Chuyên gia nhận định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe năm 2022

Minh Khang| 29/07/2022 21:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành sức khỏe, mức điểm nhìn chung không có nhiều biến động so với năm ngoái. Kết quả này, theo nhiều chuyên gia giáo dục là khá phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Bộ GD&ĐT vừa công bố quyết định về việc xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2022.

Theo đó, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2022 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi như sau:

Chuyên gia nói gì về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe năm nay? - Ảnh 2.
Chuyên gia nói gì về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe năm nay? - Ảnh 3.

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố quyết định về việc xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2022, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này đã được trao đổi. Đa số các ý kiến cơ bản đều cho rằng ngưỡng điểm như vậy phù hợp do đại dịch COVID-19, các em học sinh dự thi tốt nghiệp năm nay đã gặp nhiều khó khăn do học tập vừa trực tiếp vừa trực tuyến.

TS Phạm Văn Tác - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho biết: "Tôi cho rằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề vừa được quyết định là rất phù hợp. Do đại dịch COVID-19, các em học sinh dự thi tốt nghiệp năm nay đã gặp nhiều khó khăn do học tập vừa trực tiếp vừa trực tuyến.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra thành công, hợp lý, công bằng, hiệu quả, khách quan. Qua thông tin của Bộ GDĐT, chúng ta thấy chất lượng đề thi về cơ bản giữ được như năm trước và chất lượng đầu vào như vậy là phù hợp".

Năm nay, số lượng đăng ký vào đại học có tăng lên một chút. Tuy nhiên, với ngành Y có một số tác động nhất định do điều kiện COVID-19. Do vậy, ngưỡng điểm như vậy phù hợp với tất cả, trường công lập cũng như trường ngoài công lập. Đồng thời, tập trung nhiều vào các ngành lớn như Y đa khoa, Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, đều là những đối tượng mà ngành Y tế đang rất cần, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 - những người trụ lực trong phòng, chống dịch cũng như chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Chuyên gia nói gì về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe năm nay? - Ảnh 4.

Ngành chăm sóc sức khỏe là ngành đặc biệt, tuyển dụng đặc biệt, đào tạo đặc biệt, đãi ngộ đặc biệt và chính những đặc biệt ấy đòi hỏi những người đảm bảo cơ bản về kiến thức để có thể theo đuổi được ngành nghề này. Ảnh minh họa

Trong khi đó, PGS.TS. Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học Trường Đại học Y Hà Nội phân tích: "Chúng tôi đánh giá rất cao kết quả thảo luận để đưa ra kết luận ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khoẻ cấp chứng chỉ hành nghề. Quyết định được đưa ra dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn. Bao gồm: phân tích tổng điểm của các môn Toán, Hóa, Sinh thuộc tổ hợp B00 và so sánh với kết quả các năm 2020, 2021; phân tích đánh giá mức độ khó, mức độ phân hóa của các môn Toán, Hoá, Sinh 2022 so với các năm 2020, 2021; xét đến các điều kiện tổ chức học tập của bậc phổ thông, nhất là trong thời kỳ bị dịch bệnh ảnh hưởng liên tục từ năm 2019 đến nay.

Trên cơ sở tổng chỉ tiêu của các trường có đào tạo ngành sức khỏe, cả công lập và ngoài công lập, chúng tôi cho rằng mức điểm này là phù hợp. Một là đảm bảo được chất lượng để các em có thể theo đuổi, học được các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ mà không ảnh hưởng đến việc đáp ứng các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Hai là đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và yêu cầu đổi mới của chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng sức khoẻ người dân và nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế của đất nước trong thời gian tới, tầm nhìn đến năm 2025-2030".

PGS.TS. Lê Đình Tùng cho biết, Trường ĐH Y Hà Nội xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo của nhà trường tương tự như năm 2020, ổn định xu hướng đến năm 2025 bao gồm cả ngành đạo tạo và tổng quy mô đào tạo. 

Trường ĐH Y Hà Nội áp dụng 5 phương thức theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT. Khi các phương thức tuyển thẳng không tuyển đủ chỉ tiêu thì sẽ chuyển chỉ tiêu này để xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do đó, các em điểm cao mạnh dạn lựa chọn, đăng ký vào trường trên cơ sở tổng điểm 3 môn Toán, Hoá, Sinh mà các em đã được biết. 

Do số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển đại học cao hơn năm 2021, để tránh quá tải hệ thống, sau khi tìm hiểu, các em nên suy nghĩ và đăng kí nguyện vọng sớm, không nên để dồn vào những ngày cuối cùng.

Ngành chăm sóc sức khỏe là ngành đặc biệt, tuyển dụng đặc biệt, đào tạo đặc biệt, đãi ngộ đặc biệt và chính những đặc biệt ấy đòi hỏi những người đảm bảo cơ bản về kiến thức để có thể theo đuổi được ngành nghề này.

Trong bối cảnh nhiều ngành có xu hướng giảm hoặc giữ nguyên mức điểm sàn như với năm ngoái, thì việc nhóm ngành sức khỏe có mức điểm này năm nay, theo TS. Vũ Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định là khá phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

TS. Vũ Văn Thành lưu ý, các em học sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng cần lưu ý: đăng ký nguyện vọng đầu tiên phải là ngành/trường mình yêu thích và muốn học nhất căn cứ vào điểm sàn mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Năm ngoái và năm kia, điểm sàn của khối ngành sức khỏe có 3 mốc: 22 điểm với các ngành y khoa, răng hàm mặt; 21 điểm với các ngành y học cổ truyền, dược học; 19 điểm với các ngành hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, điều dưỡng, y học dự phòng, kỹ thuật phục hồi chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia nhận định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe năm 2022