Đã phạm tội thì phải trả giá, âu đó cũng là quy luật, nhưng suy cho cùng, mỗi phạm nhân đều giống như những đứa con buốt xót, gai ngạnh của bà mẹ cuộc đời.
Lâu nay, người ta vẫn nghĩ “thế giới người tù” chỉ rặt những câu chuyện thê lương, nhuốm màu u ám. Thế nhưng, đằng sau mỗi cánh cổng trại giam vẫn còn có rất nhiều câu chuyện về những người cán bộ ngày đêm trăn trở để làm sao xây dựng được một môi trường cải tạo khang trang, bề thế, lành mạnh nhất, giúp cho hành trình phục thiện của mỗi một mảnh đời lầm lỗi bớt chông gai và không còn xa thăm thẳm.
Ban Giám thị Trại giam Thủ Đức tặng quà cho các cháu theo mẹ vào trại
Dùng lòng nhân khơi điều thiện
Đã phạm tội thì phải trả giá, âu đó cũng là quy luật, nhưng suy cho cùng, mỗi phạm nhân đều giống như những đứa con buốt xót, gai ngạnh của bà mẹ cuộc đời. Dù muốn dù không, họ cũng đã hiện diện trên thế gian này. Và khi đã trót sa chân, lầm lỡ, họ luôn cần một nơi an lành và sáng trong để bắt đầu làm lại cuộc đời. Chính vì cái triết lý đầy tính nhân văn ấy mà từ nhiều năm nay, các trại giam trên cả nước đã và đang cố gắng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi phạm nhân, từ nơi ăn, chốn ở đến sân thể thao, sách báo hay thư viện. Tất cả những thứ đó đã góp phần an ủi và xoa dịu đi rất nhiều những hờn tủi đời tù.
Trong những trại giam mà tôi đã từng qua, có lẽ sẽ không quá lời khi nói rằng Thanh Lâm là một trong những đơn vị có sự trưởng thành vượt bậc cùng với nhiều cách làm hay, nhiều phong trào độc đáo trong công tác giáo dục người lầm lỡ. Nếu nhìn vào cơ ngơi khang trang với một khu hành chính cùng nhiều phòng ở, phòng cho phạm nhân và hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp hôm nay, ít ai biết rằng lúc mới được thành lập, Trại giam Thanh Lâm chỉ vẻn vẹn có 52 cán bộ và 2.758 héc ta, trong đó chủ yếu là rừng rậm, đất trống, đồi núi trọc nằm ở phía Tây Nam huyện Như Xuân, Thanh Hóa.
Thật khó đong đếm được biết bao tâm huyết, bao giọt mồ hôi và cả máu của tập thể cán bộ chiến sĩ và phạm nhân ở đây đã đổ xuống đất cằn để màu xanh sự sống ngời lên nơi núi rừng xa vắng. Thanh Lâm ngày nay mang dáng vẻ của một khu lao động sinh thái với những khuôn viên được thiết kế đẹp mắt, những hàng cây rợp bóng và mặt hồ trong soi bóng trời xanh. Với 6 phân trại và 2 điểm sản xuất, Thanh Lâm giờ đây là “ngôi nhà chung” của hơn 500 cán bộ chiến sĩ và hàng ngàn phạm nhân đang thi hành án. Đồng thời, Trại cũng đang sở hữu hàng trăm héc ta đất sản xuất, 163 héc ta rừng trồng, chăm sóc bảo vệ 1.700 héc ta rừng nguyên sinh. Mỗi năm, các phân xưởng sản xuất, hàng chục cánh rừng và đồng ruộng xanh bạt ngàn này đã mang lại cho Trại một nguồn thu đáng kể. Đó không những là tiền đề để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Trại ngày một khang trang, bề thế hơn mà còn góp phần nhất định vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với những ai lầm đường lạc lối, chúng ta phải giang rộng đôi tay, cảm hóa họ, phải khoan hồng độ lượng…”, các cán bộ quản giáo ở đây đã thực hiện tốt những biện pháp thiên về cảm hóa, đắc nhân tâm, giúp phạm nhân tự nhìn vào sai lầm của mình để thành tâm sửa chữa, tu tâm dưỡng tính chứ không phải do bị ép buộc, cưỡng bức. Cải tạo bằng lao động, bằng những bài học nhãn tiền, những phương pháp ấy đã góp phần thúc đẩy tinh thần “tự cải tạo, tự chỉnh huấn” của mỗi phạm nhân. Nhờ vậy, tỷ lệ tái phạm của những phạm nhân từng có thời gian thụ án ở Thanh Lâm cũng rất thấp. Phần lớn phạm nhân sau khi mãn hạn trở về với cuộc sống đời thường đã biết vươn lên làm lại cuộc đời.
