Tại buổi thuyết trình: “Khoa học để có cơ sở đánh giá việc dạy-học đánh vần tiếng Việt hiện nay”, chia sẻ về “Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục” theo nhiều chuyên gia, sách công phu nhưng tài liệu này còn nhiều hạn chế.
Vẫn còn những "hạt sạn"
GS-TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học-chuyên gia hàng đầu về ngữ âm học đã phân tích những điểm hạn chế trong cuốn sách “Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại.
GS-TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.
Theo GS-TS Nguyễn Văn Lợi, ông không bàn đến việc đúng sai về mặt tâm lý sư phạm của các mô hình dạy học tiếng Việt từ âm đến chữ (chương trình Công nghệ giáo dục) và mô hình dạy từ chữ đến âm (cách dạy học tiếng Việt truyền thống) mà chỉ phân tích về mặt ngôn ngữ. Mô hình dạy đi từ âm đến chữ là đi từ trừu tượng đến cụ thể. GS Hồ Ngọc Đại và nhóm tác giả làm sách nhấn mạnh rất nhiều đến việc phân biệt âm là vật thật và chữ là vật thay thế. Tuy nhiên GS-TS Nguyễn Văn Lợi cho rằng, mối quan hệ giữa âm và chữ, vật thể và vật thay thế cũng chỉ mang tính chất tương đối…
Theo các chuyên gia, ngoài ra, sự hình thành kỹ năng nghe-nói-đọc-viết của trẻ diễn ra từ từ, trong quá trình phát triển có sự bắt chước từ cha mẹ và người xung quanh. Trong tâm thức của trẻ 6 tuổi, hệ thống ngữ âm, âm vị học chưa thực sự hoàn thiện.
“Vốn từ của trẻ 6 tuổi chỉ khoảng vài ngàn từ. Vì vậy, việc dạy học và đánh vần đi từ trừu tượng đến cụ thể (phương pháp trong sách Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại) là chưa phù hợp với năng lực của trẻ 6 tuổi người Việt”, GS Nguyễn Văn Lợi chia sẻ.
Theo GS Lợi, nếu dạy tiếng Việt theo phương pháp trong sách “Công nghệ giáo dục”, người biên soạn phải giải thích các khái niệm trừu tượng, phức tạp của ngữ âm học bằng các từ ngữ khái niệm thông thường, điều này là không dễ.
Những vấn đề chuyên sâu về ngữ âm học này, kể cả người lớn không có kiến thức đầy đủ về ngữ âm học cũng rất khó để hiểu, chưa nói đến việc đem nó dạy cho trẻ 6 tuổi.
Tài liệu “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” yêu cầu phân biệt giữa âm và chữ, nhưng chính các tác giả đã nhầm lẫn giữa các khái niệm âm với chữ, vần và âm… “Tôi lấy làm tiếc khi qua hai vòng thẩm định của Hội đồng quốc gia mà tài liệu Công nghệ giáo dục lại vẫn còn những hạt sạn như thế”- GS Nguyễn Văn Lợi chia sẻ.
Chỉnh sửa để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới
Cũng bàn về vấn đề này, cô Bùi Thanh Hoa - Trường Đại học Tây Bắc cho hay, Liệu có giải thích nào cho việc cách xác định âm và vần của sách “Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục” bị nhầm lẫn, nhưng kết quả cuối cùng là học sinh học theo sách vẫn viết được chính tả và đọc thông, viết thạo tiếng Việt.
Đặc biệt, những học sinh từng học chương trình “Công nghệ giáo dục” cũng có phản hồi là họ học rất vui, không hề cảm thấy áp lực, hay kiến thức khó hiểu.
Về điều này, GS Nguyễn Văn Lợi cho biết, ông đánh giá những hạn chế, ưu việt của tài liệu “Công nghệ giáo dục” đứng trên quan điểm của người nghiên cứu ngôn ngữ học, nghiên cứu tiếng Việt, chứ không biết trong nhà trường dạy như thế nào.
GS Lợi cũng đưa ra một lý lẽ: “Cháu tôi không học đánh vần cũng đã đọc được chữ. Nên tôi nghĩ ở đây không cần một cơ sở ngôn ngữ học nào để giải thích cho việc cách dạy không phù hợp nhưng học sinh vẫn biết đọc, viết”.
Trao đổi về những ý kiến này, GS-TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng, trong thực tế, qua những lần thẩm định, các "hạt sạn" trong sách “Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục” đã được hội đồng thẩm định chỉ ra và nhóm làm sách đã tiếp thu, có những chỉnh sửa.
“Sắp tới thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại sẽ chỉ dùng một thời gian nữa thôi. Còn muốn đưa vào trường giảng dạy cũng sẽ phải chỉnh sửa để phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới và được hội đồng thẩm định thông qua”, GS Nguyễn Văn Hiệp khẳng định.