng của Hương Giang trong cuộc thi Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 được xem là “ngòi nổ” để tất cả chúng ta nhìn lại hành trình nhan sắc Việt trên đấu trường quốc tế trong thời gian qua. Mặc dù cuộc thi hoa hậu này dành cho cộng đồng LGBT nhưng vẫn nằm trong hệ thống các cuôc thi nhan sắc lớn trên thế giới. Vì thế, khó có thể nói Hoa hậu chuyển giới Quốc tế là “ngoài luồng”.

Vấn đề được đặt ra, Việt Nam đã có thí sinh đủ mạnh, đáp  ứng được một số tiêu chí cơ bản của các cuộc thi nhan sắc lớn nhưng chưa có một thí sinh nào chạm tay được vào vương miện. Chúng ta vẫn thường “động viên” nhau sau mỗi mùa nhan sắc, rằng vị trí của nhan sắc Việt trên đấu trường quốc tế đang ngày càng được cải thiện tích cực, thí sinh của ta đi thi quốc tế đã và đang không ngừng nâng cao vị thế nước nhà qua những lần lọt top chung cuộc ở những đấu trường lớn. Thành tích cao nhất của người đẹp Việt trên đấu trường nhan sắc Việt là vị trí Á hậu 3 Hoa hậu quốc tế  do người đẹp Nguyễn Hồng Thúy Vân giành được vào năm 2015. Rầm rộ và được cả truyền thông quốc tế quan tâm như Phạm Hương tại cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ năm 2015 cũng phải ngậm ngùi về tay trắng dù cô được đánh giá cao. Hay như vị trí top 11 Hoa hậu thế giới 2015 của Lan Khuê cũng phải chật vật với giành được, dù thí sinh của ta có nhiều ưu điểm nổi bật. Ngay cả trường hợp của Đỗ Mỹ Linh giành chiến thắng ở hạng mục Hoa hậu nhân ái, phần thi quan trọng nhất của Hoa hậu thế giới và chưa có người đẹp Việt nào chạm tay tới cũng chỉ dừng lại ở top 40 Miss World.

Chuyện nhan sắc ở xứ ta: Nếu không chuyên nghiệp thì mãi loanh quanh

Bà Thúy Nga, Tổng Giám đốc Elite Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Đẹp

Theo bà Nga thì vấn đề ở đây là ở hai chữ “chuyên nghiệp”. “Tôi rất muốn làm bài bản như quốc tế, cụ thể như ở Philippines. Lấy đào tạo làm gốc, bất kể cái gì cũng phải được học abc trước. Nhưng nhà mình thì lại toàn làm trên ngọn, lấy phần nổi. Nếu cứ mãi thế này thì không bao giờ tiến xa được, cứ loanh quanh thôi”- bà Thúy Nga cho biết.

Chính bà Nga nhấn mạnh: “Phải đào tạo, từ đó mới có thí sinh chuyên nghiệp đi thi các cuộc thi trong nước. Cứ tưởng tượng giả sử 1 cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam mà 30-40 thí sinh catwalk chuyên nghiệp trên sân khấu thì đẹp như thế nào. Đằng này đến chung kết rồi mà vẫn ngượng nghịu, walk vẫn phải căng thẳng để giữ thăng bằng”.

Bà Nga cũng lấy dẫn chứng về việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018. Có nhiều người đặt câu hỏi về việc thí sinh Việt Nam có đủ thời gian để chuẩn bị tham gia Miss World hay không khi chung kết Hoa hậu Việt Nam tổ chức sát với Miss World, bà Thúy Nga cho biết đó là câu chuyện dài và mọi thứ đều quay về với câu chuyện của sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực nhan sắc.

“Thực ra chúng ta có vẻ cứ có suy nghĩ rằng " thí sinh A có 9 tháng chuẩn bị, thí sinh B chỉ có 1 tháng thì làm sao kịp...". Nếu các bạn theo dõi cuộc thi hoa hậu tại nhiều nước sẽ thấy khá nhiều nước tố chức đêm chung kết sát với cuộc thi Hoa hậu thế giới nhưng thí sinh của họ vẫn đạt thành tích cao. Đó chính bởi vì chất lượng của thí sinh từ các cuộc thi hoa hậu trong nước đã quá tốt, công tác chuẩn bị rất chuyên nghiệp, vì vậy sau đêm chung kết cuộc thi trong nước hoa hậu chỉ chuẩn bị thêm một số đồ đạc cần thiết nữa là sẵn sàng lên đường. Họ luôn trong tư thế của những thí sinh chuyên nghiệp, những kỹ năng cần thiết cho cuộc thi đã nằm trong máu họ và trở thành những kỹ năng họ sử dụng thành thạo mọi lúc mọi nơi mà không cần phải cố gắng.

Ở các nước họ có trung tâm đào tạo Hoa hậu chuyên nghiệp. Những bạn gái yêu thích lĩnh vực này đều có thể tham gia từ độ tuổi trung bình 13-15, khi cơ thể đang trong giai đoạn tốt nhất cho việc rèn luyện các kỹ năng. Tại trung tâm họ được đào tạo bài bản các kỹ năng như rèn luyện thể hình, kỹ năng biểu diễn, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, tâm lý, kỹ năng toả sáng, cách bắt góc camera, cách trả lời các câu hỏi ứng xử... Và khi hoàn thành các khoá học đào tạo Hoa hậu như thế này xong,hầu hết trong số họ đã trở thành những thí sinh chuyên nghiệp cho các cuộc thi nhan sắc trong nước. Đó là lý do mọi người có thể thấy chất lượng các cuộc thi hoa hậu tại các nước rất cao vì chất lượng thí sinh của họ đã quá tốt. Nếu không có những thí sinh chuyên nghiệp thì bất kể cuộc thi hoa hậu nào dù kéo dài mấy tháng với nhiều hoạt động khác nhau cũng ko thể nào đào tạo ra những thí sinh còn non nớt trở thành những thí sinh có kỹ năng điêu luyện trên sân khấu hoa hậu được.

Đây sẽ vẫn còn là câu chuyện dài hướng tới sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực nhan sắc. Tuy nhiên nếu không bắt đầu thì mãi mãi chúng ta ko thể chạm tay vào sự chuyên nghiệp”-  bà Nga lý giải.

Được biết, năm 2018 sẽ mở đầu cho sự kết hợp chuyên nghiệp giữa cuộc thi Hoa hậu Việt Nam với đơn vị nắm bản quyền để chọn ra những đại diện xuất sắc cho các cuộc thi quốc tế. Và mục tiêu sẽ phải là những kết quả cụ thể như intop hoặc cao hơn nữa.
 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện nhan sắc ở xứ ta: Nếu không chuyên nghiệp thì mãi loanh quanh