“Thắp sáng ước mơ hoàn lương”
Làm sao để những người phạm tội chấp hành án phạt tù ở các trại giam tiến bộ, hoàn lương qua lao động cải tạo, để khi trở về cộng đồng thật sự có ích cho gia đình và xã hội? Làm sao để họ hiểu rằng các cán bộ Trại đang tạo mọi cơ hội cho họ hướng thiện, hoàn lương, tạo cho họ được quyền học tập, vui chơi và nghỉ ngơi? Đó là những câu hỏi luôn đay đả trong đầu Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức. Để rồi bằng một tư duy minh triết, am hiểu sâu sắc xã hội học và tội phạm học, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và trên hết là bản lĩnh của một sĩ quan công an, anh Thông đã từng bước cho áp dụng nhiều sáng kiến, đổi mới đem lại nhiều kết quả hết sức tích cực trong công tác cải tạo và giam giữ phạm nhân.
Việc hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân luôn được các trại giam chú trọng, quan tâm
Xuất phát từ suy nghĩ để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho thân nhân phạm nhân thăm gặp phạm nhân, từ đó phát huy vai trò của gia đình trong cải tạo giáo dục của trại, cuối năm 2006, Đại tá Trần Hữu Thông đã mạnh dạn xin ý kiến cấp trên cho mở văn phòng đại diện tại bến xe Miền Đông, TP Hồ Chí Minh và hợp đồng xe đưa đón thân nhân gia đình phạm nhân làm thủ tục đến thăm con em họ đang thi hành án tại trại. Vậy là hơn 10 năm qua, những chuyến xe đưa đón gia đình phạm nhân từ bến xe Miền Đông đến trại thăm người thân đã trở thành cầu nối nghĩa tình giữa phạm nhân với gia đình, giữa gia đình phạm nhân với trại.
Năm 2008, nhằm khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhân trong phạm nhân và cán bộ để giúp đỡ cho những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật, gia đình nghèo túng không có điều kiện thăm nuôi, anh Thông đứng ra phát động anh em trong toàn đơn vị xây dựng lên quỹ Tấm lòng vàng. Sau nhiều năm, quỹ này đã huy động được hàng tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 7000 lượt phạm nhân ốm đau và phạm nhân không có người thăm nuôi. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều, song đã mang lại những bài học giá trị về tinh thần tương thân tương ái, để trong mỗi người từng một thời lầm lỗi nhen lên ngọn lửa ấm áp của tình người, của khát vọng hoàn lương.
Bên cạnh đó, anh Thông cùng Ban Giám thị còn thường xuyên tổ chức, phát động các phong trào, chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần cho phạm nhân. Nhiều phong trào như đọc sách và làm theo sách với chủ đề “Nói lời hay, hành động đẹp”, thi vẽ tranh với chủ đề “Khát vọng hoàn lương”, thi viết “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”...hay các buổi tọa đàm, giao lưu “Hạt giống tâm hồn - Gieo niềm tin cuộc sống”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “Ký ức hôm qua, niềm tin hôm nay”... đã mang lại những bài học cuộc sống có giá trị và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều phạm nhân tham gia thi đua tiến bộ. Từ những phong trào, cuộc thi này nhiều phạm nhân đã phát huy được năng khiếu của mình và giúp cho Ban Giám thị cùng Hội đồng quản giáo có thêm nhiều sáng kiến trong cải tạo giáo dục phạm nhân.
Hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân
Với hơn 4.200 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, Trại giam số 6 – Bộ Công an là một trong những đơn vị trại giam có số lượng phạm nhân đông nhất cả nước tính đến thời điểm hiện nay. Trong những năm qua, công tác dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân luôn được lãnh đạo Trại quan tâm, chú trọng nhằm đảm bảo cho mỗi trại viên sau khi hết hạn cải tạo, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có thể hòa nhập cộng đồng, trở thành người sống có ích cho gia đình, xã hội. Hơn nữa, việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phạm nhân từ chính kết quả lao động của họ cũng đã tạo nên sự say mê, hứng thú. Thông qua việc học nghề, phạm nhân không chỉ biết quý trọng đồng tiền được làm ra từ chính mồ hôi, nước mắt của mình mà còn thêm trân trọng thành quả lao động của người khác.
Mỗi khi tiếp nhận phạm nhân mới, Ban Giám thị Trại giam số 6 sẽ căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nguyện vọng, hoàn cảnh của từng phạm nhân để sắp xếp, bố trí họ lao động và theo học các ngành nghề phù hợp như: chăn nuôi, trồng trọt, nề, may mặc, khâu bóng, làm chiếu trúc, lông mi giả... Ngoài việc chú trọng đưa lao động vào nhà xưởng, đảm bảo an toàn công tác quản chế, giam giữ, Trại còn phối hợp với các công ty, đơn vị bên ngoài để vừa giúp phạm nhân học nghề, vừa bao tiêu sản phẩm. Nhờ tạo dựng được quan hệ và niềm tin nên trong nhiều năm qua đã có rất nhiều phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt đã được các công ty như Công ty Mây tre đan Đức Phong, Công ty Dụng cụ thể thao Hoàng Long… nhận vào làm việc và đã phát huy rất tốt tay nghề, phần việc của mình.
Cũng có nhiều phạm nhân khác sau khi ra trại, với tay nghề có được đã tự mình đi lên từ chính nơi vấp ngã, lập nên các công ty, trở thành chủ xưởng và quay trở lại giúp đỡ các phạm nhân khi chấp hành xong án phạt bằng cách nhận vào làm việc tại cơ sở của mình. Điển hình như anh Phạm Thiết Tưởng trú tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), sau khi mãn hạn tù, với nghề học được trong trại giam, anh đã mở 2 xưởng gara ôtô, nhận truyền nghề cho hơn 100 người, 11 lao động đang làm việc là những người đã từng lầm lỡ. Hay như anh Nguyễn Ngọc Xuân trú tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), sau khi chấp hành xong bản án 7 năm tù, trở về quê ở xã Nghĩa Hội, nhờ tay nghề vững vàng, được trau chuốt từ những năm tháng trong trại giam, anh trở thành ông chủ, nhận nhiều người đã từng lầm lỡ vào làm việc.
Thông thường thì đằng sau mỗi phạm nhân, mỗi mảnh đời lầm lỡ luôn kéo theo rất nhiều thân phận phải hứng chịu những mất mát, đớn đau. Mỗi thân phận ấy, người nón mê, kẻ váy đầm, nhưng nỗi đau nào cũng lớn lao. Thế nên việc cảm hóa phạm nhân, hướng họ về con đường sáng không chỉ giúp cho chính bản thân họ, mà còn góp phần làm giảm những nỗi đau cho xã hội. Cũng từ cái góc nhìn đầy tính nhân văn ấy mà trong suốt nhiều năm nhiều tháng qua, cùng với Thanh Lâm, Thủ Đức hay Trại 3, Trại 6, các trại giam trên cả nước đã và đang cố gắng, nỗ lực, cụ thể hóa bằng nhiều hành động nhằm giúp đỡ phạm nhân “vượt lên số phận, làm lại cuộc đời”. Đáp lại những tấm chân tình ấy, hy vọng rằng mỗi dáng “áo sọc” sẽ sớm “lột xác” để tìm về nẻo thiện.