Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ: Vụ Su-24 biến Thổ Nhĩ Kỳ thành con rối của phương Tây

Hà Kim| 02/12/2015 09:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khi Nga hành động trong khuôn khổ của pháp luật quốc tế, Ankara lại biến thành con rối của phương Tây trong vụ Su-24”, Spunik dẫn lời chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ Koray Gurbuz.

Bình luận về những hậu quả chính trị, kinh tế và quân sự chiến lược sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại Syria, hồi tuần trước, các chuyên gia của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Ankara đang lấn sâu vào khủng hoảng chính trị giữa 2 nước và tự biến mình thành con rối của phương Tây.

Trong khi mối quan hệ giữa Moscow và Ankara đang liên tục suy giảm, chính phủ Nga lại tiếp tục ký một sắc lệnh thứ ba nhằm trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Trả lời phỏng vấn, ông Koray Gurbuz, chuyên gia quân sự thuộc Đại học Bilkent và là cựu Chủ tịch Hội đồng liên kết Thổ Nhĩ Kỳ và phe đối lập Đảng Nhân dân Cộng hòa Kemalist nhấn mạnh, Nga có quyền tham gia vào cuộc chiến toàn cầu chống Daesh (IS).

"Sự hiện diện của Lực lượng Phòng vệ Không gian vũ trụ của Nga ở Syria là điều tất yếu. Nếu Pháp, Mỹ bắt đầu ném bom Daesh, sớm hay muộn Nga cũng sẽ bắt đầu chiến dịch không kích của mình. Không giống những nước phương Tây khác, lực lượng của Nga tới Syria theo lời mời của chính phủ. Tổng thống Assad của Syria là vị lãnh đạo được quốc tế công nhận, Liên Hiệp Quốc công nhận”, ông nói.

Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ: Vụ Su-24 biến Thổ Nhĩ Kỳ thành con rối của phương Tây

Thay vì tăng cường quan hệ láng giềng tốt với Moscow, Ankara lại để phương Tây dẫn dắt

“Trong khi Nga hành động trong khuôn khổ của pháp luật quốc tế, giúp bảo vệ chính phủ hợp pháp của Syria thì phương Tây, từ lâu đã tham gia vào việc cung cấp trái phép vũ khí cho bọn khủng bố. Trong cuộc khủng hoảng tại Syria, phương Tây đã cho thấy, họ không sẵn lòng thiết lập hòa bình và trật tự tại Cộng hòa Arab Syria. Nhưng thật không may, thay vì tăng cường quan hệ láng giềng tốt với Moscow, Ankara lại để phương Tây dẫn dắt. Và thực tế, Ankara đang trở thành 'con rối' của phương Tây”, ông Gurbuz nhận định.

“Cuộc khủng hoảng trong quan hệ 2 nước đang trở nên sâu sắc hơn. Trong khi đó, Mỹ và EU lại đứng nhìn như đang chiêm ngưỡng một bức tranh, mà sau đó chỉ Nga và Thổ là chịu đau khổ”, ông tiếp.

Đồng tình với ông Gurbuz, ông Nazmi Gur, Phó chủ tịch Đảng Hòa bình và Dân chủ người Kurd cho rằng, bằng cách tiêu diệt Su-24, Thổ Nhĩ Kỳ đã giáng một đòn mạnh vào Moscow. “Thật ngây thơ khi tin rằng, mối quan hệ giữa Moscow và Ankara sau này sẽ không bị ảnh hưởng”, ông nói.

“Hậu quả của nó đã thấy ngay trước mắt, đang có sự suy giảm đáng kể về thương mại song phương. Bên cạnh đó, kinh tế, chính trị, quân sự, quan hệ ngoại giao và nhiều cái khác cũng bị ảnh hưởng. Điều này không có lợi cho cả 2 bên”, ông tiếp.

Theo nhận định của ông Gur, khi nhắm vào Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công vào an ninh khu vực. “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh khu vực. Tôi chân thành hy vọng rằng Ankara hiểu những gì họ đã làm. Tình hình an ninh trong khu vực đang xấu đi đáng kể, và điều này đã ảnh hưởng đến chúng ta, những người Kurd", ông nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hasret Comak, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Đại học Istanbul của Harel nhấn mạnh rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga là một hành đồng “cực kỳ bốc đồng” và “thiếu trách nhiệm”.

Theo ông, việc máy bay Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng vài giây, trong tình hình khó khăn như hiện nay, thay vì bắn hạ Su-24, Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ nên phản ứng theo cách khác. Ít nhất là đưa ra tối hậu thư, yêu cầu máy bay Nga cam kết không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ.

Tiếp đến, ông Comak đã nhắc lại việc nhiều lần Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận của Hy Lạp tại Aegean. Ông khẳng định, bất chấp điều này xảy ra nhiều lần, nhưng không ai bắn rơi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ cả. “Kể cả việc tàu của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lãnh hải của Hi Lạp cũng không bị đánh chìm", ông dẫn chứng.

Cuối cùng, ông Comak nhấn mạnh, quan hệ Nga - Thổ có chiều sâu lịch sử, và chúng ta không được quên điều này. Hơn nữa, hiện nay, trên 50% lượng khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Nga và Iran. Các đường ống dẫn dầu đang hoạt động, Thổ Nhĩ Kỳ rất lệ thuộc vào Nga về năng lượng, điều này, bất kỳ người dân Thổ Nhĩ Kỳ nào cũng biết.

“Nếu để cuộc khủng hoảng này leo thang hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là bên chịu nhiều thiệt hại nhất”, ông kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ: Vụ Su-24 biến Thổ Nhĩ Kỳ thành con rối của phương Tây