Chuyện của những luật sư kiến nghị tăng lương cho Thẩm phán

Nguyên Bình| 12/09/2018 21:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ Tòa án nói chung, đối với các chức danh tư pháp nói riêng hiện nay chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và tính đặc thù của công tác Tòa án.

Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị quốc gia cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Đó cũng là lý do của một số luật sư khi đưa ra kiến nghị về việc tăng lương cho Thẩm phán hiện nay.

Mức lương cán bộ Tòa án hiện nay quá thấp

Tiền lương là mối quan tâm hàng đầu và là động lực làm việc của người lao động trong bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Do vậy, việc xây dựng một hệ thống tiền lương khoa học, hợp lý làm đòn bẩy kích thích năng suất, hiệu quả lao động luôn là nhiệm vụ lớn đặt ra cho các cơ quan Nhà nước.

Qua các lần cải cách chính sách tiền lương cho thấy, nếu như giai đoạn trước 2004, lương của cán bộ, Thẩm phán TAND đều cao hơn lương của công chức hành chính từ 1 đến 2 bậc, tương quan (gần bằng) lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang, thì trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay, lương của các chức danh tư pháp của TAND không có khoảng cách với lương của cán bộ, công chức hành chính nữa. Thậm chí lương của cán bộ, Thẩm phán TAND bằng lương của cán bộ, công chức khu vực hành chính, đồng thời nới rộng khoảng cách (thấp hơn nhiều) so với lương của sĩ quan làm nhiệm vụ tư pháp trong lực lượng vũ trang.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ Tòa án nói chung, đối với các chức danh tư pháp nói riêng hiện nay chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và tính đặc thù của công tác Tòa án, chưa tạo sức thu hút đối với nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong ngành Tòa án.

Chuyện của những luật sư kiến nghị tăng lương cho Thẩm phán

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Luật sư Ngô Ngọc Trai - một trong 3 người có thư kiến nghị tăng lương cho các cán bộ ngành Tòa án cho biết: Là những người có tâm huyết với nền tư pháp nước nhà, chúng tôi có mong muốn thúc đẩy nâng cao năng lực, thẩm quyền cho nền tư pháp để có thể đóng góp được nhiều cho công cuộc quản trị quốc gia. Chế độ tiền lương chưa thể hiện đúng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác Tòa án trong tiến trình cải cách tư pháp (Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm), chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử và yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.

Một cán bộ Tòa án đã có 10 năm làm việc mà tổng mức lương và phụ cấp mỗi tháng chỉ khoảng 7, 8 triệu đồng. Thư ký Tòa án đã 10 năm làm việc lương chỉ khoảng 7 triệu đồng, Thẩm phán được khoảng 8 triệu đồng. Đó thực sự là mức lương quá thấp của cán bộ ngành Tòa án. Khi so sánh áng chừng với mức lương của một chuyên viên pháp chế ngân hàng hay một chuyên viên pháp chế doanh nghiệp làm việc chục năm thì thu nhập của họ có lẽ là cao gấp đôi mức Thẩm phán nêu trên, luật sư cho biết.

Theo luật sư, đây là một thực tế mà các nhà hoạch định chính sách phải tính đến. Bởi lẽ, điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới chất lượng hoạt động của ngành tư pháp. Hãy thử hình dung với một mức lương thấp như vậy thì làm sao họ có thể yên tâm công tác và làm sao họ có thể giữ được sự công tâm khách quan trước những cám dỗ trong khi giải quyết các vụ án. Bởi cũng giống như bất kỳ cán bộ nào, sau công việc trở về với cuộc sống thường nhật, Thẩm phán hay Thư ký Tòa án đều phải đối diện với áp lực cơm áo, gạo tiền. Trách nhiệm nặng nề nhưng chính sách về lương tại Tòa án hiện nay là quá thấp, không đáp ứng đủ các nhu cầu của bản thân, gia đình họ.

Các luật sư cũng chia sẻ, có Thẩm phán rất giỏi chuyên môn nộp đơn xin nghỉ, khi tiếp xúc động viên ở lại làm việc, chúng tôi biết anh muốn nghỉ ra ngoài đi làm vừa dễ có thu nhập cao, vừa khỏi sợ bị kỷ luật. Những trường hợp khác đến làm cho các công ty dịch vụ tư vấn hoặc giúp công việc kinh doanh gia đình. Không chịu được áp lực và bỏ cuộc là điều rất đáng tiếc khi mà mỗi Thẩm phán đều đã cố gắng hết sức để được bổ nhiệm vào chức danh cao quý này.

