Chuyện học ở xứ sương mù

Nam Hoàng| 23/11/2016 09:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học và Trung học cơ sở bán trú Hồ Bốn vào những ngày trời bắt đầu chuyển sang đông, sương mù chạy lênh loang đầu núi....

Có cảm giác rằng, sự hiện hữu của ngôi trường với hơn 200 học sinh người Mông này khiến cho một góc xứ sương Mù Cang Chải bớt hoang vu. Nhờ sự chung sức của các thầy cô giáo, của dân bản và sự giúp sức của nhiều tấm lòng, ngôi trường này đã và đang dần lớn mạnh dù luôn bị khốn khó bủa vây...

Hết lòng với vùng cao

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Bốn nằm nép mình trên con đường lượn quanh dốc núi, là nơi gieo mầm chữ cho hơn hai trăm học sinh, chủ yếu là những trẻ em ở các bản làng xa xôi thuộc xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đến đây các em được học cái chữ, được học cách làm người, các em có chỗ ăn, chỗ ngủ, có các bạn và thầy cô như  một đại gia đình. Một ngày của các em bắt đầu khi con chim rừng hót chào ngày mới và khi sương mù còn dày. Những đứa trẻ ở nội trú thì dậy chuẩn bị vào lớp, những đứa trẻ ở ngoại trú sẽ băng theo con đường nhỏ để đến trường…

Cô Hoàng Thị Ngân, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Bốn, người đã có nhiều năm gắn bó với ngôi trường cho biết, sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô viết đơn tình nguyện lên Mù Cang Chải dạy học từ năm 2000. Lúc bấy giờ trường còn là nhà tranh vách đất. Những ngày đứng lớp, nhìn học sinh cứ thưa dần, cô Ngân không khỏi chạnh lòng.

Ở cái huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh Yên Bái này, các em cứ hồn nhiên lớn lên như cây cỏ. Trong khi cái ăn, cái mặc còn là nỗi lo từng ngày của rất nhiều gia đình thì việc cắp sách đến trường của con trẻ còn bị coi nhẹ. Các em đã quen với cái nương cái rẫy từ khi còn trên lưng mẹ. Hầu hết các em chẳng muốn đi học, có em muốn tới trường thì bố mẹ lại bắt ở nhà trông em, phụ giúp việc gia đình. Đường sá xa xôi, hiểm trở cũng làm mòn cái chí đến trường...

Chuyện học ở xứ sương mù

Thư viện xanh khiến giờ ngoại khóa của các em trở nên thú vị

Gác lại niềm riêng, gửi con nhỏ về xuôi, cô giáo Ngân một lòng bám trụ với công việc mà cô đã lựa chọn. Có những lúc mệt mỏi, cô cũng đã từng tính đến việc xin về xuôi công tác. Nhưng nghĩ đến những đứa trẻ nghèo vùng cao, cô lại quyết tâm ở lại. Ban đầu, cô gắn bó với nó vì trách nhiệm nghề nghiệp, lâu dần, vùng đất này trở nên gần gũi, thân thương như một phần máu thịt. Cô trăn trở với cái sự nghiệp vùng cao này bằng tất cả nhiệt huyết của mình. Ngọn lửa yêu nghề của cô đã dần nhen lan sang người khác.

Trong số những giáo viên của trường, cũng có nhiều người là con em của bản, từng nhiều năm theo học ở đây. Họ thấu rõ sự cần thiết của con chữ trong việc thoát nghèo, thoát khổ, họ đã bước theo con đường sư phạm với mong muốn được trở về quê để dạy học. Thầy Sùng A Vàng là một người như vậy. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bà con dân bản cưu mang, thầy Sùng A Vàng vẫn tâm niệm rằng phải học lấy con chữ và trở lại giúp đỡ những đứa trẻ còn nhiều khốn khó. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp, người thầy giáo trẻ này đã xin về dạy tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Bốn.

Khi được hỏi nếu có điều kiện để về xuôi dạy trong môi trường tốt hơn, các thầy cô có rời xa ngôi trường này không, thầy Vàng, cô Ngân và nhiều thầy cô khác đều lắc đầu. Phần lớn họ đều có chung tâm nguyện sẽ gắn bó với nơi này. Mảnh đất Mù Cang Chải và mái trường Hồ Bốn đã trở thành máu thịt đối với họ. Nếu ban đầu họ đến với trường chỉ vì trách nhiệm thì giờ đây nơi này đã trở thành tình thân. Họ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nghề, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.

Để các em đến lớp, các thầy cô đã phải vào từng bản, đến từng nhà để vận động. Những triền núi cheo leo và sương mù giá buốt đã không ngăn cản được bước chân họ đến với  từng bản xa xôi, hẻo lánh nhất chỉ để động viên, khuyến khích cha mẹ các em cho con em đến trường. Ngày này qua tháng khác, những triền dốc in dấu chân thầy cô, từ chỗ chưa có đường, nay đã trở thành đường. Cảm động trước sự tận tụy, nhiệt tình của thầy cô nên đồng bào dần xuôi lòng cho con em mình đi học chữ, trẻ em tới trường cũng ngày một đông hơn.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Đưa được các em đến trường đã khó nhưng để giữ được các em ở lại trường không phải là việc dễ. Để các em ở lại trường và luôn có hứng thú đến lớp, các thầy cô trong trường đã có những sáng tạo trong dạy và học. Việc sáng tạo Thư viện xanh là một ví dụ. Chỉ bằng việc tái sử dụng những chai lọ, các thầy cô đã tạo cho các em một thư viện đặc biệt. Giờ ra chơi cũng như việc đọc sách trở nên thú vị hơn với các em.

