Xã hội

Chuyên gia nói về xu hướng chọn nghề hiện nay

Kim Sáng 27/05/2025 - 15:35

Trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều thay đổi như hiện nay, việc định hướng, chọn ngành nghề phù hợp là yếu tố quan trọng để tạo dựng tương lai vững chắc, chuyên gia Trần Anh Tuấn đã đưa ra nhiều lời khuyên cho các bạn trẻ.

Chọn ngành nghề, cấp bậc học phù hợp – Bước đi quyết định tương lai

Trong bối cảnh hiện nay, việc lựa chọn ngành nghề và cấp bậc học phù hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến con đường phát triển tương lai của mỗi học sinh, sinh viên.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho biết, tâm lý chuộng bằng cấp và chạy theo các trường đại học “hot” vẫn là xu hướng phổ biến.

Nhiều học sinh và phụ huynh tin rằng chỉ cần vào đại học là con đường nghề nghiệp sẽ rộng mở, dẫn đến việc chọn ngành học một cách cảm tính, không phù hợp với năng lực hay sở thích cá nhân.

Hệ quả, nhiều bạn trẻ sau một thời gian học rơi vào trạng thái chán nản, bỏ học giữa chừng, hoặc tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm đúng ngành, dẫn đến thất nghiệp và tiếp tục học lại ngành khác, tạo nên vòng luẩn quẩn.

499556636_24590629230525704_3934436358592365328_n.jpg
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM.

Ông Trần Anh Tuấn nhìn nhận, trong bối cảnh phát triển và hội nhập, nhân lực trình độ đại học vẫn cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng chuyên môn và sự phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường.

Do đó, học sinh cần cân nhắc kỹ khi chọn bậc học. Nếu năng lực học tập phổ thông còn hạn chế, học nghề là lựa chọn hợp lý để tiết kiệm thời gian, chi phí và dễ dàng tìm việc làm với mức thu nhập ổn định.

Theo chuyên gia, trong thời đại cạnh tranh, nhà tuyển dụng ngày càng đánh giá cao kỹ năng tay nghề, năng lực thực tiễn hơn là bằng cấp.

Do đó, hệ thống đào tạo nghề phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng chương trình sát thực tế, đồng thời cần thay đổi định kiến xã hội rằng “học nghề là dành cho người học kém”.

Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông cần được chú trọng hơn. Học sinh cần được định hướng từ sớm để có đủ thời gian khám phá bản thân và thị trường lao động. Việc này giúp các em đưa ra lựa chọn ngành nghề chính xác hơn, tránh lãng phí thời gian và công sức.

z6621180576978_4ae40c1d290d8306453b83ef8e69047b.jpg
Học sinh cần chọn ngành nghề phù hợp để tạo dựng tương lai vững chắc.

Về tình trạng lệch pha giữa cung – cầu lao động, chuyên gia cho rằng cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, doanh nghiệp, phụ huynh và bản thân học sinh. Nhà trường cần đổi mới chương trình theo hướng thực hành; doanh nghiệp cần chủ động tham gia đào tạo; phụ huynh cần thay đổi tư duy áp đặt; còn học sinh phải mạnh dạn theo đuổi đam mê, tự học và rèn luyện bản thân.

“Chọn nghề là chọn tương lai. Giá trị lao động không nằm ở tấm bằng, mà nằm ở năng lực thực hành”. Khi xã hội đánh giá đúng năng lực thay vì bằng cấp, thị trường lao động mới có thể đạt được sự cân bằng, hiệu quả và phát triển bền vững", ông Tuấn nói.

10 nhóm ngành nghề phát triển mạnh

Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay còn nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao.

Tuy nhiên, từ năm 2025 trở đi, dự báo thị trường lao động sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Việc cạnh tranh nghề nghiệp không chỉ dựa vào bằng cấp mà còn phụ thuộc vào chất lượng công việc, đam mê, trách nhiệm và khả năng nắm bắt xu hướng mới như ứng dụng AI để nâng cao năng suất.

z6644071113431_d3d682d0f02e9dd05f0bf9122a9a14e3.jpg
Học nghề cũng là định hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn hiện nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, và trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng mạnh đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là thị trường lao động. Điều này khiến cơ cấu lao động thay đổi, đòi hỏi người lao động phải thích nghi.

10 nhóm ngành nghề có xu hướng phát triển, cần nhân lực có chuyên môn được ông Tuấn chỉ ra, gồm: (1) Công nghệ thông tin & trí tuệ nhân tạo (khoa học máy tính, AI, phần mềm, an toàn thông tin, dữ liệu, thiết kế vi mạch); (2) Kỹ thuật cơ điện & tự động hóa (ô tô, điện tử, chip, vật liệu, nano, năng lượng xanh); (3) Kinh tế số & quản trị (quản trị kinh doanh số, tài chính công nghệ, marketing số, logistics); (4) Kiến trúc & xây dựng (Thiết kế đô thị thông minh, xây dựng giao thông, môi trường, thời trang, mỹ thuật số); (5) Du lịch & dịch vụ (lữ hành, nhà hàng – khách sạn, dịch vụ ăn uống);

(6) Khoa học xã hội & truyền thông (luật, tâm lý, nhân sự, truyền thông đa phương tiện, ngôn ngữ, quan hệ quốc tế); (7) Giáo dục (sư phạm giáo dục, sư phạm kỹ thuật, công nghệ giáo dục); (8) Y tế & chăm sóc sức khoẻ (y, dược, công nghệ y sinh, điều dưỡng, thẩm mỹ); (9) Nông – lâm – thủy sản & công nghệ thực phẩm (công nghệ sinh học, hóa dược, mỹ phẩm, thực phẩm); (10) Văn hoá & thể thao (nghệ thuật, nghệ thuật số, thể dục thể thao, kinh tế thể thao và marketing).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia nói về xu hướng chọn nghề hiện nay