Hơn nữa, nghề nghiệp của các Thẩm phán cho phép họ đang nắm giữ một thứ quyền năng lớn mà người bình thường không ý thức được. Họ có quyền tuyên cho một bên thắng kiện được hàng chục hàng trăm tỷ đồng. Hoặc họ có quyền định đoạt tính mạng sống chết và số năm tù của một đời người. Đó là thứ quyền lớn nhất trong một xã hội, vì có còn gì quan trọng đối với con người bằng sự sống và cái chết hay tù tội? Những người liên quan sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để tác động vào phán quyết của Thẩm phán. Vậy nên, để Thẩm phán không bị chi phối bởi những lo lắng thường nhật như cơm áo gạo tiền thì cần phải giải quyết thỏa đáng chế độ tiền lương.

Giúp tháo điểm nghẽn cho nền kinh tế

Bên cạnh những kiến nghị như đã đề cập đến ở trên, nhóm luật sư đưa ra mức lương giả sử là Thẩm phán cấp huyện, mức hợp lý phải là 30 triệu đồng/tháng, Thẩm phán cấp tỉnh hợp lý phải là 40 triệu đồng/tháng. Mức lương cho Thẩm phán cấp cao hợp lý phải là 60 triệu/tháng… Ngoài ra, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và các chức danh khác phải ở từ 15 triệu đồng/tháng trở lên.

Các con số trên chỉ có tính chất áng chừng tham khảo, nhưng con số cuối cùng chỉ khoảng hơn 3,6 nghìn tỷ đồng/ năm thì không phải là quá lớn. Vì hiện tại có rất nhiều khối công sản quốc gia đang bị các ban ngành quản lý làm thất thoát với con số nhiều nghìn tỷ đồng như vụ Mobifone mua AVG bị thất thoát lên đến 7000 tỷ; các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ nhiều tỷ USD; các hội đoàn thể mỗi năm tiêu tốn 68 nghìn tỷ đồng…

Các luật sư cũng đưa ra một cách khác cho quản trị và xây dựng quốc gia, hợp lý và công bằng hơn. Đó phải cải cách việc quản lý sử dụng công sản quốc gia, cắt chi tiêu cho hội đoàn thể, để dành tiền tăng lương cho bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó ngành Tòa án là quan trọng nhất.

Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng, chế độ tiền lương thấp đối với cán bộ, công chức Tòa án hiện nay chưa phải là bảo đảm hữu hiệu để Tòa án thực hiện nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Việc giải quyết tiền lương và phụ cấp chưa đồng bộ so với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ.

Chuyện của những luật sư kiến nghị tăng lương cho Thẩm phán

Theo luật sư, thực tế lâu nay luôn tồn đọng một khối lượng lớn tài sản bị ghim giữ do quá trình giải quyết các vụ tranh chấp bị kéo dài bởi nhiều yếu tố khác nhau, tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.

Không chỉ vậy, lâu nay còn tồn đọng một khối tài sản lớn có tranh chấp trong nhân dân nhưng không được các bên đưa ra giải quyết bởi họ luôn lo ngại rằng sẽ bị chậm trễ hoặc khó khăn. Rồi nhiều dự án “treo”hoặc bị đắp chiếu không được thực hiện đây đó trên cả nước gây thiệt hại cho nền kinh tế. Những thủ tục tư pháp nhiêu khê, thời gian giải quyết quá dài, sự nhũng nhiễu, nạn tham nhũng khiến cho giải pháp tư pháp kém hấp dẫn, thậm chí có người bỏ mặc khối tài sản có tranh chấp mà không nhờ đến tư pháp giải quyết.

Một lý do khiến chất lượng vận hành của nền tư pháp còn thấp đó là do mức lương quá thấp, khiến cho họ không chuyên tâm vào công việc, hoặc chính họ trở thành lực cản gây tác hại cho lưu thông của cải vật chất. Những điều đó lâu nay không được nhìn ra và tính toán thống kê cụ thể. Một nền kinh tế thị trường phải song hành với một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả, sự tồn tại sự lưu thông dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý rất quan trọng, không kém gì sự lưu thông của dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế.

Vậy nên đứng trước bài toàn về cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ công chức, các luật sư cho rằng cần khẩn trương nâng cao mức lương cho cán bộ Tòa án, điều này sẽ có tác dụng như một sự đầu tư, khi nó giúp giải phóng các nguồn lực cho nền kinh tế đang bị tồn đọng trong nền tư pháp hiện nay, các luật sư phân tích.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện của những luật sư kiến nghị tăng lương cho Thẩm phán