Trong các điểm trường của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Bốn thì Háng Á là điểm trường xa nhất. Nói là điểm trường nhưng thực chất đó chỉ là ba gian nhà tranh vách đất làm nơi dạy học cũng chính là nơi ăn chốn ở của thầy và trò. Thời gian trước, thấy lớp học ngày càng xập xệ, không còn che được nắng mưa nên các giáo viên cùng bà con trong bản, người góp công, người góp sức để sửa sang. Giờ nom điểm trường này đã khang trang hơn rất nhiều.

Thầy Giàng A Lầu, một người gắn bó với điểm trường này từ khi mới được xây dựng kể: “Ở đây điều kiện vật chất thiếu thốn, thực phẩm thường là những đồ khô. Mà có khi cũng phải vài tuần mới có dịp xuống chợ huyện để mua về. Rau thì tự trồng thôi, chứ hoang vu, heo hút thế này, ai mang lên mà bán? Công tác ở những nơi như thế này, nếu không có tình yêu nghề cũng như yêu lũ trẻ thì rất khó để có quyết tâm bám trụ”.

Chuyện học ở xứ sương mù

Học sinh nội trú của trường tăng gia, cải thiện bữa ăn

Đáp lại tấm lòng của những thầy cô, học trò ở Háng Á đã dần muốn đến trường hơn, nhiều em còn thể hiện rõ quyết tâm học để sau này về nối nghiệp thầy đứng trên bục giảng. Giàng A Lâu là một trong những học sinh như thế. Lâu 12 tuổi, là anh lớn trong một gia đình đông anh em. Lam lũ, vất vả từ bé nên Lâu trưởng thành hơn chúng bạn rất nhiều. Em đã có thể phụ giúp cha mẹ những việc lớn nhỏ trong nhà. Ngày mới đi học, Lâu ngại lắm, vì đường đến trường khó quá, xa quá. Nhưng rồi, sự  tận tình động viên của thầy cô khiến em thấy yêu rồi say con chữ. Dần dà, Lâu thích đi học và học rất sáng dạ. “Em cố học lấy cái chữ, để sau này lớn lên được làm thầy giáo”, Giàng A Lâu tâm sự.

Cũng như A Lâu, những đứa trẻ ở Hồ Bốn được thầy cô truyền cho ý nghĩa của việc học con chữ. Các em dần biết yêu lớp, yêu trường. Cứ thế các em đến lớp thường xuyên, đều đặn hơn. Nhiều khi nghỉ lễ lâu quá, các em lại thấy nhớ trường lớp, nhớ thầy cô và các bạn. Không chỉ yêu con chữ, trường lớp, thầy cô còn dạy cho các em biết yêu lao động. Ngoài giờ học, các em còn tham gia vào việc trồng rau, nuôi lợn để tự cải thiện bữa ăn, giảm gánh nặng cho gia đình. Bên cạnh đó, đây cũng là cách mà các thầy cô ở Háng Á đang tạo cho các em biết yêu lao động.

Em Giàng Thị Ló nói rằng, tuy phải lao động để tăng gia nhưng em không thấy vất vả vì so với ở nhà thì cuộc sống đầy đủ hơn nhiều. Thương học sinh, đến bữa các cô nuôi thường nấu thêm cơm thơm dẻo. Có cơm no, các em lớn thêm bao nhiêu, đường đến trường vì thế không còn xa, còn mệt như trước. Từ thầy cô, cô nuôi đến các bạn bè, tất cả đều như một gia đình.

Nằm trên địa bàn của một trong những huyện nghèo của cả nước, nên trường Hồ Bốn còn rất nhiều thiếu thốn. Để có được mái trường xanh sạch như hôm nay đã có sự đóng góp của rất nhiều tấm lòng. Cộng với sự nhiệt huyết, tận tâm của các thầy cô giáo, sự quan tâm của Nhà nước và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, ngôi trường trong sương trắng này đã và đang ngày một khang trang hơn. Các em đã có được chỗ ăn, chỗ nghỉ đàng hoàng hơn nhưng vẫn còn đó những điểm trường mà học sinh còn đói ăn thiếu mặc, điện chưa về bản nên việc học con chữ của các em còn rất khó khăn.

Xã hội muốn phát triển thì trước hết phải đào tạo về con người, trong đó giáo dục luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đời sống của đồng bào ở Háng Á, Hồ Bốn nói riêng và Mù Cang Chải nói chung còn nhiều thiếu khó. Muốn giúp họ thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi những phong tục, tập quán cổ hủ từ ngàn đời trước đó thì phải để cho họ tiếp cận với tri thức, mà đầu tiên phải là cái chữ. Chỉ có cái chữ mới khiến con em đồng bào có thêm điều kiện vươn lên hoà nhập với cộng đồng các dân tộc anh em trong cả nước. Song, để đường đến trường của các em bớt gian nan, cần lắm sự quan tâm hơn nữa của nhiều ngành, nhiều cấp và của toàn xã hội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện học ở xứ sương mù